Để sản xuất an toàn trong dịch bệnh, tái cấu trúc doanh nghiệp là bắt buộc

Theo N. Nga/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp rơi vào khó khăn chưa từng có tiền lệ, nhưng qua đó các doanh nghiệp đều nhận ra rằng tái cấu trúc là điều bắt buộc, trong đó phải thay đổi môi trường làm việc, quan tâm đến sức khỏe người lao động, tăng cường ứng dụng số hóa...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại tạo đàm “Sản xuất an toàn trong đại dịch” ngày 13/11, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, là địa phương ảnh hưởng nặng nhất trong đợt dịch thứ 4 nhưng sau khi TP. Hồ Chí Minh đã phủ được vaccine, kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, doanh nghiệp trên địa bàn liền bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến nay, 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động. Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với số lượng lao động lên tới trên 280.000 lao động, chỉ còn 4 doanh nghiệp, cho thấy TP. Hồ Chí Minh đã bắt nhịp. 

Tái cấu trúc trong doanh nghiệp là bắt buộc

Nhìn lại đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua, PGS. TS Trần Hoàng Ngân nhận định đây là đợt bùng phát chưa từng có trong tiền lệ, để thích ứng cần phải có thời gian. Bước đầu các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh còn có nhiều khó khăn, nhưng sau một thời gian các doanh nghiệp đã tìm được lối đi của mình. 

Từ cuối tháng 9, TP. Hồ Chí Minh đã thí điểm trước 2 tuần ở tại các đơn vị sản xuất kinh doanh tại Quận 7, tại huyện Củ Chi, doanh nghiệp phục hồi rất nhanh chóng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả dịch vụ ăn uống của người dân cũng được phục hồi trở lại. "Các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đã có sự thích ứng nhanh", PGS. TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết đợt dịch vừa qua đối với các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là khối doanh nghiệp sản xuất là nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp sản xuất xây dựng các nhà máy và các kế hoạch sản xuất kinh doanh đều có những rủi ro như rủi ro về cháy nổ, ngập lụt, an toàn lao động nhưng chưa bao giờ xây dựng rủi ro về bệnh dịch. Đó là điều không có tiền lệ và xảy ra hết sức đột ngột với tất cả các doanh nghiệp.

Theo ông Trần Việt Anh, qua đợt dịch này các doanh nghiệp đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp và đã bắt đầu hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe.

Cụ thể, trước đó, doanh nghiệp thường xây dựng các quy trình trong hoạt động kinh doanh của mình như quy trình phòng cháy chữa cháy, môi trường… thì nay doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến quy trình về sức khỏe.

Các doanh nghiệp có lực lượng nhân sự tham gia vào quy trình này, đó là nhân viên điều dưỡng, nhân viên y tế. Những doanh nghiệp đã có nhân viên y tế rồi thì cho họ tập trung rất nhiều vào phòng dịch. Khoảng 70% các doanh nghiệp nói chung và 90% doanh nghiệp sản xuất đều có nhân viên đủ trình độ như một nhân viên y tế cấp địa phương, có thể theo dõi, nhận ra được triệu chứng của những F0 sức khỏe như nào và nên cần đi xét nghiệm.

Hoạt động sản xuất kinh doanh được xây dựng trên hoạt động cố định hàng mấy chục năm nay, bây giờ phải thay đổi. Hoạt động của văn phòng mang tính trực tuyến nhiều hơn, trong nhà xưởng, điều quan trọng nhất và là xu thế bây giờ là vấn đề thông gió, phải đặt lên hàng đầu. Về tuyển dụng lao động, trước đây, tuyển dụng về năng suất, kỹ năng, nhưng bây giờ thêm ý thức.

Các nhà máy, doanh nghiệp chấp nhận chi phí cao hơn để thay đổi dây chuyền mới, để bố trí các công nhân đứng cách nhau khoảng 2m, đây là điều không có tiền lệ trong sản xuất. Hạn chế tiếp xúc ở nơi làm việc cũng là một mô hình hoạt động mới, quan tâm đến chỗ ở của người lao động...

Bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh, Tổng giám đốc Galaxy One, Sovico Group thì cho rằng ngoài việc tiêm vaccine và ý thức của người dân thì công nghệ đóng vai trò quan trọng và chủ đạo trong đợt chống dịch lần này.

Có thể kể đến như nền tảng ứng dụng "Việt Nam Khỏe mạnh" hỗ trợ toàn diện cho việc chống dịch, chẳng hạn như hệ thống xét nghiệm, những số liệu tổng hợp, phân tích để các nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định nhanh chóng khi xuất hiện F0 tại cơ sở, hỗ trợ cách ly F0 ra khỏi khu sản xuất sao cho an toàn... 

Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết ,mỗi chúng ta đều có thể đại diện cho 1 cung đường, một khu vực ... Như vậy thay vì việc tốn kém chi phí xét nghiệm để cách ly F0 ra khỏi cộng đồng thì công nghệ đã hỗ trợ để mỗi tháng bình quân mỗi công nhân chỉ mất khoảng 80.000 đồng/người/tháng cho việc xét nghiệm và các nhà quản trị cũng nhanh chóng tách được F0 ra khỏi nhóm sản xuất an toàn.

"Đó là những giá trị cao nhất mà công nghệ mang lại cho các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, để vừa sản xuất, vừa chống dịch an toàn", bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh chia sẻ.

Cần sự hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ

Đề xuất một số giải pháp về cơ chế giúp doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng an toàn, vượt qua đại dịch và hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm cho phép doanh nghiệp được sản xuất thuốc chống COVID-19, cũng như sản xuất được vaccine phòng COVID-19 nội địa. Khi có thuốc và vaccine trong nước chúng ta sẽ tự tin trong việc phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng doanh nghiệp hiện nay không chỉ khó khăn về phòng chống dịch bệnh mà còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Được biết hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, theo ông Ngân đây là gói hỗ trợ hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần tiếp tục được miễn, giảm thuế phí, cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang phải chịu chi phí logistic đang rất cao do hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Ông Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ nên tăng thêm gói đầu tư công để đầu tư về hạ tầng để tháo gỡ các nút thắt ra vào sân bay, bến cảng để giảm bớt chi phí logistic.

"Việc sản phẩm làm ra mà không tiêu thụ được mà các doanh nghiệp vừa nói đến là do tổng cầu giảm. Tôi cho rằng Chính phủ nên đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ thu nhập cho nhân dân, cho người lao động, hộ nghèo, gia đình có người mắc COVID-19. Việc này sẽ làm tăng tổng cầu, cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm",  Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh kiến nghị giải pháp trước tiên là chính quyền địa phương cũng như Bộ Y tế cần có kế hoạch và quyết tâm di dời những nhà máy các đơn vị sản xuất sử dụng nhiều lao động đan xen lẫn vào khu dân cư. Bắt buộc phải có quy trình mới để xây dựng những nhà máy, khu công nghiệp phải có những quy trình mang tính chất phòng dịch, có nghĩa là phải thông thoáng.

Thứ hai, bổ sung những quy định ở nơi đang là vùng đỏ, vùng cam cũng được hưởng chế độ là ở nơi độc hại.

Thứ ba, cần quan tâm đến đội ngũ bác sĩ tâm lý. Hiện tại người lao động chưa hiểu bác sĩ tâm lý là gì, tuy nhiên có nhiều người trầm cảm, hoảng loạn do dịch bệnh. Do đó bác sĩ tâm lý rất quan trọng.

Thứ tư, việc công bố thuốc điều trị, cần ban hành quy định ngay trong doanh nghiệp, phải có tuyên truyền quy định cụ thể thuốc dùng như thế nào để lãnh đạo doanh nghiệp có căn cứ thực hiện. Những quy trình đó chưa được hợp pháp hóa trong doanh nghiệp. Đã là quy trình thì phải tuân thủ, có thưởng phạt.

Cuối cùng, quy định người lao động làm việc online ở nhà thì cũng cần có những tiêu chuẩn cho lao động online ở nhà. Khi họ gặp vấn đề trong làm việc online ở nhà thì có được hưởng những chế độ như tai nạn lao động hay không. Đó là những điều nhiều lao động quan tâm.