Doanh nghiệp bước vào giai đoạn tăng tốc đầu tư

Theo Ngọc Thảo - Ngọc Quỳnh/congthuong.vn

Đại dịch vẫn chưa có hồi kết, tiếp tục tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các DN vẫn luôn lạc quan, chủ động xây dựng kế hoạch nhằm đạt mục tiêu cao nhất có thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Doanh nghiệp lạc quan

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê có đến 85,1% số DN được khảo sát đánh giá xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2021 sẽ tốt lên và ổn định. Trong đó, 51% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 34,1% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực có đánh giá hết sức lạc quan với 86,2% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2021.

Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong Báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh EuroCham (BCI) quý I/2021 vừa công bố cũng cho thấy lãnh đạo các DN châu Âu đánh giá tích cực và lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam 2021.

Cụ thể, báo cáo đưa ra chỉ số BCI đạt 73,9 điểm % trong quý I/2021. Đây là số điểm cao nhất được ghi nhận kể từ quý III/2019, trước khi đại dịch Covid - 19 tấn công hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu. Chỉ số BCI hiện đã tăng trở lại mức trước khi có Covid-19 và đây là một thành tựu đáng kể và là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu song song là vừa chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá về triển vọng của môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý II/2021, 67% lãnh đạo DN châu Âu dự đoán là “xuất sắc” hoặc “tốt”, con số dự đoán lạc quan này tăng 12% so với dự đoán đưa ra cho quý I/2021.

Các DN châu Âu cũng tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh của DN mình. Hơn 68% được hởi dự đoán rằng đơn đặt hàng và doanh thu của họ sẽ "duy trì hoặc tăng" trong 3 tháng tới và tăng 25% so với quý 4/2020.

Những chuyển biến tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được hơn 60% lãnh đạo DN tham gia khảo sát cho biết công ty họ được hưởng lợi từ khi EVFTA đi vào triển khai.

Còn theo đánh giá của Công ty kiểm toán PwC (PricewaterhouseCoopers) mới công bố lần đầu vào tháng 4/2020 vừa qua qua trong “Khảo sát DN gia đình 2021 - Góc nhìn Việt Nam” cho thấy 65% số DN gia đình Việt Nam tham gia khảo sát dự báo DN sẽ tăng trưởng trong năm 2021. Việc mở rộng kinh doanh và ứng dụng công nghệ là những ưu tiên hàng đầu. 55% lãnh đạo DN gia đình khẳng định sẽ tập trung phát triển, đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường; 52% cho biết sẽ ưu tiên tăng cường ứng dụng các công nghệ mới.

Thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tăng tốc

Những diễn biến thuận lợi trên thị trường cộng với việc khống chế tốt dịch bệnh đã tạo những động lực thu hút mạnh mẽ hoạt động đầu tư của các DN cả trong và ngoài nước.

Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham cho biết, Việt Nam đang tiếp tục mở cửa nền kinh tế. Trong khi các quốc gia còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của Covid -19 thì Việt Nam có thể đảm bảo rằng các công ty ở đây có thể tiếp tục hoạt động bình thường mà không có nhiều gián đoạn. Điều này đang giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp thêm niềm tin cho lãnh đạo các DN châu Âu.

Cũng tỏ ra tin tưởng, lạc quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Thue Quist Thomasen - Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam cho hay, thực tế là ngày càng nhiều lãnh đạo DN đưa ra ké hoạch tăng nhân viên kế hoạch đầu tư của họ sẽ tăng tại Việt Nam và nó cho thấy rằng các công ty đang đầu tư vào lực lượng lao động và công việc kinh doanh của họ để có một năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ sau suy giảm, thiệt hại.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 4 tháng/2021 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 12,25 tỷ USD, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm 2020. Quy mô bình quân của các dự án cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn đều tăng lên so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, tăng từ 6,9 triệu USD/dự án mới trong 4 tháng năm 2020 lên 18,7 triệu USD/dự án mới trong 4 tháng năm 2021 và từ 9,2 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn lên trên 10,4 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn. Điều này cho thấy các nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá các DN Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam trong đó lĩnh vực thu hút tiềm năng nhất là chế biến chế tạo, lương thực thực phẩm. Số DN Nhật có mong muốn mở rộng thị phần tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam cũng tăng mạnh. Hiện Việt Nam được xếp tốp 10 thị trường tiêu thụ trọng yếu của hàng hóa Nhật Bản.

Với cộng đồng DN trong nước, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Dự kiến tổng số tiền được hoãn, giãn nộp thuế lần này gần 115.000 tỷ đồng. Đây là quyết định nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ dành cho cộng đồng DN để tiếp tục tự tin để đầu tư cho sản xuất kinh nhằm hồi phục nhanh hơn, phát triển bền vững hơn bất chấp những ảnh hưởng khó khăn từ đại dịch.