Doanh nghiệp kỳ vọng vào Luật PPP mới: Xem xét dự án từ góc nhìn thị trường

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ Bảy tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cộng đồng doanh nghiệp đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào Luật này, trong đó đề nghị cần có cách tiếp cận khác - xem xét các dự án PPP từ góc nhìn thị trường và thương mại, thay vì dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân truyền thống.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Chưa có dự án PPP đúng nghĩa”?!

Để thực hiện đầu tư theo hình thức PPP có hiệu quả, ngày 14/2/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP, trong đó quy định rõ về lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức PPP. Sau đó, ngày 4/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo Trưởng nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 Tony Foster, trong vòng 20 năm qua, cả nước có khoảng 200 dự án đã được cấp phép theo hình thức PPP, song “hầu như không có dự án nào tuân theo cơ chế PPP được quy định tại Nghị định 15 và Nghị định 63”.

Lý giải điều này, ông cho rằng PPP “rất phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở bất cứ nơi nào trên thế giới”. Thêm vào đó, sự hỗ trợ của Nhà nước là có hạn, vì vậy chắc chắn sẽ phát sinh các vấn đề chính trị. Một yếu tố nữa là PPP chỉ có thể bền vững nếu được thực hiện hiệu quả và công bằng.

Muốn vậy, phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia là những người có thể quản lý chương trình, song cần có thời gian. Ngoài ra, cần có chuyên môn cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực bởi đường bộ khác đường sắt, khác các nhà máy nước thải…

Cũng theo nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng, trong thực hiện đầu tư theo hình thức PPP ở Việt Nam đang tồn tại một số vướng mắc. Chẳng hạn, không có hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn về việc làm thế nào để có thể nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính khiến các nhà đầu tư tư nhân loay hoay.

Bên cạnh đó, do không có nguyên tắc cung cấp nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính - yếu tố trung tâm của PPP nên nhà tài trợ cho rằng phải mất rất nhiều thời gian.
Một số hạn chế khác cũng được đại diện doanh nghiệp chỉ ra như PPP “quá nguyên tắc” và thường rất khó có thể đáp ứng kịp thời các yêu cầu; hoạt động đấu thầu cũng gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả cho Việt Nam hơn so với các dự án được thương lượng, đàm phán riêng. Chính những bất cập trên đã khiến nhiều nhà tài trợ không mặn mà với PPP.

Làm rõ việc bảo lãnh dự án

Trên thực tế, để tạo thuận lợi trong thực hiện các dự án PPP, Nghị định 63 đã đơn giản hóa thủ tục đầu tư, như bỏ quy định phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án. Song, theo đại diện doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả công tác khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, “các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý để công nhận các phương thức huy động vốn khác nhau của doanh nghiệp tư nhân”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Ryu Hang Ha nêu ý kiến.

Cho rằng “phát triển cơ sở hạ tầng là một yêu cầu quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế về dài hạn của Việt Nam, trong đó áp dụng linh hoạt các cơ chế PPP chắc chắn sẽ là một trong những cách hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu này”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Koji Ito khuyến nghị, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư, Nghị định số 63 cần làm rõ “luật nước ngoài” được cho phép sử dụng làm luật áp dụng.

Đồng thời, cho phép giải quyết tranh chấp bởi trọng tài nước ngoài đối với toàn bộ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có các dự án liên quan đến bất động sản. Ngoài ra, cho phép nhà đầu tư nước ngoài và các đơn vị triển khai dự án được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và quyền khai thác các công trình dự án.

Dự kiến, Luật PPP sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10/2019. Đại diện doanh nghiệp kiến nghị, Luật mới nên có cách tiếp cận khác. Đó là xem xét các dự án PPP từ góc nhìn thị trường và thương mại, thay vì góc nhìn của dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân truyền thống. Luật mới có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các tiêu chí mong muốn và cam kết sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Nhà đầu tư phải tham gia đấu thầu được tự do cơ cấu dự án theo cách thức tốt nhất để đạt hiệu quả mong muốn và tuân thủ pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, Luật cũng cần làm rõ các vấn đề liên quan đến các bảo đảm và bảo lãnh đối với dự án cũng như nguyên tắc về chuẩn bị và giải ngân vốn hỗ trợ bù đắp tài chính cho dự án, bởi bù đắp thiếu hụt tài chính là một trong những khó khăn lớn nhất mà các dự án PPP gặp phải…

Đại diện cơ quan xây dựng Luật PPP, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đăng Trương khẳng định, sẽ tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hoàn thiện dự thảo Luật. “Chúng tôi đồng tình với việc cho rằng đây là luật rất mới và khó, phức tạp. Do đó, cần dự án có thực tiễn để từ đó có kinh nghiệm và chuyển hóa vào quy định, để Luật có tính khả thi cao. Đồng thời, sử dụng đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia quốc tế nhằm xây dựng đạo luật phù hợp thông lệ tốt của quốc tế cũng như bảo đảm nguyên tắc thị trường”, ông nói.