Hoàn thiện chuỗi giá trị hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2019

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong bối cảnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, các vấn đề về tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng thông qua chuỗi giá trị, tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu… là những nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm của ngành Thủy sản. Trong chuỗi giá trị hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hiện nay, nhìn chung lợi nhuận thu được còn thấp. Đây là nguyên nhân khiến nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư vào sản xuất và chỉ tập trung khâu thu mua, thương mại. Nghiên cứu chuỗi giá trị của hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam, bài viết gợi ý một số định hướng giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện chuỗi giá trị hoạt động xuất khẩu và gia tăng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chuỗi giá trị của hoạt động xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam

Mô hình chuỗi liên kết giá trị trong hoạt động xuất khẩu thủy sản được thực hiện chủ yếu theo liên kết dọc. Các chủ thể chính liên kết với nhau chặt chẽ nhất là người sản xuất (các hộ khai thác và nuôi trồng) và doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu. Bên cạnh đó, có các đại lý trung gian trong việc đưa thủy sản từ các hộ sản xuất đến với DN và thị trường, trong một số trường hợp, trung gian này còn có thể cung cấp các yếu tố đầu vào cho người nuôi (tín dụng, giống, thức ăn, hóa chất). Cụ thể:

 Về khâu sản xuất

Hoàn thiện chuỗi giá trị hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1

Nguồn nguyên liệu cung cấp cho hoạt động chế biến xuất khẩu của DN thủy sản từ hai nguồn chính, đó là nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản và một phần nhập khẩu từ nước ngoài. Những năm gần đây, sản lượng nuôi trồng thủy sản luôn chiếm trên 50% tổng sản lượng thủy sản của cả nước với các đối tượng chủ lực là tôm thẻ và cá tra, nhuyễn thể. Sản lượng khai thác thủy sản chiếm 46% với sản lượng cá khai thác chiếm chủ yếu chiếm 67% tổng sản lượng khai thác thủy sản. Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2018 đạt 3.590,7 nghìn tấn (tăng 5,9% so với năm 2017), trong đó khai thác biển đạt 3.372,7 nghìn tấn, khai thác nội địa 218 nghìn tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 1,3 triệu ha, bằng 106% so với cùng kỳ 2017, sản lượng nuôi đạt 4,3 triệu tấn, tăng 8,3%.

 Nghiên cứu sức cạnh tranh về giá của hàng thủy sản Việt Nam cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do mối liên hệ giữa các DN chế biến thủy sản xuất khẩu và giữa cơ sở sản xuất ban đầu (khai thác, nuôi trồng) chưa hiệu quả; nguồn nguyên liệu không ổn định, phân tán và sản lượng quy mô nhỏ; giá nguyên liệu lại tăng, giá bán và lợi nhuận thấp; chất lượng nguyên liệu đưa vào chế biến không cao; sản phẩm xuất khẩu chế biến còn đơn điệu, chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô; máy móc, thiết bị chế biến cũ kỹ, lạc hậu…

Bên cạnh đó, công nghệ vận chuyển, bảo quản nguyên liệu sau thu hoạch còn hạn chế, vùng nguyên liệu lại phân tán làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nguyên liệu cho chế biến. Thường xuyên xảy ra tình trạng mất cân đổi giữa công suất thiết bị và khả năng cung cấp nguyên liệu… Những vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu của các DN thủy sản Việt Nam. Cùng với đó, tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu khiến các DN thủy sản của Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ 70 nước với giá trị liên tục tăng. Ước tính, giá trị xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu chiếm trung bình 11-14% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản hàng năm. Thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến nay, giá trị nhập khẩu nguyên liệu của các DN thủy sản đạt trung bình 50 - 60 triệu USD/tháng. Trong những năm gần đây, các mặt hàng nhập khẩu không chỉ dừng lại ở các loại hải sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc, các loại cá biển… mà các DN thủy sản Việt Nam còn đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ các nước khác như: Ấn Độ, Thái Lan… Năm 2018, nhập khẩu thủy sản vào Việt Nam đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017; Giá trị nhập khẩu hàng tháng trung bình khoảng gần 150 triệu USD.

Về khâu thu mua

Thực tế cho thấy, phần lớn các DN thủy sản Việt Nam đều chưa thiết lập được hệ thống tổ chức thu mua nguyên liệu trực tiếp từ ngư dân, chủ yếu thu mua từ các nậu, vựa. Ưu điểm của việc thu mua thuỷ sản từ các nậu, vựa là đáp ứng được nguyên liệu phù hợp với biến động về nhu cầu thị trường; đồng thời góp phần giải quyết đầu ra cho ngư dân. Tuy nhiên, cách làm này dẫn đến hệ quả là DN phải lệ thuộc vào các chủ nậu, vựa vì nếu nậu, vựa quay lưng thì lập tức DN bị thiếu nguyên liệu. Còn đối với ngư dân, do không được giao dịch trực tiếp với DN, nên khó tiếp cận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ các DN, không nắm bắt được thông tin về thị trường, giá cả và không có quyền mặc cả về giá cho sản phẩm của mình…

Về khâu chế biến của các doanh nghiệp thủy sản

Hoàn thiện chuỗi giá trị hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 2

Chế biến xuất khẩu thủy sản hiện nay đã trở thành ngành sản xuất công nghiệp hiện đại, có đủ năng lực chủ động hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Cụ thể là đã hình thành một đội ngũ các nhà DN giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, tiên phong trong việc đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, đã được thử thách trong cơ chế thị trường và cạnh tranh thương mại trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tính đến nay, cả nước có 636 DN chế biến xuất khẩu thủy sản quy mô công nghiệp đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và đủ điều kiện xuất khẩu và các thị trường. Số lượng các nhà máy và công nghệ chế biến thủy sản ngày càng tăng. Có hơn 600 DN chế biến quy mô công nghiệp với công suất 3 triệu tấn/năm trong số hơn 1.300 cơ sở chế biến thủy sản có đăng ký sản xuất kinh doanh. Có 300 nhà máy chế biến thủy sản tập trung vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong vùng nguyên liệu tôm, cá tra và hải sản. Số lượng nguyên liệu thủy hải sản được đưa vào chế biến đạt 70%, tương đương trên 4 triệu tấn. Công suất chế biến trung bình được sử dụng đạt 65%.

Các nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư nâng cao năng lực, công nghệ chế biến hiện đại, trình độ quản lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu thị trường các nước trên thế giới. Trình độ, công nghệ chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản Việt Nam theo đó cũng được nâng cao. Đa số các cơ sở chế biến thủy sản đạt trình độ công nghệ chế biến và trình độ quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới nên các cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đều đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, nhiều DN chế biến thủy sản Việt Nam chưa tạo lập được chuỗi cung ứng nguyên liệu, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, số lượng DN tạo vùng nguyên liệu với chuỗi cung ứng kép kín từ khâu sản xuất con giống, nuôi trồng đến sản xuất thành phẩm có tăng trưởng nhưng chưa nhiều.

Về khâu thương mại, xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu các DN thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm qua. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, với mức tăng trưởng bình quân 15,6%/năm. Quá trình tăng trưởng này đã đưa Việt Nam trở thành một trong 5 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp nguồn thủy sản toàn cầu.

Hoạt động xuất khẩu của các DN thủy sản Việt Nam có sự tăng trưởng đột phá nhờ phát triển mạnh ngành nuôi trồng, đặc biệt là nuôi cá tra và tôm nước lợ (tôm sú và tôm chân trắng). Thành tựu được thể hiện bằng kết quả xuất khẩu tăng nhanh về cả giá trị và sản lượng. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 161 thị trường, trong đó, Mỹ, EU, Nhật Bản là những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, có sự cách biệt đáng kể hơn so với năm trước. Trong đó, Mỹ đã vượt EU lên vị trí thị trường lớn nhất với 1,6 tỷ USD, tăng 14,5%; tiếp đến là EU với 1,47 tỷ USD và đứng thứ 3 là Nhật Bản với 1,38 tỷ USD…

Để có được kết quả trên, thời gian qua, các DN xuất khẩu thủy sản đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước để chế biến xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, sự bất ổn định nguồn nguyên liệu thời gian gần đây, nhất là nguồn lợi khai thác đang dần cạn kiệt, buộc các DN phải nghiên cứu giải pháp nhập khẩu thêm nguyên liệu từ các nước khác để chế biến xuất khẩu, giữ vững thị trường và duy trì sản xuất và lợi nhuận, tăng doanh số xuất khẩu.

Định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam

Thứ nhất, Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý cạnh tranh lành mạnh cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị thủy sản. DN chế biến thủy sản phải là hạt nhân của chuỗi giá trị thủy sản, các tác nhân tham gia chuỗi là các vệ tinh, vệ tinh liên kết với hạt nhân thông qua chính sách hỗ trợ của Nhà nước, được Nhà nước bảo hộ thông qua hợp đồng kinh tế.

Hoàn thiện chuỗi giá trị hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 3

Thứ hai, phát triển chuỗi giá trị theo chiều sâu (gia tăng giá trị sản phẩm) thay vì theo chiều rộng (gia tăng sản lượng để gia tăng giá trị), thông qua các hình thức liên doanh, liên kết nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. DN chế biến xuất khẩu cần minh bạch trong cung cấp các thông tin thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm của khách hàng cho các tác nhân tham gia chuỗi.

Thứ ba, phát triển chuỗi giá trị phải hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia chuỗi giá trị. 

Thứ tư, cần xây dựng hệ sinh thái đồng bộ cho chuỗi liên kết này như: Quy hoạch vùng về nguyên liệu, phương thức sản xuất, nhà máy chế biến, trung tâm nghiên cứu, trung tâm hỗ trợ nông dân và chính sách tín dụng và xúc tiến thương mại. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị, tổ chức lại mô hình các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ chức cộng đồng, hợp tác xã, nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ năm, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn cho chuỗi hoạt động xuất khẩu của các DN thủy sản. DN hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và ưu đãi về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực...

Tài liệu tham khảo:

1. VASEP (2018), Tổng quan ngành Thủy sản Việt Nam;

2. Nguyễn Thanh Tùng (2015), Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản;

3. Doãn Thị Mai Hương (2017), Phát triển bền vững thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, Tạp chí Tài chính;

4. Kaplinsky, R., and Morris, M.(2000), A Handbook for Value Chain Research, prepared for the Institute for International Development Research Center (IDRC);

5. UNIDO (2009), Agro-value chain analysis and development, Vienna.