Tỉnh Bến Tre:

Hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới

Theo Cẩm Trúc/Báo Đồng Khởi

Để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), ngày 11/9/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre vừa có Công văn số 2322, hướng dẫn DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Công nhân trong vùng xanh được di chuyển đến DN hoạt động trong phạm vi của huyện, thành phố “vùng xanh” không cần giấy xác nhận đi đường. Ảnh: C. Trúc
Công nhân trong vùng xanh được di chuyển đến DN hoạt động trong phạm vi của huyện, thành phố “vùng xanh” không cần giấy xác nhận đi đường. Ảnh: C. Trúc

Theo đó, được phép hoạt động đối với DN kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu (theo danh mục quy định tại Công văn số 4481 ngày 27/7/2021 của Bộ Công Thương); xăng dầu, khí đốt, điện lực, viễn thông, bưu chính, cấp nước, dịch vụ công ích đô thị; ngân hàng và các dịch vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ DN; dịch vụ thu hoạch, vận chuyển nông, thủy sản từ nơi sản xuất đến cơ sở chế biến. Người đứng đầu DN chịu trách nhiệm về thực hiện các giải pháp an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với DN đang hoạt động tại địa bàn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Trong quá trình hoạt động, DN có thể sắp xếp, bố trí số lượng người lao động (NLĐ) làm việc theo đợt, mỗi đợt tối thiểu 14 ngày.

Đối với DN hoạt động trên địa bàn “vùng xanh” phải gửi thông báo và danh sách NLĐ đến UBND huyện, thành phố nơi DN hoạt động để xác nhận cho hoạt động. DN phải đáp ứng điều kiện quy định như đối với DN hoạt động trên địa bàn thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với DN đang hoạt động tại địa bàn thực hiện Chỉ thị 15, các DN được phép hoạt động, không bắt buộc áp dụng phương án “3 tại chỗ” nhưng phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc “5K”. Khuyến khích DN trang bị kính chống giọt bắn cho toàn bộ NLĐ.

DN thành lập Tổ COVID-19 để tự giám sát việc tuân thủ phòng, chống dịch COVID-19 hàng ngày; mỗi tuần 1 lần tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và gửi báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 xã, phường, thị trấn theo dõi.

Định kỳ 1 tuần/1 lần DN tự tổ chức xét nghiệm sàng lọc (hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện) bằng phương pháp test nhanh hoặc RT-PCR mẫu gộp ít nhất 20% lao động đang làm việc (ưu tiên xét nghiệm các đối tượng: tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo DN, người vận chuyển, giao nhận hàng...).

Trường hợp DN tự tổ chức test nhanh, phải có nhân viên phụ trách đã được cơ quan y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, quá trình thực hiện phải có nhân viên của cơ quan y tế giám sát và hồ sơ lưu trữ để phục vụ kiểm tra, truy vết. Khuyến khích trước khi đón lao động vào làm việc, DN tổ chức xét nghiệm sàng lọc theo phương pháp RT-PCR mẫu gộp cho toàn bộ NLĐ hoặc người có nguy cơ cao để tầm soát dịch bệnh COVID-19.

DN hoạt động tại địa bàn thực hiện Chỉ thị 15 phải lắp đặt camera hoặc có giải pháp thường xuyên giám sát ở các khu; bố trí phân luồng để đảm bảo mỗi tổ/chuyền/khu vực sản xuất, khu vực giao nhận hàng hóa đều tách biệt…

Ngoài ra, DN phải gửi thông báo hoạt động và danh sách NLĐ đến UBND các xã, phường, thị trấn nơi DN hoạt động để theo dõi. Đồng thời, gửi danh sách NLĐ đến UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú để xác nhận giấy đi đường. Tùy vào tình hình diễn biến của dịch bệnh, UBND các huyện, thành phố có thể áp dụng bổ sung các biện pháp tăng cường cho phù hợp với thực tế.

Đối với NLĐ trong “vùng xanh”, được di chuyển đến DN hoạt động trong phạm vi của huyện, thành phố “vùng xanh” thì không cần giấy xác nhận đi đường; di chuyển ra khỏi địa bàn của huyện, thành phố để đến DN hoạt động trong “vùng xanh” thì phải có giấy xác nhận đi đường của UBND xã/phường/thị trấn cấp; đi qua “vùng cam, vùng vàng” trước khi đến “vùng xanh” phải có giấy xác nhận đi đường của UBND xã/phường/thị trấn cấp và kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ; di chuyển từ “vùng cam”, “vùng vàng” đến DN, NLĐ phải có giấy xác nhận đi đường của UBND xã/phường/thị trấn cấp và kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, đồng thời DN phải bố trí chỗ ở cho NLĐ trên địa bàn “vùng xanh”. Trong trường hợp chỗ ở của NLĐ không còn giữ “vùng xanh” DN phải bố trí nơi ở khác.

Đối với DN đang thực hiện “3 tại chỗ” tại địa bàn “vùng xanh” chuyển sang thực hiện theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, trước khi cho NLĐ trở về địa phương, DN phải gửi thông báo đến UBND xã, phường, thị trấn nơi NLĐ cư trú.