Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Doanh nghiệp phát huy vai trò đầu tàu

Theo Hải Linh/congthuong.vn

Với vai trò nền tảng tạo nên năng lực cạnh tranh của quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm quản lý, ứng dụng công nghệ hiện đại để hội nhập kinh tế bền vững.

Số doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhiều, hiện đã cán mốc 1 triệu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Nguồn: Internet
Số doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhiều, hiện đã cán mốc 1 triệu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Nguồn: Internet

Tác động tương hỗ

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam xếp hạng 55/173 quốc gia, tăng 5 bậc so với năm 2017 và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Một trong những yếu tố nền tảng, góp phần tạo nên sự tăng hạng này là bởi sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước ngày càng cải thiện.

Tại buổi tọa đàm "Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia" mới đây, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - phân tích, năng lực cạnh tranh của đất nước bao gồm năng lực cạnh quốc gia, cạnh tranh ngành, doanh nghiệp và sản phẩm. Như vậy, sức cạnh tranh quốc gia và cạnh tranh của doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ. Đó cũng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp khi phát triển trong nền kinh tế thị trường.

Thực tế trong những năm gần đây, những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính… đã giúp bức tranh doanh nghiệp thay đổi cả về lượng và chất. Số doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhiều, hiện đã cán mốc 1 triệu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

Đã có những doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, như Vietjet, Vingroup, Hòa Phát, Tân Hiệp Phát… Tuy nhiên theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- mặc dù, Việt Nam đã có những doanh nghiệp có sức cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới nhưng con số đó chưa nhiều.

Chủ động nâng cao sức cạnh tranh

Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu, bên cạnh những cơ hội, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội - chỉ rõ, thách thức đầu tiên là chiến lược kinh doanh không rõ ràng; trình độ công nghệ lạc hậu; thói quen sản xuất nhỏ lẻ; chế độ đãi ngộ với người lao động chưa tương xứng và cuối cùng là sự liên kết sản xuất để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp rất kém.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng khuyến cáo, những thách thức này sẽ là rào cản làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ trong việc tăng năng lực cạnh tranh là vô cùng khó khăn. Bản thân doanh nghiệp cũng cần tự đánh giá để nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển thật tốt, hướng vào các ngành nghề có lợi, tránh đầu cơ chộp giật. Hoàn thiện, cải cách và tiến tới kỹ năng quản trị hiện đại thể hiện vai trò của chủ doanh nghiệp.

Chủ động đào tạo nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật. Xây dựng thương hiệu để tạo dấu ấn và niềm tin với người tiêu dùng… Đặc biệt, doanh nghiệp phải luôn không ngừng chủ động, học hỏi, sáng tạo để tìm hướng đi riêng, phù hợp với lĩnh vực, ngành hàng.

Trong 12 trụ cột đánh giá năng lực cạnh quốc gia, không có trụ cột nào không có mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước xây dựng thể chế, doanh nghiệp thực hiện và đồng hành với thể chế đó.

TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển