Năng lượng tái tạo: Đừng chỉ là "tiềm năng"

Theo N. Thoan/nhadautu.vn

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo. Việc chuyển đổi dần sang loại hình này là cách thức hiệu quả nhất để hiện thực hoá cam kết Net zero vào năm 2050.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại dự thảo Quy hoạch Điện VIII bản tháng 11/2021, nhu cầu điện thương phẩm cả nước ở kịch bản cơ sở vào năm 2030 là 491 tỷ kWh, vào năm 2045 là 887 tỷ kWh. Công suất cực đại kịch bản cơ sở theo đó phải đạt 86,5GW vào năm 2030 và 155GW vào năm 2045.

So với dự thảo hồi tháng 3, dự thảo tháng 11 đã có sự chuyển biến tích cực, khi tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn năm 2030 giảm từ 26,7% về 25,49%, năm 2045 giảm từ 17,1% về 12,9%. Tuy nhiên, công suất thực tế của nhiệt điện than vẫn tiếp tục tăng, lên 39.699MW vào năm 2030 và 43.149MW vào năm 2045.

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra vào tháng trước tại Scotland, Vương Quốc Anh, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050. Cam kết của Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Dù vậy, đi kèm với đó cũng phải là những nỗ lực vượt bậc để hiện thực hoá tham vọng này, đặc biệt nếu nhìn vào dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa qua.

Trong khi điện than vẫn duy trì tỷ lệ đáng kể, thì tỷ trọng năng lượng tái tạo lại chưa thực sự tương xứng. Tại bản dự thảo tháng 11, tỷ lệ năng lượng tái tạo (không bao gồm thuỷ điện) trong cơ cấu nguồn vào năm 2045 là 43,4%, trong đó điện gió giảm nhẹ 0,2% về 11,6%, điện gió offshore tăng nhẹ 0,3% lên 10,8%, điện mặt trời giảm 1,8% về 19,1%, điện sinh khối và NLTT khác tăng nhẹ 0,1% lên 1,6%.

Để hướng tới đích đến Net zero sau đây 3 thập kỷ, giới chuyên gia kỳ vọng một sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, mà quan trọng nhất, xu hướng đó phải được thể hiện rõ qua Quy hoạch điện VIII.

Thực tế, tiềm năng phát triển của điện gió, điện mặt trời của Việt Nam còn rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với quy mô sử dụng hiện tại.

Theo tính toán của Viện Năng lượng, tổng quy mô tiềm năng điện gió trên bờ và gần bờ của Việt Nam là 217GW. Trong đó, tiềm năng của khu vực gió cao là 24GW và gió trung bình là 30GW; Điện gió offshore (tại khu vực có độ sâu đáy biển trên 20m) hiện đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu với tổng quy mô đến tháng 12/2020 lên tới khoảng 36GW. Tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi khoảng 160GW.

Tổng tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời rất lớn, lên tới 1.646GW (1.569GW là tiềm năng mặt đất và 77GW là tiềm năng mặt nước). Tuy nhiên nếu xét thêm về điều kiện khả năng xây dựng và tiềm năng kinh tế theo từng tỉnh thì tổng quy mô tiềm năng có thể phát triển của điện mặt trời quy mô lớn toàn quốc khoảng 386GW, tập trung chủ yếu tại miền Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Là một trong những đơn vị tham gia góp ý cho Quy hoạch Điện VIII, bà Vũ Chi Mai, Trưởng hợp phần dự án 4E – EVEF, Chương trình Năng lượng GIZ cho biết, xu hướng chung trong chuyển dịch năng lượng của thế giới là từ sử dụng nhiều năng lượng hoá thạch, có phát thải cao sang hệ thống năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng. Cùng với đó, chiến lược carbon thấp giúp tạo ra con đường phát triển kinh tế tốt hơn, rẻ hơn và nhanh hơn.

Theo đó, hiện năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời và điện gió) đang chiếm trên 1/3 tổng sản lượng điện toàn cầu với tổng công suất lắp đặt khoảng 2.500GW. Một số nước như Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Đức đều có tỷ lệ NLTT rất cao. Trong năm 2019 tỷ lệ đáp ứng từ NLTT trong tổng nhu cầu điện đã lên tới 46-51%; ở Bồ Đào Nha, có nhiều ngày NLTT chiếm tới 100% tổng cung điện.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) khuyến nghị Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo. Cùng với đó, những dự án điện than có tính khả thi thấp do các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế.

Để tạo điều kiện khai thác hiệu quả tối đa nguồn năng lượng tái tạo, bà Khanh cho rằng trong Quy hoạch điện VIII nên đưa giải pháp đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh, minh bạch tới cấp bán lẻ, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường.

Đồng thuận với 2 ý kiến nêu trên, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng từ một hệ thống chi phối bởi nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống với tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng là xu hướng toàn cầu. Ba mục tiêu của chuyển dịch năng lượng Việt Nam cần lưu ý là đảm bảo an ninh năng lượng (cung cấp đủ điện và đạt chất lượng yêu cầu), cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá muốn đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 năm 2050 cần rất lớn sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Tính toán trên tất cả các phương án như đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đốt rác trực tiếp để không thải ra CO2, dùng các công nghệ hiện đại cho năng lượng thì yếu tố quan trọng hơn cả là phát triển năng lượng tái tạo và nguồn này phải chiếm từ 80-90% tổng công suất hệ thống thì Việt Nam mới có thể đạt được cam kết tại COP26.