Người tìm việc làm thời vụ dịp Tết, những vấn đề cần lưu ý


Để có một công việc thời vụ dịp Tết phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho mình, người lao động cần tìm hiểu thật rõ ràng, cụ thể mọi vấn đề để tránh các rủi ro về sau.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Do đặc thù công việc, hầu hết những việc làm thời vụ dịp Tết đều không yêu cầu bằng cấp, trình độ. Điều đặc biệt, mức lương lại rất cao. Chính vì vậy mà nhiều người đã bỏ qua những nguyên tắc cơ bản khi tìm việc.

Cẩn thận với những thông tin đăng tuyển

Trước khi bắt đầu làm bất cứ công việc nào, dù chỉ làm trong vài ngày Tết thì người lao động (NLĐ) cũng không nên bỏ qua việc tìm hiểu thông tin về người sử dụng lao động (NSDLĐ). Bởi thực tế đã có không ít trường hợp "dính bẫy" của những người lợi dụng tên tuổi doanh nghiệp lớn để đăng tin tuyển dụng.

Đặc biệt, với những công việc tuyển dụng online tràn lan trên các trang mạng xã hội, các nhóm hội như giúp việc gia đình, bán hàng thời vụ… thì nên cẩn thận với những thông tin đăng tuyển sơ sài, không đủ nội dung… Ngoài ra, cũng cần hết sức lưu ý với những nơi đưa ra mức lương hấp dẫn nhưng lại làm công việc vô cùng đơn giản. Hãy hỏi rõ ràng và chắc chắn nắm hết được các thông tin cơ bản về người sử dụng trước khi ứng tuyển bất cứ công việc nào.

Để có một công việc thời vụ dịp Tết phù hợp, người lao động cần tìm hiểu thật rõ ràng, cụ thể mọi vấn đề để tránh các rủi ro về sau
Để có một công việc thời vụ dịp Tết phù hợp, người lao động cần tìm hiểu thật rõ ràng, cụ thể mọi vấn đề để tránh các rủi ro về sau

Theo quy định tại khoản 3, điều 5 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP về công việc và địa điểm làm việc, dù làm việc ngắn ngày nhưng NLĐ cũng nên xác định loại công việc có khả năng làm được và phù hợp với điều kiện cũng như sức khỏe của bản thân. Đồng thời, NLĐ cũng không nên vì đồng tiền mà sẵn sàng làm mọi việc, lướt qua những thông tin về công việc phải làm, phạm vi, địa điểm làm việc…

Những thông tin mô tả công việc chung chung chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện. Và không ai khác, chính NLĐ sẽ là người bị thiệt thòi nhất, không những lãng phí thời gian mà trong nhiều trường hợp còn có thể không được trả lương cho những việc mà mình đã làm.

Mức lương và thời giờ làm việc phải rõ ràng

Tại khoản 1, điều 90 Bộ Luật Lao động 2012 quy định, tiền lương là khoản tiền mà NSDLĐ trả cho NLĐ để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Với tính chất làm việc khi người khác nghỉ ngơi, hầu hết những việc làm thời vụ dịp Tết đều có mức lương cao hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, không ít NSDLĐ đã lợi dụng thực tế này đẩy lương cao hơn nhiều lần nhằm thu hút những lao động "nhẹ dạ cả tin". Do vậy, để tránh mất thời gian và bảo đảm quyền lợi cho mình, NLĐ nên tìm một việc làm thời vụ có mức lương rõ ràng; hình thức trả lương cụ thể (trả tiền mặt hay trả qua tài khoản ngân hàng); thời điểm trả lương phù hợp (theo giờ, theo ngày hay sau khi hoàn thành công việc)…

Bên cạnh tiền lương thì thời gian làm việc cũng là yếu tố quan trọng quyết định công việc của NLĐ. Theo khoản 2, điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, thời giờ làm việc được quy định như sau: Thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của ngày, tuần hoặc ca làm việc; số ngày làm việc trong tuần; làm thêm giờ và các điều khoản liên quan khi làm thêm giờ.

Do làm việc trong thời gian ngắn lại mang tính chất tạm thời nên khó có NSDLĐ nào bảo đảm đủ các quy định nêu trên. Tuy nhiên, không vì thế mà NLĐ lại không tìm hiểu kỹ về thời gian làm việc, đặc biệt khi có việc phát sinh phải làm thêm giờ.

Không đặt cọc tiền vì công việc

Khoản 2, điều 16 Bộ Luật Lao động 2012 nêu rõ: Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) bằng lời nói.

Theo đó, để tiết kiệm thời gian của hai bên, hầu hết những việc làm thời vụ dịp Tết đều thỏa thuận miệng với nhau mà không có HĐLĐ rõ ràng. Thường gặp nhất là những công việc như giúp việc gia đình, nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ… Lúc này, NLĐ rất dễ đối mặt với nguy cơ NLĐ quỵt tiền hoặc ăn bớt công sức làm việc. Chính vì vậy, để bảo đảm không xảy ra tình trạng này, NLĐ nên yêu cầu chủ sử dụng cung cấp giấy tờ xác nhận sự có mặt của mình tại nơi làm việc hoặc ghi nhận kết quả làm việc của mình mỗi ngày.

Ngoài ra, theo khoản 2, điều 20 Bộ Luật Lao động 2012, NSDLĐ không được yêu cầu NLĐ thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ. Dù quy định là vậy nhưng một bộ phận không nhỏ NSDLĐ vẫn lợi dụng tâm lý kiếm tiền của NLĐ yêu cầu họ đặt trước một khoản tiền với lý do bảo đảm cho việc thực hiện công việc.

Số tiền này không lớn nên có thể nhiều lao động sẽ bỏ ra để thu lại nhiều hơn. Nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều lao động không chỉ không được trả lương mà còn mất trắng khoản tiền đã cọc trước đó.