Nhân lực là yếu tố giúp doanh nghiệp logistics mở rộng thị trường

Theo A.N/dangcongsan.vn

Theo các chuyên gia, về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế.

Hội thảo quốc tế trực tuyến với chủ đề: “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro”.
Hội thảo quốc tế trực tuyến với chủ đề: “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro”.

Ngày 25/8, Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế trực tuyến với chủ đề: “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro”.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, lĩnh vực logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi logistics thế giới. Theo đó Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia của khu vực Đông Nam Á có tiềm năng phát triển cả cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng cho biết, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Với lợi thế nằm trên trục giao thương hàng hải thuận tiện, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để có thể trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa vận tải đường biển quốc tế. Tận dụng lợi thế đó, các cảng biển Việt Nam đã đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn; có 70 đường bay quốc tế… rất có lợi thế để phát triển dịch vụ logistics.

Mặc dù vậy, đến nay năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn còn khá nhiều hạn chế. Trong đó, nguồn nhân lực chính là vấn đề nan giải nhất của ngành hiện nay, bởi do phát triển nóng nên nguồn nhân lực của ngành này vừa thiếu, vừa yếu. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành này càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Các số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 người. Trong khi khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, cùng với thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp, công nghệ thì nhân lực là một khía cạnh nền tảng, mang tính chất căn cơ trong việc phát triển dịch vụ logistics bền vững. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, đây sẽ là yếu tố then chốt, quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế.

Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực, cả về quy mô cũng như chất lượng, phục vụ tốt cho ngành logistics trong giai đoạn tới, ông Hải đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo giữa Việt Nam với các nước, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia phát triển, có thế mạnh trong đào tạo nhân lực ngành logistics để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, đội ngũ giảng viên giảng dạy Việt Nam có chất lượng cao phục vụ cho công tác giảng dạy trong nước. Phối hợp trong việc tổ chức các chương trình đào tạo sinh viên, học viên chất lượng cao và đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cần tập trung nâng cao chất lượng nội dung chương trình đào tạo hiện có theo hướng chuyên sâu, đảm bảo tính khoa học, hệ thống và tính liên thông giữa các bậc đào tạo. Tập trung vào các kỹ năng cần thiết để tiếp cận sử dụng các công nghệ mới, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ và khả năng vận dụng luật pháp, tập quán thương mại quốc tế nhằm giúp lao động trong lĩnh vực logistics thích nghi hiệu quả hơn với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong môi trường làm việc quốc tế.

Cũng theo PGS-TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI-VLA), Trường ĐH Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, các giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam cần hướng đến thích ứng trước những biến động và rủi ro. Thứ nhất, hoàn thiện bộ kỹ năng nghề (OS, OSS) với sự tham gia góp ý xây dựng từ phía nhà trường và cả doanh nghiệp. Thứ hai, một cơ sở đào tạo nói chung cần có sự quan tâm đến công tác đào tạo và nâng cao chất lượng giảng viên đặc biệt trong lĩnh vực logistics thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn như FIATA Diploma in International Freight Management hoặc FIATA Higher Diploma in Supply Chain Management hay các chương trình đào tạo của AFFA... Thứ ba, cần có sự chung tay của Ba Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp. Thứ tư, cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm thích ứng với sự biến động và rủi ro...

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch VLA cũng cho rằng, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã xác định đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Để đạt được các mục tiêu này, quyết định cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và những giải pháp tổng thể trong đó có nhóm nhiệm vụ “Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực” với 7 giải pháp cụ thể. Nguồn nhân lực sẽ là một trong những yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, VLA đã đề ra một nhiệm vụ quan trọng hiện nay là đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và hợp tác quốc tế.