Tăng quyền, tăng trách nhiệm cho DATC

T. Trúc

Ngành nghề kinhdoanh, phạm vi hoạt động, quyền và trách nhiệm của Hội đồng thành viên của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được mở rộng. Đây là điều kiện thuận lợi để DATC tiếp tục phát triển, phát huy đươc vai trò, vị thế trên thị trường mua bán nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngành nghề kinh doanh của DATC được mở rộng

Theo đó, tại Nghị định 129/2020/NĐ-CP, ngày 27/10/2020, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, Chính phủ nêu rõ, DATC thực hiện ngành nghề kinh doanh chính về: Tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản; mua, xử lý nợ và tài sản; tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua, bán, xử lý nợ.

Cụ thể, việc tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản bao gồm: Tiếp nhận nợ và tài sản theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ để xử lý theo quy định tại Nghị định này.

Tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gồm: nợ phải thu và các tài sản (bao gồm cả các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước theo quy định tại Nghị định này.

Cùng với đó, Nghị định cũng quy định, việc mua, xử lý nợ và tài sản, gồm: Quản lý, sử dụng chủ yếu nguồn lực tài chính của công ty để thực hiện mua, xử lý các khoản nợ và tài sản (bao gồm cả các dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để tiếp tục đầu tư, khai thác) theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mua, xử lý các khoản nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân không trùng lắp với mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Ngoài ra, DATC còn có ngành nghề hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính, như: Quản lý, đầu tư, khai thác và xử lý đối với dự án bất động sản thuộc các trường hợp: Là tài sản bảo đảm khoản nợ, tài sản nhận gán nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật; tư vấn xử lý nợ, tài sản, mua, bán, sáp nhập, tái cơ cấu doanh nghiệp; Thực hiện các hoạt động thẩm định giá; dịch vụ quản lý nợ và thu nợ trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

 Quyền và trách nhiệm của Hội đồng thành viên

Hội đồng thành viên DATC thực hiện các quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật, phân công của chủ sở hữu nhà nước và Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC.

Hội đồng thành viên DATC được ban hành Quy chế kiểm soát rủi ro đối với hoạt động kinh doanh mua, bán nợ, tài sản và hoạt động cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

Trong quá trình hoạt động của DATC,  Bộ Tài chính có quyền quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại DATC sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Tài chính thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DATC tại Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Mục 2 Chương II Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Nghị định số 129/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2020, bãi bỏ các nội dung quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của DATC tại Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg.