Tái cơ cấu công ty chứng khoán theo Luật Chứng khoán năm 2019

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2020

Thời gian qua, mặc dù có sự gia tăng về các chỉ số tài chính nhưng quy mô của các công ty chứng khoán ở Việt Nam còn khá khiêm tốn so với quy mô của thị trường. Thống kê cho thấy, chỉ có hơn 10% số công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường có vốn điều lệ lớn hơn 500 tỷ đồng. Quy mô và năng lực tài chính hạn chế kéo theo nhiều hệ lụy cản trợ sự phát triển, tính an toàn và khả năng hội nhập của thị trường chứng khoán. Để các công ty chứng khoán đẩy nhanh tái cơ cấu theo Luật Chứng khoán năm 2019, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp.

Thời gian qua, mặc dù có sự gia tăng về các chỉ số tài chính nhưng quy mô của các công ty chứng khoán ở Việt Nam còn khá khiêm tốn so với quy mô của thị trường. Nguồn: internet
Thời gian qua, mặc dù có sự gia tăng về các chỉ số tài chính nhưng quy mô của các công ty chứng khoán ở Việt Nam còn khá khiêm tốn so với quy mô của thị trường. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Từ năm 2012, vấn đề tái cơ cấu công ty chứng khoán (CTCK) đã được triển khai trong tổng hòa chính sách tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) của Chính phủ. Sau gần 8 năm triển khai Đề án tái cơ cấu CTCK, đến nay, hệ thống các CTCK tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tái cấu trúc TTCK nói chung và các CTCK nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong bối cảnh đó, ngày 28/02/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán năm 2019 với nhiều điểm mới chú trọng tới việc tái cấu trúc toàn diện TTCK và các CTCK.

Bài viết tập trung phân tích tình hình tái cơ cấu CTCK theo tinh thần của Đề án tái cơ cấu TTCK và Luật Chứng khoán năm 2019; đồng thời, nhóm tác giả thực hiện đối sánh với hiện trạng của các CTCK để đưa ra những khó khăn, thách thức và khuyến nghị một số giải pháp thực thi hiệu quả hoạt động tái cơ cấu.

Hiện trạng các công ty chứng khoán Việt Nam

Tình hình “sức khỏe” của các CTCK Việt Nam trong thời gian qua thể hiện ở các nội dung sau:

- Về số lượng, quy mô, năng lực tài chính: Hệ thống CTCK có rất nhiều sự biến chuyển sau khi thực hiện Đề án tái cơ cấu TTCK của Chính phủ năm 2012. Theo đó, số lượng và quy mô của các CTCK thay đổi theo hướng giảm dần về số lượng và gia tăng về chất lượng. Nếu năm 2010 trên TTCK có 105 CTCK, thì đến nay còn 83 CTCK có giấy phép hoạt động, trong đó 74 CTCK là thành viên của các Sở Giao dịch Chứng khoán. Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính tới cuối quý III/2019, tổng tài sản của các CTCK là 146.075 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn điều lệ của các CTCK đạt 61.847 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu đạt 77.738 tỷ đồng, lần lượt gấp 4,99 lần và 3,85 lần so với năm 2007.

Mặc dù, có sự gia tăng về các chỉ số tài chính nhưng nhìn chung quy mô hiện tại của các CTCK còn khá khiêm tốn so với quy mô của thị trường. Theo thống kê của UBCKNN, chỉ có hơn 10% số CTCK có mức vốn điều lệ lớn hơn 500 tỷ đồng. Với quy mô và năng lực tài chính hạn chế như phân tích ở trên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cản trợ sự phát triển, tính an toàn và khả năng hội nhập của các CTCK và TTCK Việt Nam.

- Về nghiệp vụ, sản phẩm kinh doanh và cơ cấu cạnh tranh: Theo quy định Luật Chứng khoán năm 2006, CTCK có 4 nghiệp vụ kinh doanh chính, gồm: Môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, tự doanh chứng khoán. Theo thống kê của Bộ Tài chính năm 2016, có 38 CTCK thực hiện 4 nghiệp vụ kinh doanh, 34 CTCK được thực hiện 3 nghiệp vụ kinh doanh, 31 CTCK được thực hiện 02 nghiệp vụ kinh doanh và 02 CTCK chỉ thực hiện 01 nghiệp vụ tư vấn đầu tư. Từ năm 2017, nghiệp vụ kinh doanh của các CTCK được “nới” rộng hơn cùng với sự vận hành của TTCK phái sinh. Theo đó, trên TTCK có 17 CTCK triển khai dịch vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh. Năm 2019, trên TTCK có 8 CTCK đã được cấp phép trở thành tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm.

Tái cơ cấu công ty chứng khoán theo Luật Chứng khoán năm 2019 - Ảnh 1

Dựa vào cơ cấu doanh thu được công bố của các CTCK cho thấy, hiện tại nguồn thu chủ yếu của các CTCK vẫn tập trung vào những nghiệp vụ truyền thống. Trong cơ cấu các sản phẩm tài chính, các CTCK tập trung chủ yếu vào các sản phẩm như: cho vay ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán... Có thể thấy, việc thiếu đa dạng trong cơ cấu sản phẩm, nghiệp vụ kinh doanh dẫn đến những thách thức lớn trong việc cạnh tranh giữa các CTCK với nhau. Kéo theo hệ lụy tiêu cực là một số CTCK phải chấp nhận đánh đổi chất lượng, tính an toàn, kiểm soát rủi ro, thậm chí giảm giá dịch vụ để giữ thị phần.

Cơ cấu thị phần giữa các dịch vụ có sự mất cân đối lớn. Thị phần chủ yếu tập trung vào các CTCK lớn, có tiềm lực tài chính mạnh. Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), thị phần môi giới cổ phiếu của 5 công ty đứng đầu thị trường (chiếm trên dưới 50% tổng thị phần), trong khi đó, đối với thị phần môi giới trái phiếu (năm 2018 là 53,83%, năm 2019 là 44,27%), Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương đã chiếm khoảng 80% tổng thị phần (năm 2018 là 81,71%, năm 2019 là 82,42%). Điều này cho thấy, rất nhiều CTCK đang hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, chiếm rất ít thị phần.

- Về mô hình quản trị công ty, kiểm soát rủi ro: Các CTCK đã bước đầu thực thi mô hình kiểm soát rủi ro, giám sát an toàn tài chính theo Basel II, cũng như áp dụng mô hình quản trị công ty theo thông lệ quốc tế tốt hướng đến việc bảo đảm an toàn cho thị trường. Tuy nhiên, do có độ trễ trong khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của CTCK so với sự cải cách của các quy định pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên mô hình quản trị công ty cũng như giám sát rủi ro tại các CTCK hiện tại còn rất nhiều hạn chế. Nhiều vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích giữa CTCK và khách hàng vẫn diễn ra, hoạt động kiểm soát rủi ro và bảo vệ quyền lợi của khách hàng vẫn chưa hiệu quả, đặc biệt là đối với nghiệp vụ nhận ủy thác đầu tư. Minh chứng là gần đây, 11 CTCK đã thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng từ hoạt động cho vay ký quỹ liên quan đến cổ phiếu FTM.

Bức tranh chung về hiện trạng của các CTCK cho thấy, việc tái cơ cấu các CTCK là một yêu cầu cấp thiết.

Tái cơ cấu công ty chứng khoán theo Luật Chứng khoán năm 2019

Luật Chứng khoán năm 2019 ban hành dựa trên tinh thần của Đề án Tái cơ cấu TTCK của Chính phủ được ban hành kèm theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu chính của việc tái cơ cấu CTCK hướng đến việc lành mạnh hóa và nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính và khả năng kiểm soát rủi ro của các CTCK. Bốn giải pháp mang tính nguyên tắc được đưa ra, bao gồm: (i) Triển khai phương án tái cơ cấu tập trung vào mô hình hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro, quản trị công ty, tính minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động; (ii) Hoàn thiện hệ thống phân loại, đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm và thực hiện phân loại, giám sát đối với CTCK; (iii) Thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động tài trợ không chính thức cho giao dịch chứng khoán trên thị trường và áp dụng các hình thức chế tài; (iv) Áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực cao nhất về đạo đức nghề nghiệp đối với người quản lý và người hành nghề chứng khoán.

Luật Chứng khoán năm 2019 đã luật hóa nhiều giải pháp tái cơ cấu các CTCK thông qua hàng loạt quy định điều chỉnh CTCK, cụ thể:

Về quy mô và năng lực: Luật Chứng khoán năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung và luật hóa theo hướng nâng cao các điều kiện cấp phép và duy trì hoạt động của CTCK. Điều kiện được quy định bao quát các khía cạnh như: Vốn pháp định, chủ sở hữu và cơ cấu chủ sở hữu; nhân sự quản lý, điều hành, hành nghề; cơ sở vật chất. Điều kiện gia nhập thị trường đã trở nên rõ ràng sẽ tạo tiền đề cho việc tái cơ cấu trở nên thuận lợi hơn.

Dựa vào quy mô, năng lực và chỉ tiêu an toàn tài chính, CTCK sẽ được phân thành 3 nhóm và áp dụng chế độ giám sát khác nhau với từng nhóm, bao gồm: (i) Đối với nhóm các CTCK hoạt động lành mạnh (chỉ tiêu an toàn tài chính lớn hơn 180%, vốn chủ sở hữu lớn hơn 1.000 tỷ đồng và không lỗ lũy kế); (ii) Đối với nhóm CTCK hoạt động bình thường (chỉ tiêu an toàn tài chính lớn hơn 180%, có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng hoặc còn lỗ lũy kế); (iii) Đối với nhóm công ty hoạt động kém (có chỉ tiêu an toàn tài chính nhỏ hơn 180%). Những CTCK thuộc nhóm số (i) sẽ được tạo điều kiện để: mở rộng phạm vi hoạt động, trở thành mô hình CTCK đa năng; được hỗ trợ áp dụng các công nghệ tài chính mới trong việc đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư; tham gia là thành viên thị trường trái phiếu, thị trường phái sinh, cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới như chứng quyền, quyền chọn, giao dịch trong ngày; thực hiện chức năng là tổ chức tạo lập thị trường và tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Đối với các CTCK thuộc nhóm (ii) (iii), phạm vi hoạt động và mức độ đa dạng của các nghiệp vụ kinh doanh sẽ bị thu hẹp tùy thuộc vào năng lực tài chính, năng lực quản trị rủi ro của từng CTCK. Những CTCK thuộc nhóm hoạt động yếu kém sẽ bị hạn chế thậm chí đình chỉ các hoạt động và đào thải để đảm bảo tính an toàn của thị trường.

Tái cơ cấu công ty chứng khoán theo Luật Chứng khoán năm 2019 - Ảnh 2

Về nghiệp vụ kinh doanh và các hoạt động khác: Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung hàng loạt quy định liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh của CTCK theo hướng tăng cường sự quản lý và giám sát để hướng đến tính minh bạch và hiệu quả. Theo đó, các dịch vụ tài chính cụ thể của từng nghiệp vụ kinh doanh được luật hóa và quy định rõ ràng, chi tiết với xu hướng mở rộng. Nhiều dịch vụ tài chính mới đã được ghi nhận vào luật để phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường. Nghiệp vụ môi giới chứng khoán sẽ bao gồm các dịch vụ như: Nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân; thực hiện phân phối hoặc làm đại lý phân phối chứng khoán; quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; cung ứng dịch vụ quản lý danh sách người sở hữu chứng khoán cho các doanh nghiệp khác; Cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; các dịch vụ trên TTCK phái sinh.

CTCK được cấp nghiệp vụ tự doanh chứng khoán sẽ được giao dịch chứng khoán trên tài khoản tự doanh chứng khoán và được đầu tư, góp vốn, phát hành, chào bán các sản phẩm tài chính. Đồng thời, CTCK chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Nghiệp vụ bảo lãnh chứng khoán bao gồm các nghiệp vụ sau: Bảo lãnh phát hành chứng khoán được cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán, thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán; đại lý lưu ký, thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán; tư vấn tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại, mua bán doanh nghiệp; tư vấn quản trị, tư vấn chiến lược doanh nghiệp; tư vấn chào bán, niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán năm 2019 cũng bổ sung quy định chi nhánh CTCK nước ngoài tại Việt Nam chỉ được thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán; bổ sung quy định về danh mục các hoạt động của CTCK phải được sự chấp thuận của UBCKNN như: Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tạm ngừng kinh doanh, chào bán và niêm yết chứng khoán…

Về nghĩa vụ của CTCK: Nhiều nghĩa vụ của CTCK đã không được quy định tại Luật chứng khoán năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2010. Đây là khoảng trống pháp lý gây khó khăn trong công tác phối hợp, giám sát TTCK. Từ thực tế này, Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung nhiều nghĩa vụ đối với CTCK như: (i) Bảo đảm nhân viên làm việc tại bộ phận nghiệp vụ phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ thực hiện; (ii) Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dự phòng để bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục; (iii) Thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán và phối hợp với UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán để kiểm soát hành vi của khách hàng và phối hợp phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

Về an toàn tài chính: Luật Chứng khoán năm 2019 không quy định cụ thể về các chỉ tiêu an toàn tài chính và cơ chế quản trị rủi ro cũng như cảnh báo rủi ro. Tuy nhiên, Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng chỉ tiêu an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán tăng 20% so với hiện hành tại Đề án tái cơ cấu TTCK năm 2019. Đối với các CTCK không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ được đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặt biệt hoặc các biện pháp xử lý khác. Bộ Tài chính sẽ có những quy định chi tiết để hướng dẫn vấn đề này.

Về mô hình quản trị công ty: Mục tiêu chung của Chính phủ trong việc nâng chất chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6. Hoạt động quản trị của các CTCK trên thị trường hiện nay còn thấp, chưa theo kịp với diễn biến của thị trường. Luật Chứng khoán năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và các văn bản hướng dẫn vẫn còn nhiều bất cập liên quan tới mô hình quản trị công ty đối với CTCK. Mô hình quản trị công ty đối với CTCK theo pháp luật hiện hành đã “lỗi thời”, có độ trễ so với quy định của các luật khác cũng như thông lệ quốc tế. Điển hình như: Những vấn đề về đảm bảo quyền cổ đông, đặc biệt là các cổ đông thiểu số, vấn đề về kiểm soát xung đột lợi ích vẫn chưa được giải quyết. Luật Chứng khoán năm 2019 chưa nêu cụ thể hướng giải quyết cụ thể quản trị CTCK hiệu quả trong bối cảnh hội nhập quốc tế…

Thách thức đối với hoạt động tái cơ cấu công ty chứng khoán và một số khuyến nghị

Đối chiếu với những yêu cầu về tái cơ cấu của Luật Chứng khoán năm 2019 và mục tiêu tái cơ cấu TTCK của Chính phủ vào hiện trạng các CTCK, nhóm tác giả nhận thấy đang tồn tại một số thách thức và cần thực hiện các giải pháp như sau:

Thứ nhất, Luật Chứng khoán năm 2019 với những quy định khung và chỉ mới dừng ở mức độ định hướng chung. Rất nhiều vấn đề cần được chi tiết hóa bởi các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là vấn đề về mô hình quản trị công ty, kiểm soát xung đột lợi ích, chỉ tiêu an toàn tài chính và hệ thống kiểm soát, cảnh báo rủi ro. Mục tiêu tái cơ cấu chỉ có thể thực hiện được khi có một khung pháp lý đầy đủ. Chính vì vậy, cần nhanh chóng triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán liên quan đến CTCK.

Thứ hai, quy mô và năng lực tài chính của các CTCK là một thách thức không nhỏ để đáp ứng những yêu cầu mới của mục tiêu tái cơ cấu. Nhóm tác giả cho rằng, cần hướng đến việc giảm số lượng các CTCK thông qua chính sách khuyến khích hợp nhất, sáp nhập và chính sách khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Muốn vậy, vấn đề bất cập về sở hữu nước ngoài trên TTCK cần sớm có các biện pháp để giải quyết.

Thứ ba, về nhân lực và văn hóa doanh nghiệp. Một thực tế phải là các CTCK tại Việt Nam chưa chú trọng xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và minh bạch trong mắt của nhà đầu tư và dư luận. Những bê bối và sai phạm trên thị trường chứng khoán liên tiếp diễn ra và một phần không nhỏ liên quan đến nhân sự của các CTCK. Có thể kể đến hành vi “tiếp tay” cho những vụ thao túng giá chứng khoán hay những xung đột lợi ích liên quan đến hoạt động môi giới, ủy thác đầu tư, không có sự quản lý tách bạch tiền của khách quan, không công bố thông tin theo quy định… Chính vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều bên để xây dựng văn hóa kinh doanh và đào tạo được đội ngũ nhân sự có năng lực và đạo đức nghề nghiệp tại các CTCK. Các cơ quan quản lý thị trường cần có chế tài xử phạt cụ thể liên quan tới đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề chứng khoán. Đồng thời, cần bổ sung các chế tài đối với những vi phạm liên quan đến quy định liên quan đến nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi khách hàng, các hạn chế hoạt động ảnh hưởng đến sự xung đột lợi ích của các CTCK và nâng cao hiệu quả của việc thực thi. Điều này đã được quy định tại Luật Chứng khoán 2019, hy vọng khi đi vào thực tiễn sẽ khắc chế được tồn tại trên. Về phía các CTCK, cần thực hiện khuyến nghị tại nguyên tắc số 31 của Bộ nguyên tắc quản lý TTCK của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán, theo đó phải thiết lập bộ phận chức năng nội bộ đảm bảo thực hiện tuân thủ các tiêu chuẩn về tổ chức và vận hành nội bộ nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và tài sản của họ; đồng thời, ban quản lý của trung gian thị trường phải chịu trách nhiệm chính đối với các vấn đề này.    

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2006), Luật Chứng khoán;

2. Quốc hội (2010), Luật sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán năm 2006;

3. Quốc hội (2019), Luật Chứng khoán;

4. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”;

5. Bộ Tài chính (2017), Báo cáo tổng kết thi hành Luật Chứng khoán số 63/BC-BTC

6. Hoàng Phú Cường (2019), Luật mới sẽ định rõ hai mô hình phát triển công ty chứng khoán, https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/luat-moi-se-dinh-ro-hai-mo-hinh-phat-trien-cong-ty-chung-khoan-305723.html;

7. Duy Thái (2019), Kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán: Khó tăng trưởng đột phá trong cả năm, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2019-11-12/ket-qua-kinh-doanh-cua-cac-cong-ty-chung-khoan-kho-tang-truong-dot-pha-trong-ca-nam-78864.aspx;

8. Phương Thảo (2019), Cổ phiếu FTM sập sàn, 11 công ty chứng khoán, 1 ngân hàng nguy cơ mất trắng 200 tỷ, https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/co-phieu-ftm-sap-san-11-cong-ty-chung-khoan-1-ngan-hang-nguy-co-mat-trang-200-ty-d9022.html;

9. Khánh Linh (2019), Dính' hàng loạt sai phạm, công ty chứng khoán VICS bị xử phạt 275 triệu đồng, http://antt.vn/dinh-hang-loat-sai-pham-cong-ty-chung-khoan-vics-bi-xu-phat-275-trieu-dong-287766.htm;

10. Bùi Trang (2019), Thao túng mã KSA, MTM: Trách nhiệm các công ty chứng khoán ở đâu?, https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/thao-tung-ma-ksa-mtm-trach-nhiem-cac-cong-ty-chung-khoan-o-dau-278756.html;

11. Tri Túc (2019), Sai phạm hàng loạt, Chứng khoán Globalmind Capital do ông Thái Văn Chuyện làm Chủ tịch bị phạt nặng!, https://cafef.vn/sai-pham-hang-loat-chung-khoan-globalmind-capital-do-ong-thai-van-chuyen-lam-chu-tich-bi-phat-nang-20190918125946328.chn;

12. International Organization of Securities Commissions (IOSCO), Objectives and Principles of Securities Regulation;

13. https://www.iosco.org/library/pubdocs/pdf/IOSCOPD561.pdf.