Top 5 công ty chứng khoán sụt giảm thị phần trong năm 2019

Theo Phan Hằng/tinnhanhchungkhoan.vn

Thị phần môi giới chứng khoán 2019 cả hai sàn có sự biến động mạnh, diễn biến giống thị trường chứng khoán Thái Lan 2014 khi có "quả bom nhiệt hạch" được thả xuống.

Năm 2019 đã có 5 công ty chứng khoán dẫn đầu mất đến 9,56 điểm phần trăm thị phần.
Năm 2019 đã có 5 công ty chứng khoán dẫn đầu mất đến 9,56 điểm phần trăm thị phần.

Nhiều cuộc “đổi ngôi”

Theo công bố về thị phần môi giới năm 2019 do HOSE công bố, Top 5 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, CW lớn nhất đều sụt giảm thị phần.

Tổng cộng, 5 công ty chứng khoán dẫn đầu mất đến 9,56 điểm phần trăm thị phần.

Danh sách Top 10 thị phần trên HOSE có thay đổi lớn khi SHS, ACBS, FPTS, BSC không được xướng tên. Thay vào đó là sự xuất hiện của Mirae Asset (4,47%), VPS (3,94%), BOS (3,13%), KIS (3,08%). Tổng thị phần của 4 công ty chứng khoán mới lên tới 14,62%.

Hai gương mặt nổi bật, có sự bứt phá mạnh là Mirae Asset Việt Nam và VPS; trong đó, Mirea Asset đã có sự tăng vốn khủng, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn thứ 2 trên thị trường, chỉ sau SSI.

Trên sàn HNX cũng có những yếu tố bất ngờ trên bảng xếp hạng thị phần quý IV và cả năm 2019.

Top 5 công ty chứng khoán sụt giảm thị phần trong năm 2019 - Ảnh 1

Cụ thể, trong quý IV/2019, ACBS bất ngờ vượt lên vị trí số 1, với thị phần 8,71%. Sự đột biến này được góp phần bởi thương vụ phát hành trái phiếu 1.400 tỷ đồng của CTCP Thương mại Hồng Hoàng để mua 60 triệu cổ phiếu ACB.

Các vị trí tiếp theo thuộc về VNDS, với 8,31% và SSI với 7,40%, trong khi HSC tụt xuống vị trí thứ 7 với 4,86%.

Trong Top 10 xuất hiện 2 cái tên mới là KIS Việt Nam, với 3,88% và SmartInvest, với 3,57%. Trong khi đó, Mirae Asset - công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc vươn lên vị trí thứ 4, với 6,68%.

Ở khối công ty chứng khoán nội, VPS tăng bậc lên vị trí thứ 5. VPS cũng là đơn vị gần như “độc tôn” trên thị trường phái sinh với thị phần lên đến 59,57% trong quý IV/2019, tính chung cả năm lên đến 49,87%.

Tuy nhiên, do đặc thù thị trường niêm yết trên HNX đa số là các mã cổ phiếu có thanh khoản và giá trị vốn hoá thấp, nên tuỳ vào chiến lược và chính sách quản trị rủi ro của từng công ty chứng khoán, có thể không đẩy mạnh cạnh tranh thông qua cho vay margin (vì e ngại rủi ro cao hơn so với nhiều cổ phiếu trên HOSE) để lấy thị phần như trên HOSE.