Tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2019

Chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện nền tảng để duy trì sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp, nhà trường và của cả nền kinh tế. Trên cơ sở khái quát mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thực trạng mối quan hệ của trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Bài viết đề xuất một số giải pháp thúc đẩy mối quan hệ này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cũng như hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ tại các trường đại học.

Chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện nền tảng để duy trì sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp, nhà trường và của cả nền kinh tế.
Chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện nền tảng để duy trì sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp, nhà trường và của cả nền kinh tế.

Khái quát về quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

Quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) là tất cả mọi hình thức tương tác trực tiếp hay gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức giữa trường đại học và các DN nhằm hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai bên: Hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; Kích thích sự vận động năng động qua lại của giảng viên, sinh viên và các nhà chuyên môn đang làm việc tại các DN; Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; Xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ các nỗ lực sáng nghiệp và quản trị tổ chức.  

Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và DN được hiểu như là những giao dịch giữa các trường đại học và các tổ chức sản xuất kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên. Đẩy mạnh việc hợp tác này và khai thác giá trị của nó có thể giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính, giúp các DN đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay. Mối quan hệ này cũng đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động (Carayon, 2003,Gibb & Hannon (2006), Storm (2008), Razvan & Dainora (2009).

Cộng đồng châu Âu (EU) đã tiên phong trong việc đề ra chính sách bắt buộc các trường đại học trong khối EU phải cộng tác với nhau và với các DN. Ở Hoa Kỳ, việc hợp tác nhiều bên để nghiên cứu và phát triển đã được Giáo sư John Donahue (2004) đánh giá rất cao. Theo đó ngoài khu vực nhà nước, xã hội có rất nhiều người tài giỏi trong tất cả các lãnh vực từ công nghiệp đến sản xuất nông nghiệp. Nhà nước có vai trò lập chính sách ưu đãi hợp lý để tác động cho sự hợp tác nhiều bên này. 

Tại Việt Nam, sự hợp tác giữa các trường đại học với DN có thể được giải thích qua nguyên lý giáo dục là “đào tạo – nghiên cứu – phục vụ sản xuất”. Nguyên lý này được áp dụng trước tiên vào nông nghiệp khi trường Đại học Cần Thơ đào tạo cán bộ nông nghiệp về kỹ năng chuyên môn và nghiên cứu áp dụng, truyền đạt kỹ thuật cho nông dân.

Gần đây phong trào hợp tác viện/trường- DN đã nổi lên thành một chuyên đề lớn, tác động đến hầu như các trường đại học. Đã có nhiều hội thảo chuyên đề, trong đó, đáng chú ý như các hội thảo tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông của Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Lạc Hồng về vấn đề này.

Tại hội thảo “Thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo xã hội trong trường đại học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Anh và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức, PGS., TS. Neil Stott (Đại học Cambridge - Anh) khẳng định: “Thành lập doanh nghiệp trong trường đại học đang là xu thế hiện nay, đặc biệt là các công ty xã hội. So với doanh nghiệp thành lập trường đại học để nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho chính doanh nghiệp đó, các công ty xã hội thuộc các trường đại học công lập mang ý nghĩa giáo dục và hướng về cộng đồng, về xã hội nhiều hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thế hệ người trẻ ngày nay không muốn làm việc như ngày xưa, nhất là làm trong công ty không có tiếng tốt, không có đóng góp gì cho xã hội”.

Kết quả hợp tác khoa học và công nghệ giữa trường Đại học Hồng Đức và các doanh nghiệp

Thời gian qua Trường Đại học Hồng Đức đã tích cực thực hiện chủ trương hợp tác về khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp trên địa bàn và đã có một số thành công nhất định trên một số mặt hoạt động như sau:

Thứ nhất, Nhà trường đã phối hợp với hội DN trẻ Thanh Hoá tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo”. Đây là hoạt động thường niên, đã được tổ chức thực hiện trong nhiều năm vừa qua. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng, sáng kiến sáng tạo và thiết thực có khả năng ứng dụng trong thực tiễn, đồng thời phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, tạo cơ hội và sân chơi khoa học, trí tuệ lành mạnh, bổ ích cho toàn thể cán bộ giáo viên, sinh viên trường Đại học Hồng Đức và cán bộ, công nhân viên lao động trong các DN trẻ Thanh Hóa. Qua đó, thúc đẩy phong trào học tập và tham gia nghiên cứu khoa học của cán bộ giáo viên, học sinh sinh viên và cán bộ công nhân viên trong nhà trường và các DN trẻ ở Thanh Hóa.

Trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố cốt lõi của việc xây dựng hệ thống giáo dục đại học là đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Trường Đại học Hồng Đức đã tích cực thực hiện chủ trương hợp tác về khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp trên địa bàn và đem lại những thành công nhất định.

Ở cấp khoa, đáng chú ý là Câu lạc bộ “Nhà DN tương lai” của khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh dưới sự bảo trợ của Hội Sinh viên trường và Hội DN trẻ Thanh Hoá cũng đã nhiều lần tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh”. Cuộc thi này đã góp phần nâng cao tinh thần sáng nghiệp trong nhà trường, tạo ra một văn hóa kích thích giảng viên và sinh viên suy nghĩ và hành động với tinh thần khởi nghiệp, khoa Khoa học xã hội đã tổ chức cuộc thi “Hành trình hướng dẫn viên du lịch”. Hội thi cũng là cơ hội để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của giảng viên và sinh viên ngành Việt Nam học với các DN kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, các hoạt động tương tự cũng đã được thực hiện ở một số khoa khác trong Nhà trường như: Tâm lý, Công nghệ thông tin và truyền thông…

Thứ hai, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn liền với các DN. Trong thời gian qua, Đại học Hồng Đức bước đầu đã thực hiện được một số đề tài có sự hợp tác với các DN trong các lĩnh vực như Nông - lâm - ngư nghiệp; Khoa học xã hội và nhân văn; Công nghệ thông tin và truyền thông; Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật – công nghệ… Tiêu biểu như việc các nhà khoa học tại Khoa Nông lâm ngư nghiệp của Đại học Hồng Đức đã phối hợp với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Hồng Đức triển khai thực hiện dự án “Khảo nghiệm quốc gia giống lúa Hồng Đức 9” từ tập đoàn giống lúa thuần nhập nội có nguồn gốc từ Trung Quốc; Đề tài “Ứng dụng phần mềm trộn đề thi trắc nghiệm” ở Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông, Mô hình Trung tâm kiểm định và tư vấn xây dựng của Khoa Kỹ thuật – Công nghệ...

Thứ ba, tổ chức các cuộc hội thảo có sự tham gia của cộng đồng các DN. Việc tổ chức các cuộc hội thảo này một mặt giúp Đại học Hồng Đức tranh thủ được ý kiến của DN đóng góp cho nhà trường về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, việc thực hành, thực tập cũng như rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên… Mặt khác, nhiều vấn đề của nền kinh tế, của cộng đồng DN cũng được các nhà khoa học trong trường được bàn bạc thảo luận, đưa ra các giải pháp làm cơ sơ tham khảo cho các DN trong quá trình điều hành của mình.

Ví dụ, tại khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, trong thời gian qua đã tổ chức được nhiều hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của cộng đồng DN như: “Xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên các ngành Kế toán, Tài chính – Ngân hàng và Quản trị kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội”; “Vấn đề thực hành thực tập của sinh viên khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh tại trường Đại học Hồng Đức”; “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”…

Thứ tư, hoạt động của các trung tâm trong trường như trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, trung tâm Bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, trung tâm Kiểm định và tư vấn xây dựng… với chức năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Khoa học xã hội và nhân văn, Kinh tế, Quản trị DN và Kỹ thuật - Công nghệ… để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tạo địa bàn nghiên cứu khoa học, rèn nghề, thực hành, thực tập cho cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học và sinh viên trong và ngoài trường trong thời gian qua đã và đang phát huy vai trò cầu nối gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ của nhà trường và các DN.

Giải pháp tăng cường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố cốt lõi của việc xây dựng hệ thống giáo dục đại học đó là đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa cơ sở giáo dục (nhà trường) với DN được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Trong thời gian tới, phát huy mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và các DN trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp sau đây:

Một là, để các công trình nghiên cứu có hiệu quả ứng dụng được các DN chấp nhận, trước hết cần phải nhân rộng hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học theo chiều sâu. Muốn vậy, vừa phải tạo động cơ, vừa bắt buộc giảng viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Hai là, trước khi phê duyệt một đề tài nghiên cứu ứng dụng (những đề tài cơ sở trọng điểm, đề tài cấp cao có nguồn kinh phí lớn), Nhà trường nên yêu cầu tư liệu đánh giá nhu cầu thị trường về công nghệ, giải pháp… do tác giả hoặc là đặt hàng cho một cơ quan nghiên cứu thị trường độc lập thực hiện.

Ba là, mời các nhà quản lý DN có uy tín tham gia hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học ở những lĩnh vực có liên quan: Tăng cường sự tham gia của giới DN vào quá trình đánh giá kết quả nghiên cứu ứng dụng của nhà trường.

Bốn là, tăng cường xây dựng mối quan hệ giữa Nhà trường và các hiệp hội DN như Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), Hội DN, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Nữ doanh nhân, các hiệp hội ngành nghề… Hàng năm nên có sự phối hợp giữa nhà trường và các đơn vị này, một mặt nhà trường cần đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm khoa học công nghệ của cán bộ giảng viên trong trường đến DN. Mặt khác, các DN có thể xác định nhu cầu và đặt hàng với nhà trường về những yêu cầu trong cải tiến công nghệ, nghiên cứu sản phẩm hay đề xuất giải pháp quản lý, kinh doanh…

Năm là, nhà trường, các khoa cần có kế hoạch tăng cường xây dựng mạng lưới cựu sinh viên nhất là cựu sinh viên doanh nhân. Coi đây là cầu nối giữa nhà trường và DN trong việc tăng cường hợp tác giữa nhà trường và DN nói chung và hợp tác về khoa học công nghệ nói riêng.   

Tài liệu tham khảo:

1. Võ Tòng Xuân, “Về quan hệ hợp tác giữa các nhà trường và doanh nghiệp”, http://truyenthongkhoahoc.vn/Hop-tac-Doanh-nghiep-Vien-Truong-trong-moi-truong-chinh-sach-cong-c1026/Hop-tac-Doanh-nghiep-Vien-Truong-trong-moi-truong-chinh-sach-cong;

2. Phạm Thụ, “Khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam”, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2005;

3. Phạm Thị Ly tổng thuật, “Thực trạng của quan hệ hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp ở châu Âu”, Dự án Giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (Profession oriented higher education) do Bộ GD-ĐT chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan;

4. Trần Văn Quyền, “ Mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và sử dụng nhân lực nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thực tế”, Hội thảo khoa học trường Đại học Lạc Hồng, 2012;

5. Nguyễn Minh Phong, “Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp – Góc nhìn từ  người trong cuộc”, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội;

6. www.hdu.edu.vn.