Nâng tầm quản trị rủi ro ngân hàng

ThS.Phạm Tiến Hùng

(Tài chính) Năm 2012 qua đi, hoạt động ngân hàng nổi lên hàng loạt vấn đề nóng như nợ xấu, tín dụng đen, chiếm dụng vốn, thua lỗ… Nhưng đó chỉ là những biểu hiện bề ngoài, phần nổi của tảng băng. “Phần chìm” nguy hại hơn nhiều với hàng loạt vấn đề, trong đó có liên quan đến quản trị ngân hàng, vốn được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Là một thành viên mới trên thị trường tài chính - ngân hàng, song BAOVIET Bank luôn quan tâm đến công tác quản trị rủi ro
Là một thành viên mới trên thị trường tài chính - ngân hàng, song BAOVIET Bank luôn quan tâm đến công tác quản trị rủi ro
Đầu tư chưa tương xứng

Theo nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực đối mặt với nhiều rủi ro nhất. Các loại rủi ro có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau và đều có thể gây tổn thất lớn cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Trong bối cảnh đó, không một ngân hàng nào có thể tồn tại và phát triển lâu dài mà không xây dựng cho mình hệ thống quản trị rủi ro (QTRR) hiệu quả.

Trong Báo cáo Thẻ điểm Quản trị công ty, được IFC và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp phát hành cuối năm 2012 cho thấy, chất lượng quản trị ngân hàng tại Việt Nam thấp hơn so với mức chung trên thế giới, mặc dù đây là ngành được thanh tra giám sát khá chặt chẽ. Báo cáo cũng cho thấy, trong nhóm các doanh nghiệp tài chính, điểm số quản trị của các NHTM và dịch vụ tài chính khác có điểm bình quân là 42, thấp hơn so với mức trung bình của các ngành tham gia chấm điểm lần này là 42,7. Điều đó chứng tỏ chất lượng quản trị của NHTM còn thấp, lý giải phần nào những tồn tại và hạn chế của ngành ngân hàng trong thời gian qua.

Điều đáng nói là hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn có quan điểm sai lầm là coi QTRR chỉ là “sân sau”, là hoạt động hỗ trợ, không đóng góp vào kết quả kinh doanh nên không đầu tư tương xứng. Thực tế thời gian qua đã cho thấy khi các ngân hàng coi nhẹ hoạt động QTRR thì gần như không có sức đề kháng với tình hình xấu của nền kinh tế và dễ bị đổ vỡ.

Theo một đại diện của BAOVIET Bank, hơn 10 năm trở lại đây, các NHTM đã chú trọng đến đầu tư và tiếp cận với các phương pháp QTRR hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; song việc áp dụng các mô hình và biện pháp QTRR này vào thực tiễn Việt Nam vẫn còn khoảng cách và chưa phải thực sự hiệu quả.

Ví dụ như các NHTM đều sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng, song chưa có một chuẩn mực rõ ràng đối với hệ thống này để làm cơ sở cấp tín dụng như tại các nước tiên tiến. Các đánh giá mang tính chất “định tính” đối với chất lượng khách hàng, chất lượng khoản vay đều có một khoảng cách rất lớn giữa lý thuyết và thực tiễn.

Chính vì vậy, hầu như các ngân hàng vẫn thụ động trong việc quản lý nợ và phân loại nợ do còn căn cứ vào yếu tố tuổi nợ mà chưa cập nhật theo tình hình kinh doanh thực hoặc chỉ phát hiện khoản nợ có vấn đề khi khách hàng đã có những dấu hiệu quá hạn nợ rõ ràng. Theo chuyên gia này, hiện cũng mới chỉ có một số ít ngân hàng bắt đầu xây dựng các công cụ tính toán theo chuẩn quốc tế nhưng để đạt được kết quả tốt thì còn là một chặng đường dài.

Quản trị rủi ro ra sao?

Có thể khẳng định, môi trường ngành ngân hàng Việt Nam năm 2013 vẫn còn nhiều thách thức. Để ứng phó nhanh nhạy với những biến động của thị trường tài chính – tiền tệ và cạnh tranh với các ngân hàng ngoại thì các ngân hàng trong nước cần nhanh chóng nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống QTRR của mình, đặc biệt là QTRR tín dụng. Đại diện của BAOVIET Bank cho rằng, để hoạt động QTRR trong ngân hàng thực sự có hiệu quả, ngay từ bây giờ các ngân hàng phải từ bỏ suy nghĩ coi QTRR là công việc thường nhật và chỉ mang tính chất thủ tục.

Theo các chuyên ngân hàng, công tác QTRR cũng cần được đặt ra ngay từ khi xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh hay các mục tiêu tăng trưởng… thì các ngân hàng mới có thể chủ động ứng phó với các biến cố từ thị trường. Câu chuyện của BAOVIET Bank là một minh chứng. Năm 2012 dù hoạt động của lĩnh vực ngân hàng gặp nhiều khó khăn, song với phương châm hoạt động kinh doanh “An toàn – Hiệu quả”, nên các chỉ tiêu cơ bản của BAOVIET Bank như: tổng tài sản, số dư huy động, dư nợ tín dụng… vẫn được duy trì ở mức ổn định so với năm trước, đặc biệt BAOVIET Bank đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Năm 2013 được xác định là bản lề cho giai đoạn phát triển mới của BAOVIET Bank với phương châm tiếp tục được khẳng định “An toàn, Hiệu quả để Phát triển”.

Do vậy, trong 5 nhiệm vụ trọng tâm mà BAOVIET Bank đề ra năm 2013 cũng nhấn mạnh đến công tác QTRR, cụ thể: “Kiểm soát chất lượng tín dụng, chú trọng phát triển khách hàng để giảm tỷ lệ nợ xấu, nâng cao chất lượng của các khoản nợ”. Ngoài ra, đại diện của BAOVIET Bank khẳng định: “Do ra đời sau nên BAOVIET Bank có lợi thế học hỏi được kinh nghiệm của nhiều ngân hàng đi trước, vì thế chúng tôi đã quyết tâm xây dựng Hệ thống QTRR tham gia xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của ngân hàng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển vững bền”.    

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần quan tâm đến công tác quản trị nội bộ. Quản trị nội bộ tốt sẽ giúp ngân hàng hoạt động tốt và chủ động nắm bắt những biến động trên thị trường. Để quản trị nội bộ tốt, từ các cấp cao nhất của ngân hàng phải xây dựng được cơ chế kiểm soát nhằm ngăn chặn các giao dịch tiềm ần nhiều rủi ro, không phù hợp với quy định.

Ví dụ, tăng tính độc lập của Ban kiểm soát, ngay cả cơ chế bổ nhiệm các thành viên Ban kiểm soát hoặc thuộc bộ phận trong Ban kiểm soát để có thể giúp Đại hội đồng cổ đông kiểm soát được tốt hoạt động của Hội đồng Quản trị, các ủy ban thuộc Hội đồng Quản trị và Ban điều hành ngân hàng cũng là một giải pháp tốt.

BAOVIET Bank được thành lập ngày 14/01/2009 với cổ đông sáng lập lớn nhất là Tập đoàn Bảo Việt (chiếm 52% vốn điều lệ). Sau gần 4 năm hoạt động, BAOVIET Bank đã nhanh chóng phát triển quy mô, mạng lưới hoạt động, đẩy mạnh phát triển sản phẩm. Phát huy thế mạnh của Tập đoàn Bảo Việt, bên cạnh những dịch vụ ngân hàng truyền thống, BAOVIET Bank đã triển khai hiệu quả các sản phẩm liên kết bảo hiểm - ngân hàng; chú trọng phát triển các kênh phân phối điện tử như Internet Banking, Mobile Banking, các sản phẩm thẻ thanh toán nhiều tiện ích…