Thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới
Trong thời gian gần đây, dòng vốn FDI toàn cầu nói chung và FDI vào Việt Nam nói riêng chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID 19 và các biến động lớn của nền kinh tế thế giới.
Tại Việt Nam, dưới tác động của đại dịch, lượng vốn đăng ký FDI năm 2020 giảm 25% và giá trị FDI thực hiện giảm 2% so với năm 2019. Tuy nhiên, khi so sánh trong tương quan với các nền kinh tế khác, đây là một kết quả rất đáng khích lệ. FDI thực hiện chỉ giảm 2%, là mức giảm thấp nhất trong khu vực ASEAN và Việt Nam lần đầu tiên lọt vào Top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới.
Đánh giá về vấn đề này, tại buổi hội thảo “FDI toàn cầu và ứng biến của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới”, PGS.,TS. Hà Văn Hội, Trường đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội nhận định, trong những năm gần đây, dòng vốn FDI từ các tập đoàn lớn, công nghệ cao, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, kiến thức và bí quyết, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, góp phần tạo ra việc làm "tử tế" và giá trị gia tăng, tăng cường nền tảng kỹ năng cho các thành phần kinh tế của Việt Nam.
Có thể nói, bối cảnh mới tuy mang đến nhiều thách thức song cũng hứa hẹn nhiều cơ hội cho Việt Nam. Với lợi thế nhờ ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác, những điều chỉnh chính sách trong thu hút FDI một cách chọn lọc và tích cực cải thiện môi trường kinh doanh cùng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cũng góp phần giúp Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Là đối tượng trực tiếp chịu tác động cũng như nhận thức được cả các cơ hội lẫn thách thức từ bối cảnh mới, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có những điều chỉnh chiến lược, chính sách hết sức đa dạng để chống chịu, khôi phục trong và sau đại dịch.
Theo các chuyên gia nhận định, đại dịch COVID 19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã gây ra những tác động chưa từng có trong tiền lệ. Giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia làm gián đoạn hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư, gây đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra, đại dịch COVID-19 tạo cơ hội cho nhiều nước phát triển đã áp dụng hoặc củng cố chế độ sàng lọc FDI, nâng tổng số quốc gia thực hiện biện pháp này vì lý do an ninh quốc gia lên tới 34 quốc gia.
Một số quốc gia lựa chọn việc áp dụng cơ chế sàng lọc có thời hạn nhằm ứng phó nhanh và kịp thời với tình hình dịch bệnh. Hungary áp dụng cơ chế sàng lọc tạm thời áp dụng cho các khoản đầu tư nước ngoài từ cả trong và ngoài EU có hiệu lực đến ngày 30/06/2021.
Để thực hiện sàng lọc FDI một cách hiệu quả, một số nước còn thiết lập các thể chế riêng để phục vụ cho hoạt động này. “Các biện pháp này tuy ban đầu được áp dụng có thời hạn song có xu hướng được kéo dài và nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng nhiều hơn đến dòng vốn FDI toàn cầu trong thời gian tới”, TS Phương cho biết.
Trong khi đó, các nước đang phát triển tại châu Á có xu hướng tiếp tục triển khai các biện pháp hướng tới tự do hóa, thúc đẩy và tạo thuận lợi đầu tư. Theo thống kê của UNCTAD (2021), trong năm 2020 có ít nhất 27 quốc gia đã áp dụng các biện pháp mới nhằm xúc tiến, khuyến khích và đơn giản hóa thủ tục FDI.
Có thể thấy, trong bối cảnh đại dịch các nước đã đưa ra một loạt các biện pháp liên quan đến FDI. Tuy nhiên, các nước phát triển và các nước đang phát triển có cách tiếp cận rất khác nhau. Với Việt Nam, trong tương lai, việc thu hút FDI tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và yếu tố bất định trong quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam trong và sau đại dịch.
Tuy nhiên, trong tương quan với các quốc gia trên thế giới và khu vực, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong ứng phó với COVID 19, là một trong số ít các quốc gia duy trì được tăng trưởng GDP và xuất khẩu dương, mức độ suy giảm FDI thấp nhất trong khu vực ASEAN và lọt vào top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới.
Như vậy, các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam nên tiếp tục duy trì và bổ sung các biện pháp, chính sách hướng tới thúc đẩy và tạo thuận lợi đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh để trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, cần tận dụng triệt để các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, chú trọng thu hút FDI từ các đối tác như EU, các đối tác trong CPTPP và các FTA khác trong các ngành như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, và kỹ thuật số.
Trong bối cảnh COVID 19, Việt Nam cũng nên chú trọng thu hút FDI vào lĩnh vực y tế - dược phẩm nhằm nâng cao năng lực của hệ thống y tế nước nhà, gia tăng khả năng kháng chịu và phục hồi của nền kinh tế, đồng thời, cần kết hợp áp dụng một số biện pháp hạn chế đầu tư hợp lý để có thể sàng lọc được dòng vốn FDI chất lượng, mang lại nhiều giá trị cho sự phát triển kinh tế trong nước, tránh lún sâu vào bẫy gia công – lắp ráp và không gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và sự phát triển chiến lược của Việt Nam.