Thực trạng quá trình thoái vốn, quyết toán cổ phần hóa tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Song hành cùng mục tiêu phát triển kinh doanh, công tác cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp luôn được Ban Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) quan tâm, chú trọng và thực sự đã trở thành khâu then chốt và mang tính chất quyết định đến sự phát triển chung của PVN.
Ban Lãnh đạo PVN luôn xác định muốn đạt được các mục tiêu phát triển theo đúng định hướng của Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác CPH, thoái vốn luôn được đặt lên hàng đầu và chính những chủ trương đúng đắn, kịp thời trong công tác CPH, thoái vốn mà PVN đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, với kết quả kinh doanh tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đạt 2.879 nghìn tỷ đồng, vượt 2,8% kế hoạch cận dưới; Nộp ngân sách nhà nước (NSNN) toàn Tập đoàn đạt 500,1 nghìn tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch. Trong những năm qua, Tập đoàn đã đạt được một số kết quả, thành tựu quan trọng để tiếp tục khẳng định là Tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước.
Quá trình cổ phần hóa tại các đơn vị thành viên
Về thẩm quyền phê duyệt quyết toán CPH:
- Đối với Petec:
+ Căn cứ các quy định tại Nghị định số 109/2007/ NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thành CTCP (CTCP) và các hướng dẫn liên quan để thực hiện quyết toán CPH.
+ Thẩm quyền phê duyệt quyết toán CPH của Petec thực hiện theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP: Hội đồng thành viên Tập đoàn có trách nhiệm phê duyệt quyết toán CPH Petec.
- Đối với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower):
+ Căn cứ Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về việc chuyển DNNN và công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP và các hướng dẫn liên quan đến thực hiện quyết toán CPH.
+ Theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 126/2017/ NĐ-CP ngày 16/11/2017: Thẩm quyền phê duyệt quyết toán CPH là cơ quan đại diện chủ sở hữu (Ủy ban Quản lý vốn (UBQLV) nhà nước tại DN).
Về các công việc đã thực hiện:
- Căn cứ Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về việc chuyển DN thành CTCP và các hướng dẫn liên quan, các đơn vị CPH đã hoàn thành các công việc theo quy định, bao gồm: Lập báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký DN cổ phần lần đầu; Thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính; Quyết toán thuế và các khoản phải nộp NSNN các cơ quan thuế địa phương có liên quan…
- Các hồ sơ nêu trên đã được DN CPH gửi PVN; PVN đã có văn bản kiến nghị UBQLV thực hiện các thủ tục liên quan để quyết toán CPH theo quy định.
Thực trạng công tác thoái vốn
Căn cứ danh mục DN thuộc PVN thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn giai đoạn 2017-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017, trong giai đoạn 2017- 2018, PVN đã triển khai:
- Hoàn thành thoái vốn tại 2 đơn vị: (i) CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam - SSG, thu về số tiền là 24,192 tỷ đồng, thặng dư 192 triệu đồng; (ii) Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn (LSP) cho Vina SCG Chemicals Company Limited (VSCG) theo quy định tại Hợp đồng liên doanh, Điều lệ LSP với giátrị chuyển nhượng bao gồm thuếlà 2.052 tỷ đồng; giá trị chuyển nhượng chưa bao gồm thuế là 1.824,8 tỷ đồng, số vốn PVN đã góp vào LSP được ghi nhận trên sổsách kếtoán của PVN là khoảng 875 tỷ đồng, thặng dư khoảng 949,8 tỷ đồng.
PVN đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành xây dựng phương án thoái vốn và thuê tổ chức thẩm định giá xác định giá khởi điểm để thoái toàn bộ phần vốn góp của PVN tại các đơn vị như CTCP PVI (PVI), CTCP Dầu khí Đầu tư khai thác Cảng Phước An (PAP)…. Tuy nhiên, việc thoái vốn chưa thực hiện được. Các khó khăn, vướng mắc
Trong công tác cổ phần hóa
Đối với Petec:
- Việc xử lý lỗ được xác định do nguyên nhân khách quan (155,8 tỷ đồng) từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm chuyển thành CTCP đến nay chưa được xử lý dứt điểm mặc dù từ năm 2012 đến 2020 PVN đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBQLV và các bộ, ngành.
- Theo văn bản Thông báo số 404/TB -VPCP ngày 13/12/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc xử lý vướng mắc khi quyết toán cổ phần hoá Petec, khoản lỗ do nguyên nhân khách quan trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm chuyển sang CTCP được phân bổ vào lợi nhuận sau thuế phần vốn nhà nước trong thời gian 05 năm. Tuy nhiên, lỗ lũy kế của Petec đến 31/12/2020 là 1.774 tỷ đồng, do đó việc thực hiện phương án xử lý lỗ như nêu tại Thông báo số 404/TB-VPCP là không thể thực hiện được; mặt khác, thông báo cũng chưa nêu rõ thời điểm bắt đầu giai đoạn 05 năm để xử lý lỗ của Petec.
- Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại văn bản số 4539/VPCP-KTTH ngày 08/7/2021, UBQLV đã có văn bản số 1753/ UBQLV-NL ngày 08/10/2021 gửi Hội đồng thành viên PVN nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và các bộ liên quan thực hiện quyết toán CPH Petec theo thẩm quyền, quy định của pháp luật và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại thông báo số 404/TB-VPCP, số 4539/VPCP-KTTH đồng thời lưu ý ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 8170/BTC-TCDN ngày 23/7/2021 và công văn số 9515/BTC-TCDN ngày 07/8/2020.
Đối với BSR, PVOIL, PVPower:
- Về việc thành lập/kiện toàn Ban Chỉ đạo CPH:
Ngày 01/3/2022, UBQLV đã có Công văn số 213/ UBQLV-NL gửi PVN, theo đó UBQLV giao cho Hội đồng thành viên PVN chỉ đạo các DN hoàn thành hồ sơ quyết toán CPH theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, căn cứ hồ sơ quyết toán đó Hội đồng thành viên PVN thông qua và báo cáo Kiểm toán nhà nước để kiểm toán giá trị quyết toán CPH các DN. Trên cơ sở kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Hội đồng thành viên PVN hoàn thiện hồ sơ quyết toán CPH báo cáo UBQLV để xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 59/2011/ NĐ-CP, PVN đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo CPH và Tổ giúp việc để thực hiện CPH các đơn vị trong đó bao gồm các thành viên là đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ. Theo quy định tại Điều 45, Nghị định số 126/2017- NĐ-CP quy định “Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ danh mục DN thuộc diện CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Ban Chỉ đạo để giúp cơ quan đại diện chủ sở hữu tổ chức triển khai công tác CPH theo quy định”. Mặt khác, sau thời gian thực hiện CPH nhiều thành viên thuộc Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc trước đây do PVN thành lập đã chuyển công tác hoặc nghỉ chế độ. Trên cơ sở yêu cầu của UBQLV tại công văn số 1219/UBQLV-NL ngày 22/7/2020, PVN đã có công văn số 3755/DKVN-TCKT kiến nghị UBQLV ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo/Tổ giúp việc, đến nay UBQLV chưa ban hành quyết định này.
- Về các vướng mắc chủ yếu của các đơn vị:
+ PVPower: Tại thời điểm xác định giá trị DN để CPH, giá trị nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1 được xác định theo giá tạm tính. Đến thời điểm chính thức chuyển sang CTCP và hiện tại, Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 vẫn chưa hoàn thành quyết toán vốn đầu tư do giá trị phát sinh chưa lường hết của Dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ BSR: Việc xử lý tài chính, đánh giá giá trị tổn thất khoản đầu tư tại BSR-BF: Đến thời điểm xác định giá trị DN 31/12/2015, BSR đã góp vốn vào BSR-BF là 737,92 tỷ đồng, khoản đầu tư này của BSR đã được kiểm toán Nhà nước xác định lại còn 418,74 tỷ đồng (Tính đến 30/6/2018 là thời điểm BSR chính thức chuyển thành CTCP, vốn góp của BSR và BSR-BF là 742,16 tỷ đồng; BSR đã lập dự phòng tổn thất khoảng 536,39 tỷ đồng, như vậy số vốn góp còn lại chuyển sang CTCP là: 205,77 tỷ đồng).
+ PVOIL:
(i) PVOIL đang quản lý và sử dụng 51 lô đất, diện tích: 596.923,6 m2 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tuy nhiên toàn bộ 51 lô đất của PVOIL đều chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất và sử dụng đất theo quy định tại Điều 4 và Điều 6 Nghị định 167/ NĐ-CP ngày 31/12/2017
(ii) Các khoản đầu tư vào Dự án Nhiên liệu sinh học (Ethanol Phú Thọ, NLSH Bình Phước, NLSH Dung Quất): Giá trị đầu tư: 857 tỷ đồng, theo đánh giá của PVOIL tại ngày chuyển sang CTCP: 539,56 tỷ đồng; Chênh lệch giảm vốn đầu tư: 317,44 tỷ đồng. Khó khăn: Tương tự BSR tại BSR – BF.
Trong công tác thoái vốn
(i) Đối với thoái vốn của PVN tại các DN có vốn góp:
Công văn số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017 phê duyệt danh mục DN thuộc PVN thực hiện sắp xếp, CPH thoái vốn giai đoạn 2017-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành trước Nghị định 32/2018/NĐ-CP. Theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP “Việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DNNN phải gắn với phương án cơ cấu lại DN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, “Cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt danh mục vốn đầu tư tại CTCP, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên của DNNN phải chuyển nhượng trong quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN theo quy định của Thủ tướng Chính phủ” do đó PVN phải chờ Đề án tái cơ cấu PVN được phê duyệt làm cơ sở để thực hiện thoái vốn.
(ii) Công tác thoái vốn của các đơn vị có vốn góp của PVN tại các CTCP chưa đại chúng hoặc có kết quả kinh doanh thua lỗ:
Theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, việc chuyển nhượng vốn tại CTCP đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo các phương thức giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán hoặc nếu không thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán thì thực hiện theo thứ tự phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận (thực hiện giao dịch ngoài sàn). Việc chuyển nhượng vốn tại CTCP chưa niêm yết theo phương thức đấu giá công khai; trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh; trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số đơn vị thành viên của PVN khi thực hiện các thủ tục chuyển nhượng vốn tại các công ty con, công ty liên kết/đầu tư tài chính đã nhận được các hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (các Công văn số 4346/ UBCK-QLCB ngày 7/6/2018, 4562/UBCK-QLCB ngày 24/7/2018) như sau: Trường hợp BSR thực hiện chào bán vốn đầu tư tại các CTCP ra công chúng thì phải đáp ứng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chứng, hồ sơ đăng ký chào bán theo quy định tại Điều 12 và Điều 14 Luật Chứng khoán (nay là Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019). Theo đó, một trong các điều kiện để chào bán cổ phiếu ra công chúng đó là “hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán”. Trong khi tại khoản 6 Điều 15 của Luật Chứng khoán quy định “Chính phủ quy định điều kiện, hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng để chuyển DNNN, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thành CTCP; chào bán cổ phiếu với giá thấp hơn mệnh giá; chào bán chứng khoán ra công chúng của cổ đông công ty đại chúng; chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; chào bán chứng khoán ra nước ngoài và các trường hợp chào bán, phát hành khác”.
Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều pháp luật về CPH, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại DN quy định về nguyên tắc chuyển nhượng, cụ thể:
“Khoản 15. Điều 2 Nghị định 140:
“a) Việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải căn cứ vào danh mục chuyển nhượng vốn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không phân biệt…
“b) Báo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, thu hồi vốn đầu tư ra ngoài của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn.”
Do đó, một số đơn vị thành viên của PVN khi thực hiện các thủ tục chuyển nhượng vốn tại các công ty con, công ty liên kết/đầu tư tài chính chưa phải là công ty đại chúng hoặc có kết quả kinh doanh thua lỗ chưa đủ điều kiện chào bán ra công chúng như đã nêu trên thì khi thoái vốn không thể đấu giá công khai theo quy định của pháp luật và làm ảnh hướng đến hiệu quả đầu tư vốn của DN.
Một số đề xuất, kiến nghị
Hiện tại, các DN CPH đã thực hiện các trình tự, thủ tục và hồ sơ để phục vụ quyết toán CPH; các khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến cơ chế xử lý. Do đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị:
Một là, đề nghị UBQLV là cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét sớm ban hành quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo CPH các đơn vị thành viên theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định số 126/2017/ NĐ-CP ngày 16/11/2017 cho 3 DN: PV Power; BSR và PVOIL
Hai là, đối với việc quyết toán CPH Petec: PVN đề nghị UBQLV chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm có ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc như đề xuất của PVN tại các báo cáo số 4438/DKVN-HĐTV ngày 13/8/2019; 7164/ DKVN-TCKT ngày 18/12/2019 và 1386/DKVN-HĐTV ngày 25/3/2020 về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng nguồn thu từ CPH Petec để bù đắp chênh lệch giảm theo quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007. Đồng thời, cũng để sớm hoàn thành quyết toán CPH Petec làm cơ sở tiếp tục thực hiện quyết toán CPH PVOIL.
Ba là, đối với PVOIL:
- Đề nghị Bộ Tài chính, UBQLV sớm phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền và địa phương sớm phê duyệt phương án sử dụng đất theo thẩm quyền.
- Đối với khoản đầu tư vào CTCP hoá dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí Phú Thọ (PVB): Đề nghị UBQLV báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đơn vị được xác định khoản đầu tư này là 0 đồng, trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản dự án, nếu PVOIL thu hồi được khoản tiền nào từ việc thanh lý tài sản tại PVB thì đơn vị sẽ nộp toàn bộ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.
Bốn là, đối với BSR: Đề nghị UBQLV xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ việc xác định tổn thất khoản đầu tư tài chính khi chuyển sang CTCP đối với khoản đầu tư tại BSR-BF (Nếu gắn với việc CPH thì phải do cơ quan quyết toán CPH chủ trì quyết định/hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định (Cơ quan quản lý nhà nước không có quy định riêng cho 1 trường hợp cụ thể).
Năm là, đối với PVPower: Đến thời điểm PVPower chính thức chuyển sang CTCP và hiện tại, Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 vẫn chưa hoàn thành quyết toán vốn đầu tư do giá trị phát sinh chưa lường hết của Dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, để có cơ sở quyết toán CPH PVPower, PVN kính đề nghị UBQLV chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét phê duyệt giá trị phát sinh chưa lường trước để PVN hoàn thiện thủ tục quyết toán CPH theo quy định.
Sáu là, cho phép các công ty có vốn góp của DNNN được áp dụng nguyên tắc thoái vốn nêu trên khi thực hiện thoái vốn.
* Nguyễn Văn Mậu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2022