Tránh gian lận trong xuất xứ hàng hóa
Trong quá trình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp (DN) có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là một trong những điều kiện giúp tạo thuận lợi tối đa cho DN. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nguy cơ gian lận rất lớn nếu không được kiểm soát.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là cơ chế “mở” có rất nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích. Đây là cơ hội phát triển thị trường, gia tăng xuất khẩu mà Chính phủ và các bộ, ngành tạo thuận lợi cho DN…
Theo cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang DN (hoặc nhà nhập khẩu). DN (hoặc nhà nhập khẩu) sẽ tự thực hiện các thủ tục và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó.
Việt Nam đang tham gia áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong 3 FTA: Là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Đơn cử, EVFTA áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với DN xuất khẩu được cấp mã số REX - DN có mã số REX sẽ được tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình trên chứng từ thương mại.
Cơ quan hải quan căn cứ mã số REX của DN, kiểm tra trên trang điện tử của EU và hồ sơ hải quan để xác định xuất xứ hàng hóa. Theo đó, đối với các lô hàng từ Việt Nam xuất khẩu vào EU có giá trị không quá 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Sau đó, thương nhân có trách nhiệm báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu lên trang web: www.ecosys.gov.vn.
Bộ Công Thương cũng đang dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA). Theo đó, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Vương quốc Anh được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA nếu DN có chứng từ tự chứng nhận xuất xứ với lô hàng trị giá không quá 6.000 EUR. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện hoặc nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu phù hợp quy định của Bộ Công Thương.
Thay đổi phương thức quản lý
Bên cạnh thuận lợi, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, các cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp để được hưởng ưu đãi thuế quan.
Trong đó, nhiều vụ việc DN Việt Nam (bao gồm cả DN FDI) nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất; chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất; lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, nhưng khai xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu.
Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ tránh gian lận xuất xứ hàng hóa |
Nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, cơ quan hải quan phải thay đổi phương thức quản lý so với cách thức kiểm tra Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) truyền thống, chủ yếu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để không làm tăng thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan, kéo dài thời gian thông quan mà vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ như kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ đối với các trường hợp gian lận, giả mạo C/O.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức, phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực của Bộ cấp C/O ưu đãi theo các FTA. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị duy nhất ngoài ra được ủy quyền cấp C/O không ưu đãi và C/O form A hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Có hai chiều trong hoạt động cấp C/O đó là, phải phòng, chống gian lận xuất xứ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để DN được hưởng ưu đãi, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Thực tiễn mục tiêu quản lý có 2 chiều như vậy nên các cơ quan quản lý xây dựng Danh mục cảnh báo các mặt hàng rủi ro. Đây là hoạt động tăng cường công tác cảnh báo của Bộ Công Thương, triển khai thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Với danh mục này, cơ quan quản lý sẽ chú trọng, thậm chí phải tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất trước khi cấp C/O.
Với vấn đề phân luồng trong cấp C/O, ngay từ năm 2018, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BCT quy định rõ DN đáp ứng tiêu chí nào thì vào luồng Xanh; doanh nghiệp có nguy cơ như thế nào thì vào luồng Đỏ... Từ đó, tăng cường quản lý nhưng vẫn không gây khó khăn cho DN.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thông tin đến cộng đồng DN, không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa; đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn gian lận.