Việt Nam tìm cách thu hút và giữ chân các tập đoàn lớn

Theo Phương Minh/plo.vn

Trong cuộc đua hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia có tiếng tăm đến đầu tư, Ấn Độ là đối thủ đáng gờm của Việt Nam với rất nhiều lợi thế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các chuyên gia cho rằng để có thể vượt qua Ấn Độ trong việc thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam (VN) cần thiết kế các nhân tố khác biệt để thúc đẩy lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Sự chuẩn bị chu đáo của người Ấn

Hãng tin Economic Times (Ấn Độ) vừa cho biết Samsung có thể chuyển dịch một phần lớn nhà máy sản xuất điện thoại di động thông minh từ VN và nhiều nước khác sang Ấn Độ để thiết lập trung tâm sản xuất tại nước này. “Samsung đã đệ trình lên chính phủ Ấn Độ kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh trị giá hơn 40 tỉ USD trong vòng năm năm tới” - Economic Times cho hay.

Hãng tin này còn tiết lộ rằng Samsung đa dạng hóa dây chuyền sản xuất điện thoại tại Ấn Độ theo kế hoạch PLI (khuyến khích liên kết sản xuất). Thực tế, đây là một phần trong chính sách quốc gia của Ấn Độ về điện tử với mục tiêu tập trung ưu đãi cho các nhà sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI lớn.

Ngay sau đó, đại diện Samsung đã bác bỏ các thông tin này và khẳng định các nhà máy sản xuất điện thoại đặt tại VN vẫn hoạt động bình thường, không có bất kỳ kế hoạch điều chỉnh nào. Tập đoàn này cũng nhấn mạnh VN tiếp tục là cứ điểm quan trọng để sản xuất và xuất khẩu điện thoại trên toàn cầu cho Samsung.

Trong khi đó, ông Tang Due Bang, Giám đốc đối ngoại của Luxshare, mới đây xác nhận với báo chí: Đại diện của Apple đã đến thăm nhà máy của Luxshare, một trong những đối tác lắp ráp iPhone của hãng này đặt tại Khu công nghiệp Vân Trung ở tỉnh Bắc Giang. Quá trình kiểm tra của Apple nhằm đảm bảo quy mô, cũng như đánh giá nhà máy đặt tại VN có đáp ứng đúng quy mô và cơ sở vật chất để bắt đầu lắp ráp iPhone hay không.

Tuy nhiên, một phần của cơ sở sản xuất trên vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của Apple, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến điều kiện sống và ký túc xá dành cho công nhân. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến Apple tạm ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại VN. Điều này có nghĩa là nếu Nhà máy Luxshare đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thì Apple có thể sẽ chấp thuận để bắt đầu quá trình lắp ráp iPhone.

Giới chuyên gia cho rằng qua hai vụ việc trên cho thấy VN cần nhìn ra mình đang ở đâu và cần làm gì để thu hút các ông lớn nước ngoài. Bởi thực tế cho đến nay, tỉ lệ vốn FDI của Mỹ, châu Âu vào VN khá thấp. Các ông lớn châu Âu, Mỹ thường nhìn vào kết quả kinh doanh của những người đi trước, người bạn mình rồi họ mới vào đầu tư. Trong khi đó, nhiều nước thực sự đã và đang đạt được những bước tiến dài trong thời gian qua. Đáng chú ý là Ấn Độ đã có chiến lược rất bài bản để thu hút dòng vốn đầu tư từ cơ sở hạ tầng, nhận diện nhà đầu tư để tiếp cận cho đến công bố kế hoạch giảm thuế, điều chỉnh môi trường lao động…

Trả lời báo chí, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Ấn Độ, thông tin: Để thu hút dòng vốn đầu tư, Ấn Độ xây dựng một quỹ đất rất lớn khoảng 461.000 ha, bằng sáu lần diện tích đất nước Singapore. Đây là vùng đất sạch cho bất kỳ nhà đầu tư nào muốn vào đầu tư.

“Ấn Độ đã chọn 100 khu công nghiệp nổi tiếng giới thiệu cho khoảng 600 công ty hàng đầu trên thế giới. Thủ tướng Ấn mới đây công bố dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với con số lên đến 1.500 tỉ USD” - ông Châu cho hay.

 Việt Nam tìm cách thu hút và giữ chân các tập đoàn lớn - Ảnh 1

Thay đổi để vượt lên đối thủ

 

Thực tế VN dành khá nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI từ hạ tầng, thuế cho đến chính sách. Nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến nhà đầu tư chưa hài lòng, nhất là thủ tục hành chính. Đơn cử, tại hội thảo đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư vào cuối năm ngoái, luật sư Nguyễn Xuân Thủy, Công ty Luật LNT&Partner - một đối tác dịch vụ pháp lý cho Samsung, kể: Khi Samsung thực hiện các văn bản, thủ tục hành chính và nộp lên cơ quan nhà nước thì không được đồng ý vì văn bản không có dấu giáp lai.

“Vấn đề là không phải Samsung không làm, mà vì việc thực hiện thủ tục hành chính quá nhiều, qua nhiều công đoạn và tốn nhiều thời gian” - ông Thủy nói. Ví dụ, khi Samsung muốn khuyến mãi thì có nghĩa vụ phải làm văn bản thông báo đến Sở Công Thương của 63 tỉnh, thành. Có nghĩa là mỗi chương trình khuyến mãi phải nộp đủ giấy tờ cho 63 tỉnh, thành. Trong khi Samsung đâu chỉ làm một chương trình, mà là hàng trăm chương trình.

“Lấy ví dụ, Samsung làm 100 chương trình và nộp cho 63 tỉnh, thành thì cần một khối lượng văn bản rất lớn, mỗi văn bản này đều đòi hỏi phải đóng dấu giáp lai. Một văn bản đóng dấu thì đơn giản nhưng lên đến cả ngàn cái tốn nhiều thời gian và công sức” - ông Thủy nói.

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, nói vẫn lạc quan VN là nơi có khá nhiều lợi thế thu hút dòng chảy FDI. Bằng chứng là một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới chỉ ra VN đang có những nỗ lực cải thiện chỉ số thuận tiện kinh doanh tương đương với Ấn Độ. Ngoài ra, gần đây Chính phủ đã đưa ra sáng kiến cập nhật nhanh trong việc theo dõi cấp phép các dự án FDI nhằm ngăn chặn tình trạng quan liêu mà các công ty phải đối mặt trong quá trình khởi sự kinh doanh tại VN.

“Nhưng điều quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng cần phải nâng cấp mạnh mẽ để tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Chẳng hạn các cảng biển Cái Mép, Cát Lái, sân bay Long Thành… cần được hoàn thiện nhanh. Đặc biệt, vấn đề đào tạo nghề cần được cải thiện đáng kể để đảm bảo rằng lực lượng lao động có thể thực hiện các nhiệm vụ yêu cầu trình độ kỹ năng cao hơn” - ông Michael Kokalari nói.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, cũng nhìn nhận chính sách của VN đã tương đối đầy đủ nhưng giữa chính sách và thực hiện vẫn còn khoảng cách lớn. “Chính quyền phải xây dựng kế hoạch cụ thể. Từ đó xây dựng quy hoạch thu hút đầu tư công nghệ cao, tạo điều kiện từ mặt bằng đến phần mềm, lao động chất lượng cao; tìm đúng đối tác mình cần, có chương trình xúc tiến đầu tư bài bản... tạo điều kiện cho các dự án thành công” - ông Thắng nhấn mạnh.

Tạo khác biệt với các nước

TS. Burkhard Schrage, ĐH RMIT VN, cho biết để cạnh tranh, VN cần phải làm nhiều hơn cả việc chuẩn bị một cơ sở hạ tầng tốt. Vì đầu tư hạ tầng là cần thiết nhưng không phải là lợi thế cạnh tranh có tính khác biệt.

Sự khác biệt nằm trong các nhân tố như đề ra các quy định khuyến khích đầu tư có năng suất cao, hướng đến đầu vào kinh doanh chất lượng cao, tinh tế trong việc phục vụ nhu cầu khách hàng và tính sẵn có các nhà cung cấp và các ngành công nghiệp phụ trợ.

“Khi VN có các nhân tố khác biệt này so với Ấn Độ thì chắc chắn có lợi thế cạnh tranh quốc gia” - ông Burkhard Schrage nhấn mạnh.