Thu hút FDI 8 tháng năm 2020 đạt 19,54 tỷ USD

PV.

Tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm, làm giảm tổng vốn đầu tư thu hút được trong 8 tháng đầu năm.

Trong đó, có 1.797 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 25,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019). Vốn đầu tư tăng chủ yếu là do dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký mới).

Về vốn điều chỉnh, có 718 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh trong 8 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây Hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục giảm. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 113,3 tỷ USD, bằng 95,5% so với cùng kỳ, chiếm 65,1% kim ngạch xuất khẩu.

Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.804 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 8,2% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 4,93 tỷ USD, bằng 51,8% so với cùng kỳ. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 42% trong 8 tháng năm 2019 xuống 25,2% trong 8 tháng năm 2020.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giảm. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 113,3 tỷ USD, bằng 95,5% so với cùng kỳ, chiếm 65,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 112,2 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 64,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tám tháng năm 2020. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 90,8 tỷ USD, bằng 94,7% so cùng kỳ và chiếm 55,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Mặc dù giảm so với cùng kỳ, song tính chung trong 8 tháng năm 2020, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu gần 22,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 21,4 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 11,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 10,9 tỷ USD.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 2,87 tỷ USD và 1,21 tỷ USD...

Theo đối tác đầu tư, đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,54 tỷ USD, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,97 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,75 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư...

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 01 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP. Hà Nội đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 2,86 tỷ USD, chiếm gần 14,6% tổng vốn đầu tư. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ ba với 2,62 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư...