Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng trên nhiều thị trường

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Top 5 thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản của Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 4/2021 đạt 355,773 triệu USD, tăng 26,42% so với nửa tháng 4/2020. Cộng dồn từ 1/1 - 15/4 đạt 2,091 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 10,44%.

Tính hết quý I/2021 thì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,73 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 5% đạt 661 triệu USD, xuất khẩu cá tra tăng 3% đạt 344 triệu USD.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực

Top 5 thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản của Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 335,06 triệu USD, chiếm 19,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tháng 3/2021 đạt kim ngạch trên 146 triệu USD, tăng 83,9% so với tháng 2/2021 và tăng 36,5% so với tháng 3/2020.

Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt trên 307,12 triệu USD, chiếm 17,7%, giảm 2%; Riêng tháng 3/2021 đạt 125,12 triệu USD, tăng 79,5% so với tháng 2/2021 nhưng giảm 2,7% so với tháng 3/2020.

Xuất khẩu sang EU trong tháng 3/2021 cũng tăng mạnh 94% so với tháng 2/2021 và tăng 15,5% so với tháng 3/2020, đạt 102,74 triệu USD; tính chung cả 3 tháng đầu năm 2021 tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ, đạt 237,82 triệu USD.

Xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 3/2021 tăng mạnh 175% so với tháng 2/2021, đạt 97,68 triệu USD, công chung cả 3 tháng tăng 15%, đạt161,58 triệu USD. 

Xuất khẩu tôm sau khi tăng 16% trong tháng 1, nhưng lại giảm 10% trong tháng 2, sang tháng 3 tăng khoảng 10% đạt khoảng 270 triệu USD. Tính chung cả quý I/2021, ước đạt 646 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trừ một số nước thành viên Hiệp định CPTPP có xu hướng tăng nhập khẩu tôm cũng như các mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU, Trung Quốc và một số thị trường đều giảm so với cùng kỳ.

Tôm là sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo Sở Công Thương các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, những tháng đầu năm 2021, tình hình xuất khẩu tôm có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh tại thị trường EU.

Trong đó, Cà Mau là tỉnh dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm. Sở Công Thương tỉnh này cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) trên địa bàn trong quý I/2021 đạt 163 triệu USD, bằng 15% kế hoạch, tăng 6% so cùng kỳ. Cụ thể, xuất khẩu tôm của Cà Mau vào thị trường EU tăng 154%, Canada tăng gần 15%, Australia tăng gần 41%, Thụy Sĩ tăng 568%. 

Do ảnh hưởng của tình trạng hạn mặn, dịch bệnh và các vấn đề về môi trường nên mô hình nuôi tôm quảng canh ở Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng bộc lộ những hạn chế rõ rệt với tỉ lệ nuôi tôm thành công thấp, giá thành cao.

Theo các chuyên gia, đầu vào cho nghề nuôi tôm ở Việt Nam đang tăng quá cao so với các nước có tiềm năng nuôi tôm như Ấn Ðộ, Indonesia… nên giá thành sản xuất tôm nguyên liệu cũng như sản phẩm xuất khẩu khá cao, dẫn đến thiếu sức cạnh tranh.

Nuôi tôm công nghiệp thâm canh cho sản lượng cao 

Ông Samson Li, Giám đốc Điều hành Toàn cầu của Tập đoàn Grobest nhận định, trước những ảnh hưởng của tình trạng hạn mặn, dịch bệnh và các vấn đề về môi trường thời gian qua, mô hình nuôi tôm ao quảng canh ngày càng bộc lộ những hạn chế rõ rệt với tỉ lệ nuôi tôm thành công thấp.

Trong khi đó, nuôi tôm nuôi công nghiệp (thâm canh) và siêu công nghiệp (siêu thâm canh) cho sản lượng lớn, giá thành thấp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến  đang dần trở thành xu thế mới, với thực tế, hơn 70% các hộ áp dụng mô hình này đã có những vụ nuôi thu về lợi nhuận cao. 

Tuy nhiên, việc chuyển đổi giữa hai mô hình đang có một số rào cản nhất định về kỹ thuật và kinh phí chuyển đổi… Chính vì vậy, Grobest Việt Nam đã thực hiện chương trình đồng hành với người nuôi tôm cùng nhiều hỗ trợ thiết thực để lan tỏa mô hình hiệu quả này theo công nghệ Gro-farm.

“Việt Nam là thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.  Grobest cam kết tiếp tục đầu tư nguồn lực lâu dài vào thị trường này để cùng đồng hành với các hộ nuôi tôm. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm chức năng cho hiệu quả cao, giúp tôm lớn nhanh hơn, lớn mạnh hơn và lớn bền vững", Ông Samson Li chia sẻ.

Từ khi ra mắt, Grobest đã giúp các hộ nuôi tôm trên khắp cả nước vượt qua những trở ngại về tài chính và kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi mô hình nuôi. Từ những thành công bước đầu, đến tháng 10/2020, Grobest chính thức nhân rộng mô hình và dự kiến trong năm 2021, hàng ngàn ao thâm canh và siêu thâm canh theo mô hình nuôi tôm công nghệ Gro-farm sẽ hoàn thành.

Một chủ hộ nuôi tôm nhận hỗ trợ từ chương trình của Grobest chia sẻ: “Dù đã dự tính nhiều lần, nhưng khi nghĩ đến việc chuyển sang ao thâm canh và siêu thâm canh với mức chi phí đầu tư lớn, tôi vẫn chưa dám thực hiện. Thấy vậy, anh em kỹ thuật viên Grobest có xuống tận nơi giải thích, hướng dẫn nên tôi đã mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm thâm canh, có được kết quả như hôm nay tôi mừng lắm”.

Bên cạnh chương trình hỗ trợ người nuôi tôm chuyển đổi mô hình nuôi quảng canh truyền thống sang thâm canh và siêu thâm canh, thời gian qua, Grobest cũng đã triển khai chương trình hợp tác con giống và chiến dịch “Tôm của tôi, Quyết định của tôi”... từ đó, đồng hành xuyên suốt với người nuôi tôm làm nên những vụ mùa bội thu.