Buôn lậu thuốc lá: Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo Tuệ Minh/congthuong.vn

Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt dịp cuối năm và lễ, Tết đang đến gần, tình trạng buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục phức tạp trên các tuyến biên giới và "nóng" ở thị trường nội địa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau hơn 1 năm có hiệu lực, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đem lại những kết quả tích cực trong công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu nhập lậu.

Theo thống kê của Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong năm 2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số vụ kiểm tra gần 1.800 vụ, xử lý trên 1.300 vụ; chuyển xử lý hình sự 12 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 6,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, phương thức vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu hiện nay theo chiều hướng ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn, tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp.

Cụ thể, trên tuyến biển, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình vùng biển, đêm tối để hoạt động; sử dụng các loại ghe đánh bắt hải sản, tàu chở hàng hóa để cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong các khoang chứa hàng hóa hoặc để lẫn trong các hàng hóa khác.

Trong khi đó, trên tuyến quốc lộ 1A, thuốc lá ngoại được ngụy trang, cất giấu lẫn lộn với nhiều loại hàng hóa khác trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe container... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Riêng tuyến Mộc Bài (Tây Ninh) trên quốc lộ 22, thuốc lá được các đối tượng vận chuyển bằng xe buýt, số lượng nhỏ lẻ mỗi lần từ 100 - 300 bao. Ngoài ra, một số đối tượng sử dụng xe ôtô (loại 4 chỗ, 7 chỗ và ôtô tải, ôtô khách) vận chuyển thuốc lá nhập lậu số lượng lớn, chủ yếu hoạt động vào ban đêm và rất manh động khi bị phát hiện, bắt giữ.

"Bên cạnh đó, có sự móc nối giữa các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu trong nội địa với các đầu nậu thuốc lá ở các tỉnh biên giới trong việc đặt hàng, vận chuyển và giao nhận tại các địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, lượng thuốc lá nhập lậu được giao vận chuyển chỉ từ 50 – 70 cây một chuyến để tránh bị xử lý hình sự"- ông Nguyễn Đức Lê chia sẻ thêm.

Tại thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ... Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, thuốc lá nhập lậu chủ yếu được cất giấu tại địa điểm khác hoặc được cất giấu, tàng trữ tại khu vực nhà ở, khu dân cư phức tạp, nhiều đường ngang ngõ tắt, có người theo dõi và buôn bán với số lượng nhỏ lẻ; bán hết lại đưa đến nên số lượng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu thu giữ tại các cửa hàng, các điểm kinh doanh không nhiều.

Để hạn chế tình trạng này, ông Nguyễn Đức Lê cho biết, lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở, theo dõi diễn biến thị trường, chủ động tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu. Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép.

Thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu.