Các vụ kiện phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng

Theo Nguyễn Ngọc/daibieunhandan.vn

Tính đến tháng 5/2018, chỉ riêng Mỹ đã áp 10 lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tính chung, hàng hóa Việt Nam là đối tượng bị điều tra của 107 vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, con số này có nguy cơ gia tăng khi một số quốc gia có xu hướng sử dụng biện pháp tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiện phòng vệ thương mại ngày càng tăng

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, để có thể tiếp cận được các thị trường nước ngoài, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại… chưa kể đến những rào cản mới xuất hiện gần đây như quốc phòng, sở hữu trí tuệ.

Các biện pháp về hàng rào kỹ thuật hay vệ sinh an toàn thực phẩm khá phổ biến. Tuy nhiên, các biện pháp phòng vệ thương mại lại là thách thức lớn vì xuất hiện bất ngờ, gây hệ quả lâu dài và biến động khó lường.

Theo thống kê của Trung tâm WTO và Hội nhập, hàng hóa của Việt Nam là đối tượng bị điều tra của 107 vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới, trong đó có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ điều tra chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Đồng thời số lượng các vụ ngày càng tăng qua từng năm.

Nguyên nhân là do kinh tế thế giới khó khăn, khủng hoảng và việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) kéo theo hàng rào thuế quan bị giảm nên các nước chuyển sang biện pháp phòng vệ thương mại, bà Trang lý giải.

Mỹ là bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tuy nhiên lại là nơi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt nhiều nhất với các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn tránh thuế trong những thị trường xuất khẩu. Tính đến tháng 5/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã có hơn 400 lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp, trong đó có 10 lệnh liên quan đến Việt Nam.

Các sản phẩm bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp nhiều nhất là sắt thép, tiếp đó là sợi, dệt. Ngoài ra, số vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến nông thủy sản chỉ chiếm 4 vụ nhưng đây lại là mũi nhọn xuất khẩu của nước ta.

Chuẩn bị sẵn sàng

Hiện nay, nền kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào hoạt động xuất khẩu tới các thị trường lớn như Mỹ, EU… Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại, đồng thời tăng cường những giải pháp để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện.

Bên cạnh những quy định của WTO về chống bán phá giá, hiện nay, một số quy định của pháp luật Việt Nam về phòng vệ thương mại đã được bổ sung chi tiết như các quy định về thiệt hại, các phương pháp tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp; các quy trình, thủ tục và thời hạn điều tra rà soát… để bảo đảm tăng cường tính minh bạch cũng như hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại này.

Mặt khác, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật phức tạp, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài, chưa kể việc lạ nước lạ cái, thiếu sự hỗ trợ của luật sư, cùng với rất nhiều yếu tố khác.

Do đó, doanh nghiệp cần có những hiểu biết nhất định về quy trình kiện, về những thị trường đang xuất khẩu để có sự chuẩn bị trước về kiến thức, hồ sơ, chứng từ sổ sách sao cho minh bạch, rõ ràng và phù hợp để đến khi cần có thể chứng minh được dễ dàng hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên thường xuyên cùng với các đối tác nhập khẩu theo dõi sát các động thái từ phía Hoa Kỳ. Đây cũng là những bước chuẩn bị trước hoặc sẵn sàng cho những vụ kiện. Trong một số trường hợp hãn hữu vẫn tránh được những vụ kiện nếu có thể trao đổi trước được với các nhà sản xuất tại nước sở tại... bà Trang khuyến nghị.