Cuộc chiến thật - giả và danh dự con người

Theo Phạm Ngọc Tiến/nhandan.com.vn

Vẫn biết thật, giả trong hàng hóa, kinh doanh vốn là câu chuyện dài vô tiền khoáng hậu, lâu nay chẳng có gì mới lạ. Nhưng liên tiếp thời gian gần đây nhiều vụ lùm xùm về sản xuất và buôn bán hàng giả xảy ra lại gióng lên hồi chuông báo động khẩn thiết bởi sự thật, giả này vượt ngoài giá trị hàng hóa uy hiếp trực tiếp nền tảng đạo đức xã hội và danh dự con người.

Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, rượu bia. Ảnh: Đức Anh
Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, rượu bia. Ảnh: Đức Anh

Jack Ma, tỷ phú Trung Quốc, người sáng lập và là ông chủ của Hãng thương mại điện tử Alibaba trong dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017 đã có cuộc giao lưu với các sinh viên về vấn đề khởi nghiệp.

Sự ngưỡng mộ với vị tỷ phú có khối tài sản hơn 40 tỷ USD là điều không thể phủ nhận. Nhưng cũng chính từ một phát ngôn của ông ta hồi tháng 6 năm ngoái ở thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) đã khiến dư luận phân vân: "Vấn đề là các sản phẩm giả mạo ngày nay có chất lượng tốt hơn, giá tốt hơn so với sản phẩm thật, đóng mác thật. Đây không phải là chuyện sản phẩm giả tiêu diệt họ, đây là các mô hình kinh doanh mới.

Chính xác các nhà máy đó, các nguyên vật liệu đó, nhưng sản phẩm không được dùng tên tuổi của họ". Cần nhớ hồi tháng 5, Alibaba bị đình chỉ tư cách thành viên trong The International AntiCounterfeiting Coalition, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chống hàng giả và vi phạm bản quyền (theo thanhnien.vn). Đề cập đến tỷ phú Jack Ma, tôi muốn nói vấn nạn hàng giả đã trở nên phổ biến trong phạm vi toàn cầu và cuộc chiến thật - giả bội phần phức tạp.

Trở lại câu chuyện sản xuất và buôn bán hàng giả ở ta gần đây. Dư âm dai dẳng của vụ phân bón giả Thuận Phong và những tranh luận về lô thuốc chữa ung thư giả của VN Pharma khiến báo giới tốn bao giấy mực và dấy lên sự căm phẫn trong dư luận. Có thể không đánh giá được đầy đủ thiệt hại đối với người nông dân và người bệnh khi sử dụng những sản phẩm giả này nhưng rõ ràng di hại của nó là vô cùng lớn nếu nhìn nhận ở khía cạnh đạo đức.

Hai thí dụ trên chỉ là một phần nhỏ của tảng băng trôi. Trong đời sống thường nhật, có biết bao mặt hàng người tiêu dùng phải đối mặt với thách thức của hàng giả trôi nổi. Tôi còn nhớ mãi cách đây gần 30 năm khi sinh hạ đứa con gái đầu lòng. Mẹ cháu mất sữa và số sữa phân phối theo tiêu chuẩn không đủ. Dốc hết tiền có trong nhà, tôi ra phố Hàng Buồm mua mấy hộp sữa Similac. Nào ngờ khi mở ra tất cả chỉ là bột mì. Đau đớn và phẫn uất. Lừa gạt đến cả đứa trẻ sơ sinh thì đó không còn có thể gọi là người. Bài học sữa giả theo tôi và ám ảnh gần như suốt cuộc đời.

Ngày nay cuộc sống đi lên, người dân được thụ hưởng những tiện nghi văn minh và đời sống khấm khá đòi hỏi những nhu cầu vật chất phù hợp mức sống. Bởi thế chuyện "con cá lá rau" không còn là nhỏ. Người ta có quyền được chọn những gì tốt nhất so với khả năng của mình. Không chỉ đánh trực tiếp vào sức khỏe người dân, thực phẩm giả còn là mối bất an xã hội không nhỏ. Ngoại trừ nguyên nhân do lòng tham, lợi nhuận, đó còn là tội ác với con người. Nó không chỉ nói lên đạo đức băng hoại của những người sản xuất mà còn là sự thách thức cuộc sống.

Sản xuất và buôn bán hàng hóa luôn cần đến điều căn bản là thương hiệu. Thương hiệu sản phẩm quyết định sự thành bại của doanh nghiệp và thương nhân. Trong đó uy tín là điều kiện tiên quyết. Khi người ta đặt danh dự vào hàng thứ yếu, cốt nhằm đến lợi nhuận cao nhất thì thương hiệu là vỏ bọc của sự giả trá. Nhân vật gây bão dư luận gần đây Hoàng Khải là minh chứng rõ nhất của thói đạo đức giả khi dùng hàng giả. Sản phẩm lụa Khaisilk đã có mặt chừng 30 năm.

Khi chưa bị phát hiện "treo đầu dê bán thịt chó", những vuông lụa Trung Quốc trong thương hiệu lụa truyền thống Việt không chỉ từng là niềm tự hào của doanh nhân này mà còn là sự hãnh diện về một mặt hàng, lớn hơn là một nghề truyền thống của người Việt. Sản phẩm giả thương hiệu này ngoài lợi nhuận gấp hàng chục lần còn là uy tín của lụa Việt đi năm châu bốn biển theo khách du lịch quốc tế. Những vuông lụa không lớn về giá trị kinh tế và cũng chẳng chết ai khi mua nó nhưng tên tuổi của một thương hiệu Việt bị tổn thất nghiêm trọng.

Lợi dụng sự tự tôn hàng Việt, Hoàng Khải đã lừa dối khách hàng. Rồi đây anh ta có thể phải đối mặt với pháp luật nhưng cái mất đi lớn nhất chính là danh dự. Cuộc khủng hoảng về thương hiệu này chỉ là một phần mà khủng hoảng danh dự mới quan trọng. Mất danh dự dù giàu có cỡ nào, Hoàng Khải còn lại được những gì? Đáng tiếc biết bao !

Một vụ khủng hoảng về sự thật, giả khác. Trước khi lô hàng mỹ phẩm nghi giả trị giá 11 tỷ đồng bị quản lý thị trường phát hiện, bà Nguyễn Thu Trang - nữ doanh nhân xinh đẹp đang được ca tụng về sự giỏi giang thành đạt, thậm chí còn được đề cử đại diện Việt Nam dự thi Hoa hậu quý bà châu Á 2017. Bà Trang ngoài chức danh là Giám đốc công ty TNHH TS Việt Nam còn là Chủ tịch HĐQT của T’s Group. Theo những thông tin cá nhân do chính bà Trang tiết lộ được truyền thông rầm rộ quảng bá, dù tuổi đời còn trẻ bà Trang đang sở hữu một tập đoàn lớn có kênh phân phối trên toàn quốc với hơn 500 đại lý, cộng tác viên và T’s Group còn mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường quốc tế như Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Ba Lan, CH Czech, Nhật Bản, Đài Loan... Nhiều người có ảnh hưởng xã hội như hoa hậu, á hậu, người mẫu, nhà báo... đã giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp bà Trang. Cho đến khi cơ quan chức năng kiểm tra thì toàn bộ hàng hóa của doanh nghiệp này không có hóa đơn chứng từ, trên sản phẩm không có địa chỉ nhà cung cấp, chỉ có số điện thoại. Nhiều dòng sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da có dấu hiệu giả khi nhãn mác ghi xuất xứ tại New Zealand, Hàn Quốc nhưng thực chất được đóng nhãn mác bao bì tại kho xưởng ở quận Hà Đông (Hà Nội).

Cơ quan Quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ. Chưa biết diễn tiến tiếp theo ra sao nhưng tôi cứ vân vi mãi về một người đẹp kinh doanh hàng hóa làm đẹp cho những phụ nữ khác với cách thức như thế có cái gì đó thật nhẫn tâm và độc ác. Khi lô hàng được chứng minh liệu bà Nguyễn Thu Trang có còn danh dự ?

Danh dự là thứ tưởng như vô hình nhưng lại không khó để nhìn nhận. Khi con người ta tự tước đoạt đi danh dự của mình thì đấy liệu có còn là cuộc sống. Một tấm bằng giả kéo theo một cuộc đời giả đằng đẵng. Một sản phẩm giả, nhất là loại hàng hóa liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đến đời sống con người, mặc nhiên kẻ làm giả ấy đã là một con người giả. Con người không còn danh dự.

Cuộc chiến giữa thật và giả không còn là sản phẩm hàng hóa nữa mà là cuộc chiến ở góc độ con người. Bao nhiêu làng nghề Việt còn giữ được sản phẩm truyền thống? Sẽ không thể chấp nhận được những làng nghề ấy lại bày bán sản phẩm khác dưới thương hiệu của mình. Một xã hội công bằng, văn minh không thể có chỗ cho hàng giả. Khi lương tâm của một số người bị hạ thấp dưới lợi nhuận thì hàng giả còn đất sống. Và cuộc chiến giữa thật và giả vốn được coi là "một mất một còn" vẫn sẽ tiếp tục. Ít nhất là để bảo vệ danh dự con người.