Sửa đổi Luật Giá, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của thị trường
Được đánh giá là văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, Luật Giá hiện hành đã bộc lộ nhiều tồn tại cần được sửa đổi…
Luật Giá được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, tại thời điểm ban hành, đây là văn bản thể hiện rõ nét quan điểm của Nhà nước trong các chính sách quản lý giá, có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, trải qua 8 năm thi hành, Luật đã phát sinh nhiều vấn đề hạn chế, vướng mắc, chưa theo kịp thực tiễn, cần được sửa đổi.
Cụ thể, quá trình áp dụng thực tế, Luật Giá đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong chính các quy định của Luật và với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan, dẫn đến những bất cập trong khâu tổ chức thi hành Luật như: danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định cụ thể tại Luật nên khi có phát sinh mặt hàng phải bình ổn giá ngoài danh mục (thịt lợn, thép xây dựng,…) hoặc phải bổ sung vào danh mục, hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá (sách giáo khoa) rất khó thực hiện.
Hay như, tên một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý còn chung chung hoặc chưa được chuẩn hóa, cập nhật theo tên gọi của pháp luật chuyên ngành, gây khó khăn cho việc xác định mặt hàng chi tiết cụ thể để quản lý theo quy định.
Đây được cho là một trong những “điểm nghẽn” đối với sự phát triển của thị trường, bên cạnh đó, còn gây khó khăn, vướng mắc cho công tác tổ chức thi hành án dân sự…
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vừa qua, Luật Giá cũng là một trong những Luật được đề nghị xây dựng Luật (sửa đổi) đưa ra thảo luận, lấy ý kiến.
Chỉ đạo về đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan soạn thảo cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm tính linh hoạt, cơ động theo cơ chế thị trường, xử lý hài hòa, hợp lý quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, phù hợp tình hình thực tiễn. Cơ quan quản lý Nhà nước tập trung xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, điều kiện, các bộ ngành, địa phương bám sát thị trường để chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
“Việc xây dựng luật sửa đổi phải khắc phục được các bất cập, hạn chế, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm... liên quan tới giá. Chú ý công cụ bình ổn giá, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, bỏ qua an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ về nội dung xây dựng Luật Giá (sửa đổi), đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật (sửa đổi) lần này sẽ tập trung để tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tiến gần đến thị trường và có tác động tốt hơn so với Luật hiện hành.
Cụ thể, dự thảo chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung trong triển khai và giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với yêu cầu đặt ra trong thực tiễn từng giai đoạn, thời điểm, hướng đến cơ chế quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, nước sạch, đất đai, điện, dịch vụ công.
Theo đó, sẽ làm rõ vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm thực thi của các cấp quản lý nhà nước trong công tác điều hành, bình ổn giá thị trường thông qua các cơ chế, biện pháp vĩ mô phù hợp với yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước…
Đồng thời có những quy định về cơ chế công bố thông tin theo hướng rõ ràng, minh bạch để kiểm soát chi phí sản xuất các hàng hóa, dịch vụ nhằm hạn chế tác động tiêu cực của vị thế độc quyền, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thúc đẩy triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân… Củng cố địa vị pháp lý cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, hình thành kênh thông tin chính thống, tin cậy phục vụ công tác quản lý giá, thẩm định giá.
Ngoài ra, sẽ hoàn thiện các chế định về biện pháp chế tài, xử lý hành vi lợi dụng giá cả để tạo thế độc quyền, liên kết giá để khống chế thị trường, tạo lợi nhuận cao, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng. Ngăn chặn các hành vi lợi dụng vị thế để khống chế giá trong cùng hệ thống phân phối ở mức có lợi bất hợp lý…
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Luật Giá (sửa đổi) sẽ đưa vai trò pháp lý của Luật Giá lên là Luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực giá, điều chỉnh toàn diện các hoạt động về quản lý điều hành giá, thẩm định giá. Được ưu tiên vận dụng trong các trường hợp xung đột pháp luật liên quan đến lĩnh vực giá.
Đánh giá về nội dung xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, dự thảo được xây dựng công phu, nêu bật được những vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Giá hiện hành, qua đó đưa ra các đề xuất chính sách để khắc phục. Các đề xuất chính sách nêu ra trong dự thảo cho thấy, Luật Giá sẽ được sửa đổi một cách toàn diện.