Tàng trữ, buôn bán pháo nổ trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo anninhthudo.vn

Càng về dịp cuối năm tình hình buôn bán pháo lậu ngày càng gia tăng và hoạt động phức tạp hơn. Để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, các đối tượng đã thu gom pháo từ các tháng trước đó, sau đó chờ đến dịp Tết Nguyên đán mới đem ra tiêu thụ. Vậy tàng trữ, buôn bán pháo nổ trái phép sẽ bị xử lý như thế nào?

Tình trạng buôn bán, tàng trữ pháo nổ trái phép ngày càng phức tạp.
Tình trạng buôn bán, tàng trữ pháo nổ trái phép ngày càng phức tạp.

Hầu hết số pháo nhập lậu là pháo hoa

Theo thông tin trên báo Pháp luật, trước đây các loại pháo (pháo nổ, pháo hoa…) thuộc danh mục hàng cấm, người nào tàng trữ, buôn bán, sản xuất sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, khi Luật Đầu tư 2014 ra đời, có hiệu lực từ 1/1/2017 thì chỉ có “pháo nổ” mới thuộc danh mục hàng cấm, còn pháo hoa và các loại pháo khác không thuộc danh mục hàng cấm. Do đó, người buôn bán, vận chuyển pháo nổ vẫn bị xử lý hình sự, nhưng vận chuyển, buôn bán pháo hoa và các loại pháo khác không bị xem xét xử lý hình sự.

Sự thay đổi này, khiến tình trạng bùng phát nhập lậu pháo hoa từ Trung Quốc vào nội địa ngày càng gia tăng và làm lực lượng chống buôn lậu ở các tỉnh biên giới gặp nhiều khó khăn. Đại tá Vũ Hồng Quang - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, 80% số lượng các loại pháo bắt được trong các vụ vận chuyển qua biên giới sau khi giám định là pháo hoa, chỉ có 20% là pháo nổ. Điều đáng lưu ý, nhiều loại pháo hoa có mức độ nguy hiểm giống như pháo nổ nhưng lực lượng chức năng chỉ có thể tịch thu hàng hóa và xử phạt hành chính.

Theo ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn rất trăn trở khi hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa không bị xem xét xử lý hình sự; lo ngại tình hình buôn lậu mặt hàng này sẽ thêm phức tạp, nhất là dịp cuối năm, nếu không sớm có hình thức xử lý nghiêm khắc.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, đưa loại pháo hoa khi đốt có phát ra tiếng nổ, màu sắc, ánh sáng (gồm pháo hoa, pháo hoa đơn, pháo hoa kép…) vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh như các văn bản quy định trước đây để có chế tài đủ mạnh phục vụ công tác đấu tranh, xử lý, truy tố có hiệu quả, không để tình hình diễn biến phức tạp.

Buôn bán, tàng trữ pháo nổ bị xử lý thế nào?

Mặc dù, việc buôn bán tàng trữ pháo nổ trái phép có thể bị xử lý hình sự, thế nhưng trên thực tế việc buôn bán pháo lậu vẫn diễn ra ngày càng phức tạp hơn. Vậy việc buôn bán, tàng trữ pháo nổ trái phép sẽ bị xử lý thế nào?

Cần xử lý nghiêm hành vi buôn bán, tàng trữ pháo nổ trái phép.
Cần xử lý nghiêm hành vi buôn bán, tàng trữ pháo nổ trái phép.

Ngày 25/12/2008, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch 06 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.

Theo Điểm b và Điểm d, Phần 1 Mục III của thông tư, người nào mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm.

Nếu mua bán trái phép pháo nổ qua biên giới thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu. Tuy nhiên, người có hành vi vi phạm sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới 10kg nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

- Số lượng pháo nổ từ 10kg đến dưới 50kg (được coi là số lượng lớn): Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 153 (phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm) hoặc Khoản 1 Điều 155 (phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm).

- Số lượng pháo nổ từ 50kg đến dưới 150kg (được coi là số lượng rất lớn): Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 153 (phạt tù từ 3 đến 7 năm) hoặc Khoản 2 Điều 155 (phạt tù từ 3 năm đến 10 năm).

- Số lượng pháo nổ từ 150kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn): Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3 Điều 153 (phạt tù từ 7 năm đến 15 năm) hoặc Điều 155 (phạt tù từ 8 năm đến 15 năm).

Theo quy định, không chỉ hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ pháo nổ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hành vi sử dụng trái phép pháo nổ (hay còn gọi là đốt pháo) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và cao nhất là phạt tù đến 7 năm.

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo, Công an các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân việc thực hiện tốt Nghị định 36/CP.

Xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép. Đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm về pháo. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 36/CP. Đồng thời, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các đơn vị địa phương buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng sử dụng pháo mà không phát hiện, xử lý kịp thời.