Giải quyết tranh chấp thương mại, đâu chỉ đến cửa tòa

Tân Văn

(Tài chính) Với ưu điểm giải quyết tranh chấp nhanh gọn, chi phí thấp…, doanh nghiệp (DN) tại nhiều nước ngày càng ưa chuộng sử dụng phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại quốc tế, trong khi Việt Nam đang bỏ quên công cụ này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

“Đừng nghĩ tranh chấp to, tìm đến tòa án là được giải quyết…”

Đó là chia sẻ của Luật sư Delcy Lagones de Anglim, Giám đốc điều hành Trung tâm giải quyết tranh chấp Australia (ADRC) tại Hội thảo giới thiệu “Kỹ năng sử dụng phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp trong kinh doanh và thương mại quốc tế”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), phối hợp với Trung tâm giải quyết tranh chấp Australia tổ chức ngày 16/10.

Vì quan niệm sai lầm rằng cứ tranh chấp “to” là đưa nhau ra tòa án, hoặc trọng tài thương mại thì sẽ được giải quyết ổn thỏa, mà theo Luật sư Delcy Lagones de Anglim, khiến nhiều vụ tranh chấp kéo dài vài năm, thậm chí rơi vào bế tắc, với chi phí lớn, khiến công việc kinh doanh của DN bị ngưng trệ, chịu tác động tiêu cực vì bị “tiếng xấu”.

Từ những điểm yếu của phương thức giải quyết tranh chấp qua tòa án, trọng tài: thời gian kéo dài, chi phí cao, thủ tục rườm rà…, mà trên thế giới ngày càng thịnh hành phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án là hòa giải, với những ưu điểm nổi bật: giải quyết tranh chấp nhanh, chi phí thấp…

Tuy phương thức hòa giải phát huy ưu thế trong giải quyết tranh chấp nảy sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại ngày một phổ biến trên thế giới, nhưng theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), hiện phương thức này tại Việt Nam quá mới, nên rất cần sự quan tâm của các cơ quan quản lý, cộng đồng DN, giới luật sư…, để cơ chế mới này sớm được các DN sử dụng trong giải quyết các tranh chấp nảy sinh trong quá trình kinh doanh.

Luật sư Tom Stodulka, thành viên ADRC cho biết, theo mô hình hòa giải thương mại trên thế giới thì có sự khác nhau giữa mô hình hòa giải và trung gian hòa giải. Trung gian hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án có sự xuất hiện của người thứ 3, với tinh thần vô tư, khách quan trong giúp hai hoặc nhiều bên đang có tranh chấp, xung đột lợi ích, ngồi lại đàm phán với nhau, để đi đến giải pháp giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn.

Ở vai trò trung gian hòa giải, người hòa giải với tư cách là chuyên gia sẽ không đưa ra quyết định nào áp đặt, mà chỉ gợi ý, thuyết phục các bên đi đến một giải pháp mà cả hai hoặc nhiều bên chấp nhận được để giải quyết mâu thuẫn. Còn với phương thức hòa giải, vai trò của người hòa giải có tính chủ động hơn trong đề xuất, hoặc gợi ý hướng giải quyết mâu thuẫn, để các bên giải quyết xung đột, tranh chấp.

“Bí quyết để sử dụng phương thức hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại là hòa giải viên hãy bắt đầu từ ‘hạ hỏa’ các bên tranh chấp, tiếp đó hãy khích lệ họ tự giải quyết mâu thuẫn, vì lợi ích của nhau, thay vì trông chờ các cơ chế bên ngoài giải quyết tranh chấp, vừa thiếu chủ động, vừa kéo dài thời gian, tốn chi phí…”, Luật sư Tom Stodulka chia sẻ.

Trả lời câu hỏi nhiều DN đặt ra là trong trường hợp hòa giải viên không tư vấn giải quyết tranh chấp thực chất, công tâm, thì có cơ chế nào xử lý họ, bà Delcy Lagones de Anglim cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế, nếu hòa giải viên có những biểu hiện trên, thì bị tòa án phạt...

Việc sử dụng phương thức hòa giải trong giải quyết tranh chấp mang lại nhiều lợi ích cho DN: duy trì và giữ gìn được mối quan hệ kinh doanh; các nội dung riêng tư, bí mật trong kinh doanh được giữ kín, không làm phương hại đến uy tín của các bên liên quan. Ưu điểm của phương thức hòa giải còn là giúp DN giải quyết tranh chấp với chi phí thấp, quá trình giải quyết tranh chấp linh hoạt; thời gian giải quyết một vụ tranh chấp ngắn, kéo dài 3 - 4 giờ, nhiều nhất là một tuần, thay vì kéo dài vài năm, thậm chí rơi vào bế tắc khi giải quyết qua con đường tòa án… 

Việt Nam nên có Luật hòa giải tranh chấp thương mại

Để thúc đẩy sử dụng phương thức hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại, kinh doanh, ngoài xây dựng các chuẩn mực về quy trình hòa giải, nhiều nước còn luật hóa các quy định về áp dụng phương thức hòa giải trong giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Cụ thể, theo bà Delcy Lagones de Anglim, Singapore đã ban hành Luật Hòa giải khuyến nghị, Peru có Luật Hòa giải 26872, Australia có Luật Giải quyết tranh chấp dân sự… “Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng, ban hành Luật hòa giải tranh chấp thương mại, nhằm hỗ trợ DN thuận lợi hơn trong giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại…”, bà Delcy Lagones de Anglim khuyến nghị.

Tin vui cho cộng đồng DN, theo ông Trần Hữu Huỳnh, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định về hòa giải thương mại, nhằm giúp giải quyết các tranh chấp thương mại không phải quá trông chờ vào tòa án, trọng tài như hiện tại. Cộng đồng DN cần tích cực góp ý cho dự thảo này, để đảm bảo tính khả thi cao khi đưa vào áp dụng.