IMF công bố dữ liệu cập nhật về dự trữ ngoại hối quốc tế
Theo báo tổng hợp mới nhất tháng 6/2021 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vể tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế hiện nay, đồng USD vẫn là đồng được dự trữ nhiều nhất (chiếm 59,5%) hơn gấp đôi so với đồng tiền ở vị trí thứ 2 (21,29%).
Báo cáo là dữ liệu tổng hợp từ 149 báo cáo của các nước thành viên IMF và một số quốc gia khác, các tổ chức nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc tế. Dữ liệu được thu thập theo ba nhóm: Toàn thế giới, các nền kinh tế phát triển, các nước đang phát triển và mới nổi. Đối với mỗi nhóm, dự trữ phân bổ bao gồm những đồng tiền dự trữ truyền thống (USD, EUR, GBP, JPY, SWF) và một số đồng tiền khác.
Cơ cấu dữ trữ ngoại hối quốc tế quy đổi sang USD; Đơn vị: Tỷ USD
Tính đến cuối quý I/2021, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt trên 12.570 tỷ USD, giảm gần 130 tỷ USD so với quý trước. Tương tự, dự trữ đã phân bổ giảm xuống con số 11.742 tỷ USD, chiếm trên 93,4% tổng dự trữ ngoại hối quốc tế. Trong giá trị dự trữ đã phân bổ, dự trữ dưới dạng USD đạt trên 6.991 tỷ USD, chiếm 59,54% (quý trước chiếm 59,02%), nhưng giảm từ tỷ trọng trên 60% trong quý trước, tiếp tục đà giảm từ tỷ trọng khoảng 70% vào cuối thế kỷ XX và trên 80% trong những năm 1970, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với đồng EUR - đồng tiền dự trữ thứ hai - đồng tiền này chiếm tỷ trọng 21,24% trong tổng dự trữ ngoại hối đã phân bổ (mặc dù tỷ trọng EUR tiếp tục tăng). Trái với xu hướng giảm tỷ trọng USD, hầu hết những đồng tiền khác cũng tiếp tục tăng nhẹ so với quý trước, cả về giá trị và tỷ trọng.
Dữ liệu cập nhật cho thấy, USD đang bắt đầu mất dần sức hút như một loại tiền tệ dự trữ. Khi COVID-19 làm trầm trọng thêm thâm hụt kép ở Mỹ, gây nghi ngờ về giá trị dài hạn của đồng USD, các nhà chức trách trên toàn thế giới đang bắt đầu đặt nặng hơn các tài sản bằng các loại tiền tệ thay thế cũng như các lựa chọn phi tiền tệ như vàng.
Nhà kinh tế học Paul Krugman, người phụ trách chuyên mục của tờ “The New York Times” và từng đạt giải Nobel, bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thống trị của USD sẽ kết thúc sớm. Tuy nhiên, sau khi xem xét một loạt yếu tố liên quan đến tính dễ bị tổn thương, bao gồm các mức lãi suất và biến động tiền tệ đối với vị thế của USD, ông cho rằng, khả năng kết thúc sự thống trị của USD khó có thể tác động mạnh đến nền kinh tế Mỹ.
Theo thống kê do Wikipedia cập nhật, top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có dự trữ ngoại tệ và vàng lớn nhất thế giới bao gồm: Trung Quốc (3.362,471 tỷ USD, dữ liệu tháng 5/2021); Nhật Bản (1.385,508 tỷ USD, dữ liệu tháng 5/2021); Thụy Sỹ (1.074,845 tỷ USD, dữ liệu tháng 5/2021); Ấn Độ (609,00 tỷ USD, dữ liệu ngày 25/6/2021); CHLB Nga (592,40 tỷ USD, dữ liệu ngày 24/6/2021); Đài Loan (541,11 tỷ USD), dữ liệu tháng 4/2021); Hồng Kông (490,60 tỷ USD, dữ liệu tháng 4/2021); Hàn Quốc (452,30 tỷ USD, dữ liệu tháng 4/2021); Arập Xê út (440,728 tỷ USD, dữ liệu tháng 04/2021); Singapore (398,074 tỷ USD, dữ liệu tháng 02/2021). Dự trữ ngoại hối của Việt Nam có xu hướng tăng dần và đạt 98,813 tỷ USD, xếp thứ 26 trong bảng thống kê, tăng 1 bậc so với báo cáo trước đó.