IMF đề xuất tăng thuế với người giàu
Bất chấp cuộc suy thoái kinh tế có quy mô toàn cầu do đại dịch Covid-19, giới siêu giàu trên thế giới vẫn trải qua một năm đầy kỉ lục với khối tài sản tăng 5.000 tỷ USD và số lượng tỷ phú mới cao chưa từng thấy. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất rằng các chính phủ nên xem xét việc tăng thuế đối với thu nhập hoặc tài sản của giới nhà giàu để tài trợ cho những nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu và đồng thời khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng trên thế giới. Nhiều quốc gia chao đảo, hàng trăm triệu người lao động bị mất thu nhập hoặc giảm thu nhập. Ngược lại, tài sản của những người giàu nhất thế giới vẫn tăng trưởng mạnh mẽ khiến khoảng cách giàu nghèo lại ngày một lớn hơn.
Theo bà Charlotte Becker - Trưởng Ban Quan hệ đối ngoại và sự kiện, Chiến dịch Bất bình đẳng của Oxfam toàn cầu, giới tài phiệt đã được hưởng lợi từ các khoản cứu trợ của chính phủ và được bảo vệ bởi các chính sách kinh tế. Họ không phải trả phần thuế mà đáng lẽ ra họ phải đóng, không trả cho người lao động một mức lương tương xứng hoặc cạnh tranh trên bình diện chung.
Từ đó, IMF ủng hộ một phương án tính thuế mới tạm thời đối với những người “ăn lên làm ra” thời Covid để đáp ứng các hỗ trợ kinh tế liên quan đến khủng hoảng, khắc phục tình trạng thâm hụt tài khóa do các chính phủ mất đi nguồn thu thuế từ các hoạt động kinh tế, trong khi các khoản chi cho y tế, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tăng cao.
Nếu thay đổi về thuế trong nước và quốc tế, các nguồn kinh phí sẵn có sẽ được tận dụng để mở rộng các dịch vụ công, tăng phúc lợi quốc gia và đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang trên đà dần phục hồi.
Một trong những đề xuất khác của IMF là thúc giục các nước phát triển sử dụng các nguồn lực của mình để đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng vắc xin và phân phối vắc xin cho những quốc gia có nền kinh tế phát triển chậm hơn.
IMF cho rằng chính sách tài khóa - thuế và các biện pháp hỗ trợ nên hướng tới người nghèo và những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch. Đồng thời, IMF cũng công khai ủng hộ lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen về một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu để ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia lớn trong việc trốn tránh thuế suất từ chính phủ các nước.
IMF dự đoán rằng triển vọng kinh tế thế giới trong hai năm tới sẽ là viễn cảnh nấc thang đi lên, đại dịch Covis-19 sẽ dẫn được kiểm soát sớm hơn ở tất cả các quốc gia. Nếu kinh tế phục hồi nhanh hơn và tăng mạnh mẽ hơn thì các nền kinh tế hàng đầu sẽ thu lại hơn 1 tỷ USD từ thuế bổ sung vào năm 2025 và tiết kiệm thêm hàng nghìn tỷ USD cho các biện pháp hỗ trợ tài khóa.
Theo ông Vitor Gaspar - Giám đốc bộ phận tài chính của IMF, những bất bình đẳng tồn tại từ trước đã làm tăng tác động tiêu cực của đại dịch và ngược lại, Covid-19 cũng khuếch rộng thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội lên một mức cao hơn. Một vòng luẩn quẩn của sự bất bình đẳng có thể biến thành một vết khoét sâu gây tổn hại nghiêm trọng đến xã hội và chính trị của thế giới nói chung và của quốc gia nói riêng.