Kinh tế thế giới trước mối lo kép khi xuất hiện biến thể Omicron

Nhật Anh (Báo Nhân dân)

Sức công phá của những đợt lây nhiễm từ đại dịch Covid-19 đang đặt kinh tế thế giới trước nguy cơ bất ổn nghiêm trọng do lạm phát tăng cao. Trong khi chính phủ và các ngân hàng trung ương còn đang loay hoay với bài toán chống dịch và phục hồi kinh tế, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lại xuất hiện và dự báo sẽ giáng tiếp một đòn nặng nề vào kinh tế toàn cầu.

Sân bay quốc tế O.R Tambo ở Johannesburg, Nam Phi thông báo các chuyến bay bị hủy ngày 26/11, sau khi xuất hiện biến thể Omicron. Ảnh: Reuters.
Sân bay quốc tế O.R Tambo ở Johannesburg, Nam Phi thông báo các chuyến bay bị hủy ngày 26/11, sau khi xuất hiện biến thể Omicron. Ảnh: Reuters.

Kiềm chế lạm phát đang trở thành mối quan tâm hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới những ngày gần đây khi giá cả hàng hóa tăng vọt. Liên minh châu Âu (EU) chứng kiến mức lạm phát vượt ngưỡng 3%, trong khi tại Mỹ, giá cả hàng hóa tháng 10 đã tăng tới hơn 6%. Lạm phát đã trở thành mối lo lớn với Đức khi báo cáo của Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cho biết mức lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục tăng cao trong tháng 11 này và tiến sát mức 6%-mức cao nhất kể từ năm 1992. Bundesbank cảnh báo những biến động kinh tế do đại dịch COVID-19, việc đứt gãy chuỗi cung ứng và số ca nhiễm mới tăng cao ở khắp nơi, đang có tác động lớn hơn tới nền kinh tế vào cuối năm nay.

Trong khi đó, tại Canada, trong cuộc họp hôm 26/11 với Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland, các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại về tình trạng lạm phát và quy mô chi tiêu của chính phủ liên bang. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Canada, thâm hụt ngân sách liên bang đã ở mức 68,6 tỷ CAD ở thời điểm giữa tài khóa 2021-2022. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ thâm hụt ngân sách gia tăng vì các khoản chi chống dịch COVID-19 và khuyến nghị các biện pháp để giữ lạm phát dao động trong biên độ 1-3%/năm.

Tại châu Á, “bóng ma lạm phát” cũng đang đe dọa gây bất ổn kinh tế. Ở Trung Quốc, nhiều thời điểm đã xảy ra khan hiếm hàng hóa và giá một số mặt hàng thiết yếu tăng mạnh. Còn tại Hàn Quốc, lạm phát tiêu dùng trong tháng 10 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/2012. Trong nỗ lực chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%.

Tuy nhiên, “họa vô đơn chí” với các nền kinh tế toàn cầu, khi biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 (còn gọi là Omicron) xuất hiện trong những ngày gần đây đe dọa làm gián đoạn nghiêm trọng hơn chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể làm đảo ngược triển vọng chống dịch, phục hồi kinh tế của nhiều nước. Trước nguy cơ biến thể mới lan rộng, một loạt các nước đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại. Sự xuất hiện của biến thể B.1.1.529 cũng khiến thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu chứng kiến một ngày đen tối hôm 26/11, khi các chỉ số chứng khoán đồng loạt lao dốc.

Thực tế nêu trên cho thấy, các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục đối mặt “mối lo kép”, gồm mối lo chống lạm phát và chống đại dịch COVID-19 với một “kẻ thù” mạnh hơn và nguy hiểm hơn. Việc thành bại của các kế hoạch phục hồi kinh tế hiện nay không còn đơn thuần phụ thuộc vào những “liều thuốc tài chính” của các ngân hàng trung ương, mà quyết định nhiều hơn ở cách mỗi quốc gia đối phó đại dịch COVID-19.