Liệu Ấn Độ có mở cửa thị trường trái phiếu?

Theo Mai Ngọc/thoibaonganhang.vn

Các nhà đầu tư quốc tế đang kêu gọi Ấn Độ mở cửa thị trường trái phiếu Chính phủ với cam kết sẽ có thêm vốn để tài trợ cho tham vọng tăng trưởng của nước này.

Đồng rupee của Ấn Độ. Nguồn: internet
Đồng rupee của Ấn Độ. Nguồn: internet

Kiểm soát chặt vì ngại rủi ro

Khi Thủ tướng Modi đến New York vào tháng 9, ý tưởng khai thác mạnh mẽ hơn thị trường nợ toàn cầu đã được hình thành. Bloomberg LP, công ty mẹ của Bloomberg News và Bloomberg Barclays Indices, cam kết sẽ giúp chính phủ Ấn Độ trong việc đưa vào các tiêu chuẩn trái phiếu quốc tế. Muốn vậy, những rào cản lớn nhất có thể sẽ được gỡ bỏ hoặc nới lỏng đáng kể đó là giới hạn quyền sở hữu nước ngoài đối với trái phiếu có chủ quyền của Ấn Độ và cho phép đồng rupee giao dịch tự do hơn trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, đây là những vấn đề rất khó khăn, thậm chí được xem là nhạy cảm ở Ấn Độ. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ 3,7% trong số gần 60 nghìn tỷ rupee (835 tỷ USD) trái phiếu có chủ quyền do Ấn Độ phát hành, và Chính phủ cũng giới hạn quyền sở hữu nước ngoài ở mức 6%. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực như Indonesia, quốc gia không giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và hiện các quỹ đầu tư toàn cầu đang sở hữu khoảng 40% nợ chính phủ bằng nội tệ của Indonesia.

Theo các nhà phân tích, sự thận trọng trong việc kiểm soát vốn nước ngoài đã ăn sâu tại Ấn Độ kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1947. Cũng chính bởi sự thận trọng này nên kế hoạch đưa trái phiếu Ấn Độ vào các chỉ số của JPMorgan Chase & Co. đã nhanh chóng xì hơi vào năm 2013 khi các quan chức chùn bước trong việc gỡ bỏ những hạn chế này. Gần đây nhất vào tháng 7, kế hoạch phát hành 10 tỷ USD trái phiếu quốc tế của nước này đã tan rã giữa một cơn bão chỉ trích rằng Ấn Độ sẽ phải đối mặt với rủi ro tài chính mà họ không thể kiểm soát được.

Đặc biệt các nhà phê bình việc mở cửa của Ấn Độ có thể dẫn ra trường hợp Indonesia. Mặc dù quốc gia Đông Nam Á đã là thành viên của các chỉ số trái phiếu toàn cầu và dòng vốn nước ngoài đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, thế nhưng giá trái phiếu và đồng nội tệ của Indonesia đã biến động rất mạnh trong năm 2018. Thời điểm đó, các nhà chức trách ở Jakarta đã phải mua lại một số trái phiếu của chính mình và bán ra 10 tỷ đôla từ kho dự trữ ngoại tệ của mình. NHTW Indonessia cũng phải tăng lãi suất 175 điểm cơ bản, tạo áp lực lớn đến các người vay trong nước.

Trong Ấn Độ cũng giống như Indonesia, vốn là quốc gia có thâm hụt ngân sách và cả thâm hụt tài khoản vãng lai, nghĩa là họ cần tiền từ nước ngoài để bù đắp những thiếu hụt giữa những gì họ kiếm được trong xuất khẩu và chi cho nhập khẩu.

Động lực mở cửa là rất lớn

Mặc dù vậy hiện các nhà đầu tư kỳ vọng quan điểm này có thể thay đổi khi các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đang muốn đưa trái phiếu của nước này vào rổ chỉ số toàn cầu, và Thủ tướng Narendra Modi cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế. Muốn vậy việc mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của khoản nợ quốc gia đối với các nhà đầu tư quốc tế là rất rõ ràng khi mà trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ấn Độ mang lại lợi suất khoảng 6,5%, một mức rất cao trong một thế giới đang có hàng nghìn tỷ đôla nợ có lợi suất âm.

Theo Narayan - Ananth Narayan - Giáo sư tài chính và là cựu giám đốc thị trường tài chính Nam Á tại Standard Chartered Plc., khả năng Ấn Độ mở cửa thị trường trái phiếu rõ ràng đang có nhiều động lực. “Chúng tôi có dư địa rất lớn để mở cửa thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường nợ”, Ananth Narayan cho biết. “Điều này sẽ làm giảm áp lực trong việc siết chặt tài chính của các ngân hàng Ấn Độ, đảm bảo giá thị trường và trách nhiệm giải trình đối với nợ Chính phủ, đồng thời giải phóng nguồn lực tiết kiệm trong nước của chúng tôi để đầu tư vào sản xuất kinh doanh”.

Trong khi việc Trung Quốc từng bước mở cửa thị trường vốn của mình cũng là một hình mẫu để Ấn Độ có thể học tập. Theo đó, hồi tháng 4 vừa qua trái phiếu Trung Quốc đã được đưa vào Chỉ số trái phiếu toàn cầu của Bloomberg Barclays và sẽ được đưa vào chỉ số của JPMorgan vào năm 2020. Có được kết quả này một phần cũng nhờ Trung Quốc đã gỡ bỏ giới hạn đầu tư nước ngoài vào trái phiếu và cổ phiếu vào tháng 9.

“Trung Quốc đã cung cấp một lộ trình tốt cho quá trình này cả về các bước và thời gian”, Bryan Carter – Trưởng bộ phận nợ thị trường mới nổi có trụ sở tại London của BNP Paribas Asset Management cho biết. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, ngay cả khi các nhà chức trách Ấn Độ nghiêm túc thực hiện các thay đổi, hành trình để trái phiếu Ấn Độ được đưa vào các chỉ số toàn cầu có thể kéo dài 3-5 năm.

Những người ủng hộ Ấn Độ tham gia vào các chỉ số này cũng lập luận rằng, nước này cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều bằng cách thu hút “tiền ổn định” thay vì “tiền nóng” vốn rất dễ bốc hơi trong những giai đoạn kinh tế khủng hoảng.

Theo Jan Dehn - Trưởng bộ phận nghiên cứu của Ashmore Group Plc., các quỹ đầu tư lớn thường có xu hướng chạy theo chỉ số chuẩn, có nghĩa họ sẽ tăng cường nắm giữ các trái phiếu nằm trong các chỉ số chuẩn. Đối với Ấn Độ, việc được đưa vào các chỉ số trái phiếu toàn cầu có thể mang lại thêm “50 tỷ USD đến 125 tỷ USD đầu tư mới cho nền kinh tế”, Abhishek Gupta – nhà kinh tế của theo Bloomberg Economics cho biết.