Ngành bán lẻ Trung Quốc "bất tỉnh" ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới

Theo Chí Thành/nhadautu.vn/SCMP

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới và China Beige Book (trụ sở tại Mỹ), cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang giảm dần trong bối cảnh Bắc Kinh kiểm soát ngày càng chặt tín dụng và tiêu dùng trong nước phục hồi chậm, điều này có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc những năm tới chậm lại.

 Rủi ro tín dụng tăng cao khiến Trung Quốc xiết chặt quản lý tín dụng. Ảnh AP
Rủi ro tín dụng tăng cao khiến Trung Quốc xiết chặt quản lý tín dụng. Ảnh AP

Hôm thứ Ba, Ngân hàng Thế giới (WB) giữ nguyên mức dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay vào khoảng 8,5% và kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ chỉ còn khoảng 5,4% vào năm 2022 do chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách giảm hỗ trợ cho lĩnh vực tài chính, tiền tệ cũng như đưa ra các biện pháp quản lý thận trọng hơn cho nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 là 2,3%. Đây là mức tăng trưởng được ghi nhận là thấp nhất kể từ năm 1976 của nước này. Tuy nhiên, đây cũng là mức tăng trưởng duy nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm ngoái, khi toàn cầu phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Năm 2019, năm đầu bùng phát đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,1%.

Báo cáo của WB viết rõ: "Tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ duy trì ở mức thấp hơn 1 chút vào nửa cuối năm 2022 vì việc hợp nhất tài khóa và giảm rủi ro, xóa nợ sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng".

Ngân hàng Thế giới cho biết mặc dù tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc giảm xuống mức 280%, từ mức 285% cuối năm 2020, điều này chỉ phản ánh trên mức tăng trưởng GDP dự kiến cao hơn, chứ không phải xu hướng giảm nợ công thực của nước này.

Tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc trong quý đầu tiên năm 2021 cao hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, và báo cáo của WB nhấn mạnh rằng mức nợ tăng cao của Trung Quốc vẫn là 'một mối bận tâm chính'.

Kể từ năm ngoái, Bắc Kinh đã tìm cách giảm đòn bẩy tổng thể tới nền kinh tế, vốn đã tăng nhanh do đại dịch COVID-19 sau khi Trung Quốc mở rộng các biện pháp kích thích tài chính để cứu nền kinh tế, và chấp nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức cao nhất kể từ trước đến nay.

Các ngân hàng được chỉ thị gia hạn các khoản vay cho các công ty Trung Quốc mặc dầu nhiều công ty vẫn phải vật lộn để trả các khoản nợ cho kịp thời hạn, trong khi các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng lên một mức cao kỷ lục.

"Khi xem xét tín dụng ở bất cứ đâu, chúng ta đều nhận thấy một mức thấp kỷ lục. Nhưng mức độ thắt chặt tín dụng nhìn thấy rõ nhất khi xem xét các vị trí địa lý, đặc biệt ở khu vực bên ngoài Thượng Hải, Quảng Đông và Bắc Kinh, nơi các khoản vay nợ tiếp tục gia tăng", Leland Miller, giám đốc điều hành của China Beige Book nhấn mạnh trong báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Mỹ này, công bố vào hôm thứ Ba (29/6).

"Điều đáng lo ngại hơn nữa là các công ty đều cho rằng nhu cầu vốn của họ khó có thể được cải thiện, ngay cả trong năm 2022: cả 8 khu vực kinh tế được nghiên cứu đều dự báo các khoản vay thời hạn 6 tháng tiếp tục giảm, 6/8 khu vực kinh tế cho rằng mức giảm sẽ xuống mức thấp nhất từ trước đến nay", báo cáo viết tiếp.

China Beige Book cho biết mặc dù mức tăng trưởng quý vừa qua đạt mức tương tự như quý 1 và tình trạng việc làm đang được cải thiện nhưng mức đầu tư trong các công ty nhỏ đang chậm lại và việc vay tín dụng đang 'rơi tự do'.

Nếu việc thắt chặt tín dụng vẫn tiếp tục, và ngành bán lẻ không thoát ra khỏi tình trạng 'bất tỉnh' hiện nay, nền kinh tế trong quý tới sẽ khó đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng, báo cáo cua China Beige Book viết.

Dữ liệu từ Tổ chức xếp hạng tín dụng Mỹ Moody's cũng cho thấy một sự giảm tốc trong tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc. 

Báo cáo hàng quý của Moody's công bố hôm thứ Hai (28/6) cho thấy hoạt động cho vay không chính thức của các ngân hàng Trung Quốc, hay còn gọi là tài chính ngầm (ngân hàng bóng tối/shadow banking) đã thu hẹp lại đáng kể trong quý 1. Điều này là bởi các cơ quan quản lý đang xiết chặt lại các khoản vay tín dụng của ngân hàng tới các chính quyền địa phương.

Moody's cho biết tài sản có (banking assets) của các ngân hàng bóng tối đã giảm 540 tỷ nhân dân tệ (83,6 tỷ USD) trong quý đầu 2021 từ mức 58,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (9 nghìn tỷ USD) của quý trước đó.

"Trong bối cảnh kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng, chúng tôi dự đoán tài sản của các ngân hàng bóng tối sẽ tiếp tục giảm từ đây đến hết 2021", Moody's nhận xét.

Larry Ho, kinh tế gia trưởng của Macquarie Group tin rằng năm 2021 sẽ là năm cửa sổ để Bắc Kinh đạt được các tiến bộ trong việc xiết lại các rủi ro tín dụng, đặc biệt là kiềm chế sự gia tăng nợ của các địa phương ở Trung Quốc.

"2021 là thời điểm phá bỏ các thỏa thuận ngầm vì đây là lần đâu tiên trong 1 thập kỷ, các nhà hoạch định chính sách không phải lo nghĩ về mục tiêu tăng trưởng GDP", ông Hu nói trong một sự kiện vào cuối tuần trước. 

Trung Quốc đặt mức tăng trưởng kinh tế ở mức trên 6% vào năm 2021 khi nước này tiếp tục phục hồi mạnh mẽ kể từ cuối năm ngoái, trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục hoành hành, nhưng con số này thấp hơn nhiều so với các kỳ vọng.

China Beige Book vẫn nhấn mạnh rằng lĩnh vực bán lẻ vốn đã chịu áp lực lợi nhuận giảm sút trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày càng tăng, có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu nhu cầu của người tiêu dùng không tăng trong những tháng tới. 

WB cho rằng vẫn còn nhiều dư địa để chính phủ Trung Quốc đưa ra hỗ trợ tài khóa nếu nhu cầu đầu tư và tiêu dùng tư nhân vẫn tiếp tục trì trệ, khi mất cân đối với bên ngoài tiếp tục gia tăng.

"Tập trung nỗ lực vào tăng chi tiêu xã hội và đầu tư xanh thay vì chỉ dồn tiền vào đầu tư cơ sở hạ tầng truyền thống sẽ giúp đảm bảo không chỉ cho sự phục hồi và thúc đẩy nhu cầu ngắn hạn mà còn góp phần vào mục tiêu tái cân bằng trung hạn của nền kinh tế Trung Quốc", WB khuyến cáo.