Nghịch lý phía sau giá dầu

Theo Minh Anh/baoquocte.vn

Giá dầu lại đang tiến về mức đỉnh của ba năm trước, dần tới ngưỡng 70 USD/thùng. Số người tin rằng giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2018 đang ngày một nhiều hơn.

Nhiều người tin rằng giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2018. Nguồn: Oil&Gas
Nhiều người tin rằng giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2018. Nguồn: Oil&Gas

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đang tiếp tục lập các mốc mới vào những ngày đầu năm 2018. Như vậy, mới chỉ từ đầu tháng 12/2017 đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 13%. Các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan trước nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nhà xuất khẩu dầu lửa (OPEC) khiến nguồn cung giảm, áp đảo cả nỗi lo lắng về sản lượng khai thác của Mỹ đã đạt trên ngưỡng cao nhất trong vòng 47 năm qua.

Giá dầu đạt đỉnh 3 năm

Trong thời gian này, OPEC, Nga và một số nước ngoài tổ chức vẫn tiếp tục thực hiện cắt giảm sản lượng nhằm tái cân bằng thị trường, hỗ trợ giá dầu. Từ cuối năm ngoái, thỏa thuận này đã được gia hạn đến hết năm 2018, trong đó, OPEC cam kết cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày, các nước còn lại cắt giảm 600.000 thùng/ngày.

Một loạt số liệu kinh tế lạc quan của các nền sản xuất hàng đầu như Đức và Mỹ cũng góp phần tạo nên sự khởi sắc của giá dầu. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã xuống mức thấp nhất trong tháng 12/2017, qua đó củng cố đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Kinh tế Mỹ cũng phát đi tín hiệu tích cực khi sản xuất tại các nhà máy tăng mạnh hơn dự đoán trong tháng 12/2017.
Bên cạnh đó, Báo cáo hàng tuần do Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ (API) công bố cho thấy nguồn cung dầu thô Mỹ được kỳ vọng sẽ giảm tuần thứ 7 liên tiếp. Số liệu của Công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã giảm. Trong tuần kết thúc vào 5/1, số giàn khoan hoạt động ở Mỹ giảm 5 giàn, còn 742 giàn.

Tuy nhiên, trái ngược với thông tin này, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) lại cho rằng, sản lượng dầu thô Mỹ được dự đoán vẫn tăng lên mức 10,3 triệu thùng/ngày trong năm 2018 - cao hơn gần 1 triệu thùng/ngày so với năm 2017.

Đó là lý do, hai trường phái khá rõ rệt đã xuất hiện trên thị trường, một bên cẩn trọng cảnh báo về đợt tăng giá “hụt hơi”, một bên hồ hởi với đà tăng vốn được chờ đợi từ lâu. Bên nào cũng đưa ra những lý do có vẻ rất hợp lý.

Hồ hởi hay hụt hơi?

Các nhà phân tích đã đưa ra cảnh báo về sự sớm “hụt hơi” của đợt tăng giá này, dù số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm trong thời gian gần đây, nhưng vẫn lớn hơn nhiều so với con số thấp nhất 316 giàn, thiết lập vào tháng 6/2016. Và sản lượng dầu thô của Mỹ được dự báo sẽ vượt mốc 10 triệu thùng/ngày ngay trong tháng này - mức sản lượng tương đương của Nga và Saudia Arabia hiện nay.

Lý do thứ hai, dấu hiệu cho thấy dù sản lượng dầu của OPEC và Nga bị cắt giảm, thì lượng dầu tồn kho vẫn còn khá lớn.

Lý do tiếp theo liên quan tới khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới – châu Á. Với tỷ suất lợi nhuận tốt trong năm 2017, các nhà máy lọc hóa dầu khu vực này đã đẩy mạnh công suất hoạt động lên mức 23 triệu thùng/ngày vào tháng 10 năm ngoái. Nhưng xu hướng giảm tỷ suất lợi nhuận do giá dầu thô đầu vào tăng và nguồn cung các sản phẩm lọc hóa dồi dào, khiến các nhà máy lọc dầu châu Á có thể giảm dần lượng đầu vào, gây sức ép giảm giá dầu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, phân tích một nghịch lý về OPEC, tờ The Economist cho rằng, giá dầu tăng đã phần nào phản ánh sự lạc quan đối với quyết định của OPEC và tin tưởng vào khả năng tuân thủ của các thành viên đã ký Thỏa thuận. Nhưng mặt khác, giá tăng phần nào lại phản ánh sự lo ngại rằng, căng thẳng khu vực, bất đồng giữa các thành viên OPEC hay bất ổn Trung Đông… có thể trở nên tồi tệ đến mức làm gián đoạn nguồn cung từ khu vực sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Hay lo ngại về gián đoạn sản xuất do khủng hoảng kinh tế ở một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu như Venezuela. Các yếu tố này đều khiến nguồn cung khan hiếm, giữ giá dầu ở mức cao.

Ngoài OPEC và địa chính trị, còn có những lý do khác khiến giá dầu có động lực tăng lên. Thậm chí, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gần đây còn cẩn trọng cảnh báo về mức giá cao hơn, có thể sẽ tác động xấu đến mức tiêu thụ dầu thô trong năm 2018. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, khi mức giá vẫn chưa bằng một nửa mức đỉnh hồi năm 2008, thì người tiêu dùng, vẫn chưa cho thấy tín hiệu sẽ giảm mức tiêu thụ.

Người ta đã từng dự báo về một cuộc bán tháo chưa từng có từ các khoản đầu tư đầy lạc quan vào hợp đồng dầu mỏ tương lai, của các Quỹ đầu cơ, nếu Nga và OPEC không thể đi đến thống nhất tại Vienna hồi tháng 11/2017.

Nhưng lần đầu tiên trong nhiều năm, lợi ích của các nhà sản xuất dầu lớn nhất đã gặp nhau, đồng lòng đóng băng sản lượng. Saudi Arabia muốn giá dầu cao để đạt được mức định giá tốt cho công ty dầu mỏ quốc gia Aramco mà họ đang muốn tư nhân hóa một phần. Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn giữ ổn định nền kinh tế – và theo đó là chính quyền của ông.

Còn các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ cũng mong muốn một mức giá như vậy, bởi lợi nhuận cao bao giờ cũng tốt hơn phải sản xuất nhiều. Tuy nhiên, chẳng có gì để bảo đảm, giá dầu hấp dẫn lại không kích thích các nhà sản xuất Mỹ gia tăng sản lượng. Vậy các nhà đầu cơ có đang hơi lạc quan quá hay không?