Cải cách thuế “khủng” của ông Trump, lợi hay hại?
Chính sách cải tổ thuế lớn nhất ba thập kỷ của Tổng thống Trump, được các nhà hoạch định chính sách Fed xem như một cú hích thúc đẩy kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, không gây áp lực cho nền kinh tế, cũng như đòi hỏi các phản ứng tức thì của Ngân hàng Trung ương.
Việc cắt giảm thuế sẽ bắt đầu khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức chuyển giao vị trí lãnh đạo mới. Cựu thành viên Hội đồng thống đốc Fed Jerome Powell sẽ tiếp quản vai trò Chủ tịch định chế tài chính có ảnh hưởng nhất trên thế giới, từ người tiền nhiệm Janet Yellen vào đầu tháng 2 tới.
Như Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa kỳ vọng, một số nhà hoạch định chính sách cũng nhận định, cải cách thuế sẽ giúp hỗ trợ cho những thay đổi, nhằm mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế, giảm tỉ lệ thất nghiệp.
Quan điểm trên xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn gần đây của Reuters về chính sách thuế mới với các nhà hoạch định chính sách tài chính. Cuộc phỏng vấn đã đem lại cái nhìn chi tiết về vấn đề này, trong đó cả những người mong muốn giữ lãi suất thấp, cho tới những chuyên gia có xu hướng ủng hộ tăng lãi suất, nhằm chống lại bong bóng tài sản hoặc bất kỳ cơn giông tố lạm phát bất ngờ nào đều cho thấy một phản ứng tích cực với luật thuế mới.
Các vị chuyên gia được phỏng vấn đều chia sẻ một kết luận chung rằng, luật mới sẽ cung cấp một số lợi ích ngắn hạn mà không gây bất kỳ rủi ro nào trong ngắn hạn. Họ dự đoán rằng, việc kết hợp cắt giảm thuế doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ thúc đẩy mức tăng trưởng lên tới nửa phần trăm mỗi năm trong vài năm tới và giúp giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp gần mức thấp kỷ lục, qua đó có thể giúp tăng lương.
Ngoài ra, tùy thuộc vào phản ứng của các doanh nghiệp, đầu tư có khả năng tăng lên, dẫn đến tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, dù có thể không nhiều.
Các chuyên gia này không cho rằng, có bất kỳ rủi ro lớn nào do gói kích thích thuế sẽ đẩy lạm phát tăng quá nhanh hoặc một sự gia tăng mạnh về giá tài sản khiến Fed phải tăng lãi suất nhanh hơn kế hoạch dự kiến.
Là một trong số những người có khuynh hướng tăng thuế từ thời kỳ khủng hoảng, nhưng Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cũng cho rằng, bà không cảm thấy có lý do gì để lo lắng đối với chính sách thuế mới. Bà dự đoán, tăng trưởng hàng năm của nước Mỹ sẽ thêm một nửa điểm phần trăm trong vài năm tới.
Các dự báo kinh tế gần đây nhất cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất cho vay ba lần vào năm 2018. Một số chuyên gia kinh tế tư nhân lại cho rằng sẽ có bốn lần tăng, một phần do ảnh hưởng của kế hoạch thuế mới.
Nhưng các ngân hàng Trung ương gần đây tỏ ra khá tin tưởng rằng, lạm phát sẽ ổn định và các báo cáo về thị trường chứng khoán Mỹ phần lớn cho kết quả an toàn, không có nguy cơ về một sự đầu cơ nguy hiểm nào.
“Thâm hụt không lớn, trong kế hoạch lớn”
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những quan điểm trái chiều, một số người đã cảnh báo rằng, việc cắt giảm thuế doanh nghiệp có thể dẫn đến xu hướng gia tăng mua lại cổ phiếu hoặc những cuộc vận động tài chính khác, khiến giá tài sản bị đẩy lên mức bất hợp lý. Sự gia tăng mức độ thâm hụt ngân sách do giảm thuế cũng là mối quan tâm dài hạn của họ. Bởi luật thuế mới có lợi cho người giàu và cũng tạo thêm khoản nợ 1.500 tỷ USD cho nợ công quốc gia Mỹ, hiện khoảng 20.000 tỷ USD, trong 10 năm tới.
Chuyên gia Bullard cũng cho rằng, việc cắt giảm thuế "thực sự không lớn trong một kế hoạch lớn", khoảng 150 tỷ USD mỗi năm trong một nền kinh tế hơn 18.000 tỷ USD. Ảnh hưởng của cải cách thuế quan trọng hơn, và nó chỉ có thể trở nên rõ ràng trong dài hạn, nếu nó thực sự làm tăng tiềm năng hoặc xu hướng tăng trưởng.
Trên thực tế, quan điểm chờ đợi chính sách tổng thể đã được ngầm định trong tuyên bố chính sách và dự báo kinh tế mà Fed đưa ra hồi tháng 12, sau khi tăng lãi suất mục tiêu. Các nhà hoạch định chính sách đã tăng dự báo cho tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn giữ kỳ vọng về tỷ lệ tăng lãi suất.
Ở bình diện quốc tế, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Paul Romer nhận định rằng, đây là một "thí nghiệm" quan trọng trong việc xác định một loạt chỉ tiêu kinh tế được chờ đợi, như tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, lạm phát thấp và nguy cơ xảy ra khủng hoảng.
Ông Romer cũng cho rằng, sự cân bằng các rủi ro ngay từ bây giờ là một ý tưởng tốt hơn nhiều so với việc thử nghiệm bằng các chính sách thúc đẩy việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 4,1%, thấp hơn mức 4,5 - 5% mà các mô hình kinh tế tiêu chuẩn xác định cho là sẽ dẫn tới lạm phát cao hơn. Nhưng cho đến nay, lạm phát vẫn không là vấn đề đáng ngại đối với nền kinh tế này.
Ở khía cạnh khác, mục đích cải cách thuế của ông Trump là giảm thuế để kích thích kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ phát triển. Tuy nhiên, không ít công ty quốc tế lớn vừa lên tiếng cho rằng, trước khi được hưởng lợi từ luật thuế mới, các công ty sẽ phải đối mặt với những khoản mất mát lên tới hàng tỷ USD.
Còn Trung tâm chính sách thuế phi chính phủ tại Washington dự tính, số tiền thuế hộ gia đình có thu nhập trung bình được giảm khoảng 900 USD vào năm tới, nhưng chỉ 1% người siêu giàu Mỹ có sẽ được cắt giảm trung bình 51.000 USD.
Ngày 22/12, Tổng thống Donald Trump đã đặt bút ký ban hành luật cải cách thuế trị giá 1.500 tỉ USD. Như đã không ít lần úp mở về một món “quà Giáng sinh sớm" cho người dân Mỹ, ngay sau khi lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu thông qua, Tổng thống Trump đã công bố Luật cải cách thuế được cho là có quy mô lớn nhất trong nhiều năm qua, giúp cắt giảm chi phí thuế cho doanh nghiệp và người dân khoảng 1.500 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Theo đó, cải cách lớn đầu tiên trong hệ thống thuế quốc gia Mỹ kể từ năm 1986 sẽ giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn và người có thu nhập cao từ 35% xuống còn 20% trong thời gian vô hạn. Doanh nghiệp nhỏ và cá nhân chỉ được giảm thuế ở mức thấp hơn, cho đến hết năm 2026. Đến năm 2027, những gia đình có thu nhập từ 75.000 USD/năm trở lên sẽ phải đóng thuế cao hơn.
Đây là một trong những cam kết được hiện thực hóa của Tổng thống Trump với cử tri Mỹ, từ khi ông trở thành chủ Nhà Trắng.