Những thành tựu của nền kinh tế Nhật Bản sau 5 năm thực hiện Chính sách Abenomics

ThS. Đỗ Thị Ánh - Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam *

Từng kinh qua nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ nhất vào năm 2006, ông Shinzo Abe một lần nữa trở thành Thủ tướng Nhật Bản sau khi giành thắng lợi thuyết phục tại cuộc Tổng tuyển cử của nước này vào cuối tháng 12/2012. Ngay sau khi đắc cử lần thứ hai, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra chính sách kinh tế “Abenomics” (kết hợp hai từ “Abe” và “Economics”). Sau 5 năm thực hiện chính sách kinh tế này, nền kinh tế Nhật Bản đã có những chuyển biến như thế nào là nội dung được làm rõ trong bài viết.

Ngay sau khi đắc cử lần thứ hai, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra chính sách kinh tế “Abenomics”. Nguồn: Internet
Ngay sau khi đắc cử lần thứ hai, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra chính sách kinh tế “Abenomics”. Nguồn: Internet

Bối cảnh ra đời Chính sách Abenomics

Sau khi bong bóng thị trường bất động sản và chứng khoán sụp đổ vào đầu những năm 1990, Nhật Bản đã trải qua nhiều thập niên “mất mát”. Các công ty tập trung cắt giảm nợ, thu hẹp đầu tư và di chuyển sản xuất ra nước ngoài. Người dân hạn chế tiêu dùng, giá cả hàng hóa giảm sút, kết quả là nền kinh tế ngày càng trì trệ. Trợ cấp an sinh xã hội tăng lên do lão hóa dân số nhưng tiền lương thực tế lại không tăng do giảm phát. Trong khi đó, để bù đắp cho thâm hụt tài chính, nợ của chính phủ do trái phiếu công lại tăng cao. Thiên tai động đất sóng thần xảy ra năm 2011 càng làm trầm trọng hóa hơn những khó khăn kinh tế của Nhật Bản.

Thông qua các nghiên cứu, đánh giá của Nhật Bản, có thể nhận thực trạng và một số điểm hạn chế của nền kinh tế nước này giai đoạn từ 1990 đến 2012 trước khi có chiến lược Abenomics như sau:

Về chi tiêu: Tăng trưởng gần bằng 0% trong 20 năm; Chi tiêu tiêu dùng bị đình trệ do giảm phát; Hậu quả từ vụ động đất xảy ra hồi 2011 và những hệ quả còn kéo dài đến năm 2012; Khoản nợ công lớn do lạm phát trong chi tiêu từ những năm 1990.

Về tiền tệ: Giảm phát dài hạn; Đồng Yên quá mạnh, ảnh hưởng tới xuất khẩu.

Về việc làm: Tình trạng giảm lực lượng lao động trong dài hạn do tình trạng dân số Nhật Bản; Một số ngành có lao động giảm mạnh (như xây dựng); Tỷ lệ lao động nữ giới thấp; Một lượng lớn dân số (1/3 dân số) làm các công việc không chính thức với thu nhập và lợi ích thấp hơn.

Việc ông Shinzo Abe nhận được từ cử tri Nhật Bản sự tín nhiệm cao trên cương vị nhà lãnh đạo nền kinh tế thứ ba thế giới chắc chắn không phải ngẫu nhiên. Chính sách Abenomics do nhà lãnh đạo Shinzo Abe đề xuất được hi vọng là một bước đột phá trong chính sách kinh tế và xã hội của Nhật Bản nhằm lấy lại vị thế của mình.

Các “mũi tên” trong chính sách Abenomics

Abenomics là sự kết hợp của các biện pháp kinh tế khác nhau như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chiến lược tăng trưởng. Với cách nói ẩn dụ về “ba mũi tên”, Abenomics truyền tải một thông điệp cụ thể rằng, hiệu ứng từ sự kết hợp các chính sách kể trên sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản hồi sinh sau một thời gian dài “chìm” trong suy thoái.

Mũi tên 1: Chính sách tiền tệ táo bạo.

Xác định nguyên nhân lớn nhất của suy thoái kinh tế là giảm phát nên điều mà Chính phủ của Thủ tướng Abe nhắm tới trước tiên với mũi tên thứ nhất là xóa bỏ giảm phát. Đề ra một mục tiêu lạm phát là giải pháp mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đưa ra. Một lượng lớn tiền được tung ra kể từ đầu mùa xuân 2013 (với mức cung tiền cơ bản đang từ 130 nghìn tỷ Yên tăng lên 270 nghìn tỷ yên) nhằm thay đổi kỳ vọng của thị trường và ổn định mục tiêu lạm phát là 2%. Tương tự như nhiều nền kinh tế phát triển khác, lạm phát 2% mỗi năm tại Nhật Bản được coi là tối ưu để khuyến khích các công ty đầu tư và người tiêu dùng chi tiêu. Mức lạm phát này cũng đủ thấp để tránh làm dấy lên cuộc khủng hoảng siêu lạm phát từng làm tê liệt nền Cộng hòa Weimar (nước Đức) những năm 1920 và Zimbabwe gần đây. Bên cạnh đó, việc nới lỏng định lượng không giới hạn, điều chỉnh giá đồng Yên, sửa đổi Luật Ngân hàng cũng đã được Nhật Bản xúc tiến.

Mũi tên 2: Chính sách tài khóa linh hoạt.

Nhằm kích thích nền kinh tế, Abenomics đã nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư công, tăng cường chi tiêu. Cùng với việc triển khai các gói kích thích kinh tế, tập trung cho phúc lợi xã hội là việc củng cố tài khóa, giải quyết nợ công. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng tìm cách nâng cao nguồn thu bằng cách tăng thuế tiêu thụ từ 5-8% và giai đoạn sau này (năm 2019) sẽ là 10%.

Mũi tên thứ 3: Chiến lược tăng trưởng thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Thực chất đây là chính sách tái cấu trúc nền kinh tế. Mũi tên thứ ba của Abenomics được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy kích thích khu vực tư nhân trong các vấn đề chuyển dịch công nghiệp, tăng cường nhân lực và cải cách hệ thống việc làm, tăng năng lực cạnh tranh về vị trí thay vì chuyển hoạt động ra nước ngoài, năng lượng sạch và hiệu quả, xây dựng xã hội tuổi thọ cao đi đôi với sức khỏe, mở rộng xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp, khoa học và công nghệ. Ngoài ra, chìa khóa quan trọng của mũi tên thứ ba này chính là việc tham gia Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do khác của Nhật Bản.

Phiên bản mới của 3 mũi tên và mũi tên thứ tư.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2 thực hiện, từ tháng 10/2015, 3 mũi tên trong chiến lược Abenomics tập trung cụ thể hơn vào mục tiêu kinh tế tăng trưởng mạnh (GDP đạt mức 600 ngàn tỷ Yên), tăng cường hỗ trợ sinh và nuôi dạy trẻ nhỏ trong bối cảnh nhân khẩu học bất lợi đối với phát triển (nhằm duy trì được mức dân số 100 triệu trong vòng 50 năm tới), cải thiện an sinh xã hội (nhằm giảm gánh nặng dân số già hóa lên hệ thống phúc lợi xã hội).

Ngoài ra, gần đây cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến về mũi tên thứ tư của Abenomics, theo đó “kiện toàn tài chính cần trở thành mũi tên thứ tư” (dù có một số phản đối cho rằng “Đó đơn giản chỉ là một lý thuyết tăng thuế”), hay quan điểm “Dữ liệu mở” (Open Data) cần trở thành mũi tên thứ tư góp phần “Phát triển những ý tưởng vượt trội bằng cách mở rộng dữ liệu công khai của chính phủ cho khu vực tư nhân”. Cũng liên quan đến mũi tên thứ tư, tháng 9/2013, Thủ tướng Abe từng phát biểu “hiệu quả kinh tế của Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 theo ý nghĩa nhất định sẽ là mũi tên thứ tư của Abenomics”.

Thành tựu kinh tế Nhật Bản sau 5 năm thực hiện Abenomics

Dù còn tồn tại nhiều đánh giá trái chiều về Abenomics, nhưng những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện là minh chứng cho thấy hiệu quả rõ rệt của chiến lược này. Những thành tựu kinh tế của Abenomics thể hiện trên một số khía cạnh:

Thứ nhất, tình hình kinh tế khả quan.

Theo những số liệu thống kê mới nhất, kinh tế Nhật Bản đang ở trong giai đoạn tăng trưởng liên tục dài nhất trong gần 30 năm qua. Cụ thể, GDP trong quý IV/2017 tăng 0,1% so với quý trước (tính theo năm là 0,5%) và đây là quý tăng trưởng thứ 8 liên tiếp của kinh tế Nhật Bản. Đầu tư vốn tăng 0,7% (một phần để đối phó với tình trạng thiếu nhân lực). Xuất khẩu tăng 2,4% (nhờ xuất khẩu linh kiện điện thoại thông minh và xe hơi tăng mạnh). Tiêu dùng cá nhân đã tăng 0,5%, lần đầu tiên tăng sau 2 quý. Trước việc nhu cầu trong nước thúc đẩy tăng trưởng GDP, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Motegi Toshimitsu cho rằng, tiêu dùng cá nhân tăng lên cho thấy hồi phục kinh tế đang lan tỏa tới từng gia đình và một vòng tuần hoàn kinh tế tích cực đang hình thành.

Sự hồi phục kinh tế được phản ánh rõ nét thông qua sự tăng trưởng chứng khoán Nhật Bản. Theo đó, bước sang đầu năm 2018, giá cổ phiếu đã lên đến mức 24.000 Yên lần đầu tiên trong khoảng 26 năm, dấu hiệu của sự thoát khỏi giảm phát càng rõ nét. Trước hiệu quả hoạt động khả quan của các công ty Nhật Bản, bắt đầu xuất hiện những nhận xét cho rằng, dường như giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao độ của Nhật Bản đang một lần nữa được tái hiện lại.

Thứ hai, sự biến chuyển tích cực của các chỉ tiêu kinh tế quan trọng.

So sánh của các chỉ tiêu kinh tế chủ chốt vào quý IV/2012 khi Abenomics bắt đầu được thực thi và quý II/2017, có thể thấy rằng, Abenomics đã phát huy được hiệu quả ở nhiều phương diện:

Về GDP, có thể thấy GDP thực tế trong kỳ từ tháng 4-6 năm 2017 so với kỳ từ tháng 10-12 năm 2012 đã tăng 6,3%. GDP danh nghĩa tăng 10,1% ở mức gần 550 nghìn tỷ Yên, cho thấy xu hướng suy giảm tăng trưởng trước đây đã có chuyển biến vững chắc. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng tăng từ 0,8% lên 1,0%. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 4,5%, nhu cầu trong nước của khu vực tư nhân cũng tăng 4,8% (trong đó tiêu dùng thực tăng 2,9%, đầu tư cơ sở 15,0%).

Những thành tựu của nền kinh tế Nhật Bản sau 5 năm thực hiện Chính sách Abenomics - Ảnh 1

Với các DN, tỷ lệ lợi nhuận thông thường trong ngành công nghiệp sản xuất từ 4,6% tăng lên 8,9%, trong lĩnh vực phi sản xuất lên mức cao kỷ lục tăng từ 3,7% lên 6,0%, cho thấy môi trường đã chuyển biến thuận lợi cho việc nâng cao lợi nhuận của các DN - đối tượng chính của cải cách cơ cấu. Mức thuế hữu hiệu cho các DN trong năm 2017 là 29,97%, đã giảm đáng kể từ mức 37,00% của năm 2012. Số vụ phá sản DN cũng đã giảm 30,3% so với năm 2012.

Về việc làm, tỷ lệ người có việc làm tăng 4,5%, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,3% xuống còn 2,8%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trẻ (25-29 tuổi) cũng giảm từ 5,7% xuống còn 4,7%. Số lao động toàn thời gian đã tăng 2,8%. Tỷ lệ tuyển dụng hiệu quả tăng từ 0,83 lần lên 1,52 lần, lần đầu tiên sau chiến tranh vượt qua giá trị 1 ở tất cả các địa phương. Tỷ lệ tuyển dụng hiệu quả lao động toàn thời gian cũng tăng lên 1,01 lần, nghĩa là cũng vượt quá được giá trị 1. Tỷ lệ tham gia của người lao động nữ đã tăng từ 63,6% lên 69,5%.

Về tiền lương, mặc dù tiền lương năm 2015 sụt giảm sâu do việc tăng thuế tiêu thụ, tuy nhiên từ sau năm 2015 việc tăng lương bắt đầu được cải thiện hơn. Tổng mức lương danh nghĩa tăng 7,8%, nếu tính cả ảnh hưởng của việc tăng thuế tiêu thụ từ 5%-8%, như vậy mức lương thực tế đã tăng lên 3,8%.

Lương tối thiểu cũng đã tăng từ 749 Yên trong năm tài chính 2012 lên 848 Yên sau 5 năm trong năm tài chính 2017. Tài sản tài chính hộ gia đình tăng 14,0%. Lợi nhuận tích lũy từ quỹ lương hưu công vào khoảng 46 nghìn tỷ Yên, từ lương hưu của DN là khoảng 29 nghìn tỷ yên.

Về tài chính, tín dụng, cán cân tài chính được cải thiện cân rõ rệt nhờ vào chính sách đẩy lùi giảm phát, thâm hụt ngân sách đã giảm từ 8,8% xuống 2,8%. Doanh thu thuế ước tính của chính phủ và địa phương tăng từ 78,7 nghìn tỷ Yên trong năm tài chính 2012 lên đến 100,7 nghìn tỷ Yên trong năm tài chính 2017. Dư nợ trái phiếu chính phủ (trên tỷ lệ GDP) bắt đầu giảm xuống 238,7% so với mức đỉnh 243,1% trong giai đoạn tháng 4-6 năm 2016.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, chỉ số chứng khoán Nikkei đã tăng hơn hai lần khi Nhật Bản mở rộng nền kinh tế được cho là dài thứ hai sau chiến tranh kể từ thời kỳ bùng nổ tăng trưởng Izanagi kéo dài 57 tháng (từ tháng 11/1965-7/1970).

Từ cuối năm 2012 với năm 2017 có thể thấy, đồng Yên đã giảm giá so với USD từ 86,8 Yên lên 112,7 Yên/USD. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng tới 99,8%, từ 10.395 điểm đến 20.770 điểm. Lãi suất dài hạn lần đầu tiên được duy trì kể từ thời kỳ bong bóng kinh tế, thị trường chuyển sang xu thế lạm phát, hướng tới mục tiêu xóa bỏ giảm phát.

Nhu cầu tín dụng được thúc đẩy. Tổng dư nợ cho vay hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ năm 2001. Theo một quan chức của BoJ, việc sáp nhập và mua bất động sản kết hợp với tình hình kinh tế sáng sủa đã thúc đẩy nhu cầu cho vay. Một chuyên gia kinh tế của Daiwa Institute of Research cho rằng, “đã bắt đầu thấy được dấu hiệu của lợi nhuận cho ngành ngân hàng”. Cổ phiếu ngân hàng có thể tăng lên nếu lãi suất cải thiện. Cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial Group – một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới - và một số công ty khác cũng đã tăng đáng kể từ cuối 2016.

Bài học rút ra trong quá trình triển khai Chính sách Abenomics

Thứ nhất, mặc dù kinh tế phục hồi, giảm phát dần được đẩy lùi, tổng tiền lương tăng, song do thực hiện “thắt lưng buộc bụng” đột ngột, việc tăng thuế tiêu dùng khiến hiệu quả tăng lương không diễn ra như kỳ vọng, sự phân bổ chi tiêu của chính phủ cũng như việc mở rộng mạng lưới an sinh còn hạn chế mà nhiều người dân trong nước vẫn chưa cảm nhận được thực sự sự hồi phục của nền kinh tế sau 5 năm thực hiện chính sách Abenomics. Điều này phản ánh thực tế rằng chính sách Abenomics, đặc biệt là chính sách tài khóa cho đến nay vẫn thiếu sự kết nối chặt chẽ để mang lại cảm nhận về sự phục hồi cho người dân trong cả nước.

Những thành tựu của nền kinh tế Nhật Bản sau 5 năm thực hiện Chính sách Abenomics - Ảnh 2

Để giúp người dân cảm nhận được rõ ràng sự phục hồi của nền kinh tế, Chính phủ của Thủ tướng Abe cần chuyển sang nới lỏng các chính sách tài khóa, đồng thời thúc đẩy cải cách cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao năng suất. Thủ tướng Abe gần đây đã kêu gọi DN nâng lương của nhân viên lên 3% để thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đảng cầm quyền của Nhật Bản hiện nay vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thuyết phục người dân rằng nền kinh tế của họ đã bước vào con đường phát triển vững chắc. Nếu làm được điều đó, Abenomics sẽ còn thu được nhiều thành quả khả quan hơn.

Vấn đề thứ hai liên quan tới mũi tên thứ 2 và 3. Có thể nói chính sách tiền tệ của Abenomics đang diễn ra khá hiệu quả của chính sách này cũng không quá khó khăn và mất nhiều thời gian. Với việc nới lỏng tiền tệ để vượt qua giảm phát, mũi tên đầu tiên đang bay đúng hướng. Vấn đề nằm ở mũi tên thứ hai và mũi tên thứ ba.

Việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt - mũi tên thứ hai vẫn còn đang “bay ở nửa chừng”. Việc mở rộng tài chính trong ngắn hạn đang diễn ra. Tuy nhiên, nửa sau là xây dựng lại tài chính công trong trung hạn. Việc xây dựng lại tài chính công, có thể phải cắt giảm đáng kể hệ thống an sinh xã hội. Hệ thống an sinh xã hội hiện nay tại Nhật Bản cho phép lương hưu được chi trả từ tuổi 65 ngay cả đối với người có thu nhập cao và tuổi thọ trung bình trên 80 tuổi. Việc tái thiết ngân sách đòi hỏi phải xem xét lại và đây thực sự là một quá trình rất khó khăn cũng như cần tới sự thấu hiểu của người dân.

Nếu như mũi tên đầu tiên và mũi tên thứ hai là những vấn đề về nhu cầu của nền kinh tế (về phía sử dụng tiền, thuộc bên cầu), thì mũi tên thứ ba liên quan đến chiến lược phát triển, thay đổi cấu trúc các ngành nghề công, nông nghiệp… bằng cách thay đổi luật áp dụng đối với các công ty (nghĩa là vấn đề của bên cung). Quá trình quyết định chính sách của hai bên cung và cầu là tương đối khác nhau. Chính sách tiền tệ có thể tạo ra những thay đổi rất lớn bằng cách ra các quyết định ngắn gọn, chẳng hạn như tại các cuộc họp. Còn đối với một chiến lược phát triển, việc ra quyết định là không hề đơn giản, đồng thời kết quả cũng không thể kỳ vọng sẽ nhanh chóng đạt được chỉ trong một sớm một chiều.

Thứ tư, lý thuyết mà Abenomics đưa ra về cơ bản là thông qua việc nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ giải quyết tình trạng giảm phát, đẩy mạnh chi tiêu công của chính phủ và thực hiện các cải cách cơ cấu cần thiết như thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và chú trọng tự do thương mại để phục hồi nền kinh tế. Trên thực tế, những thành tựu của chiến lược “ba mũi tên” của Thủ tướng Abe 5 năm qua đã mang lại nhiều kỳ vọng vào “sự hồi sinh” của nền kinh tế Nhật Bản.
Từ sự thành công ở trong nước với Abenomics, Thủ tướng Abe có thể sẽ tiếp tục thành công hơn nữa trong việc nâng cao vị thế của Nhật Bản trong khu vực và toàn cầu. Những thành tựu của chính sách táo bạo Abenomics cũng như sự phục hồi vững vàng của nền kinh tế Nhật Bản thực sự mang ý nghĩa rất lớn đối với các nước châu Á, khi nước này luôn là một đối tác thương mại và đầu tư quan trọng trong khu vực.  

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Quý Long, “Cải cách Abenomics ở Nhật Bản”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 10/2017;

2. Viện Nghiên cứu Mizuho, truy cập 21/12/2017 (https://www.mizuho ri.co.jp/publication/research/pdf/urgency/report171221.pdf - truy cập 25/2/2018);

3. http://biz-journal.jp/2018/02/post_22180.html, truy cập 21/2/2018;

4. Văn phòng Nội các Nhật Bản, Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản và Nội các (Truy cập 21/2/2018 - http://www5.cao.go.jp/keizai shimon/kaigi/minutes/2017/0125/sankou_02.pdf; https://www.kantei.go.jp/jp/headline/pdf/seicho_senryaku/seichosenryaku2017_1.pdf;

5. International Monetary Fund, “How to Reload Abenomics”, August 2, 2016 (http://www.imf.org/en/news/articles/2016/08/02/13/00/na080216-how-to-reload-abenomics - truy cập 20/2/2018).