Sản xuất tại nhiều nền kinh tế châu Á hồi phục mạnh
Chi phí hàng hóa nguyên liệu tăng, tình trạng thiếu nguyên liệu và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại khiến cho triển vọng kinh tế của nhóm các nền kinh tế này đương đầu với rất nhiều thách thức.
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở châu Á tăng tốc trong tháng 10 khi mà tình hình đại dịch COVID-19 hạ nhiệt tại nhiều nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên chi phí hàng hóa nguyên liệu tăng, tình trạng thiếu nguyên liệu và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại khiến cho triển vọng kinh tế của nhóm các nền kinh tế này đương đầu với rất nhiều thách thức, kết quả các cuộc khảo sát mới đây cho hay, theo Reuters đưa tin.
Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đương đầu với nhiều áp lực trên các mặt trận khi họ cố gắng đưa nền kinh tế ra khỏi đại dịch COVID-19, cùng lúc đó cố gắng kiểm soát giá cả trong bối cảnh tình hình giá hàng hóa thế giới tăng cao và phụ tùng thiếu hụt.
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc tháng 10 tăng trưởng mạnh nhất trong 4 tháng, theo kết quả chỉ số PMI Caixin/Markit. Số lượng ca nhiễm COVID-19 mới giảm đi khiến cho nhu cầu nội địa tăng lên.
Tuy nhiên, một chỉ số khác cho thấy sản lượng của ngành sản xuất giảm đến tháng thứ 3 liên tiếp do tình trạng thiếu điện và chi phí tăng cao.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Caixin Insight Group, ông Wang She, nói: “Tình trạng thiếu hàng hóa nguyên liệu, chi phí hàng hóa tăng cao kết hợp với các vấn đề về nguồn cung tạo ra nhiều hạn chế cho các nhà sản xuất và gây gián đoạn chuỗi cung ứng”.
Hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam, Indonesia hay Malaysia trong tháng 10 cũng tăng trưởng mạnh, hoạt động dần bình thường hóa trở lại sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định phong tỏa thời kỳ đại dịch COVID-19.
Hoạt động sản xuất tại Đài Loan tăng trưởng mạnh khi nhu cầu chip tăng cao, cùng lúc đó hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Nhật tăng trưởng mạnh nhất trong 6 tháng, đây có thể coi như dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Sản xuất tại Ấn Độ tháng 10 tăng trưởng mạnh nhất trong 8 tháng khi mà tình hình kinh tế tại Ấn Độ phục hồi.
Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành sản xuất và kinh tế không giống nhau tại các khu vực của châu Á. Sản xuất của Hàn Quốc tháng 10 tăng trưởng chậm nhất trong 13 tháng bởi sản lượng kinh tế giảm và nhu cầu đi xuống.
Tình trạng thiếu nguyên liệu và gián đoạn sản xuất đã đẩy giá đầu vào của các nhà máy tại Nhật tăng mạnh nhất trong 13 năm.
Chuyên gia kinh tế mới nổi châu Á tại Capital Economics, ông Alex Holmes, nói: “Dù rằng chỉ số PMI tháng 10 cho thấy sản xuất phục hồi, các ngành công nghiệp sẽ phải chật vật giải quyết các đơn hàng tồn nhiều tháng và tình trạng thiếu nguồn cung ứng dự kiến sẽ vẫn tiếp diễn”.
Chỉ số PMI của Nhật tháng 10 tăng lên mức 53,2 điểm từ mức 51,5 điểm của tháng trước đó và như vậy ghi nhận tháng tăng thứ 9 liên tiếp.
Chỉ số PMI của Hàn Quốc tháng 10 giảm xuống 50,2 điểm từ mức 52,4 điểm của tháng trước đó và như vậy ghi nhận tháng tăng thứ 9 liên tiếp.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á đang tụt lại so với các nền kinh tế phát triển trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19 bởi quá trình tiêm vắc xin COVID-19 diễn ra chậm chạp, biến chủng delta gây tổn hại nặng nề đến tiêu dùng và sản xuất các nhà máy.