Nhiều chuỗi bán lẻ lớn của Mỹ thiếu hàng bán vì chuỗi cung ứng trục trặc

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Theo Wall Street Journal, các doanh nghiệp bán lẻ đang chuẩn bị sẵn sàng cho tình trạng thiếu hụt hàng hóa thực phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng kéo dài nhiều tuần.

Ảnh: MarketWatch
Ảnh: MarketWatch

Các chuỗi kinh doanh hàng hóa trên khắp nước Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hàng hóa, tăng cường tích trữ và hạn chế các chương trình giảm giá nhằm đảm bảo không hết hàng.

Theo Wall Street Journal, các doanh nghiệp bán lẻ đang chuẩn bị sẵn sàng cho tình trạng thiếu hụt hàng hóa thực phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng kéo dài nhiều tuần. Dù rằng nguồn cung thực phẩm nói chung vẫn còn nhiều, nhưng cùng lúc nhiều sản phẩm phổ biến đang thiếu hụt vì như Nutella, sốt pasta của Prego hay khoai tây chiên của Pringles.

Đại diện của hãng Ferrero U.S.A – nhà sản xuất sản phẩm Nutella hay Kellogg Co – nhà sản xuất sản phẩm Pringles cho hay nhu cầu của thị trường với sản phẩm của họ đang tăng rất cao. Còn theo đại diện của Kraft Heinz, số lượng đơn đặt hàng sản phẩm đang cao hơn kỳ vọng và hãng buộc phải tăng đầu tư để mở rộng sản xuất.

Một số hãng sản phẩm thực phẩm đóng hộp, chật vật với tình trạng thiếu nhân lực, thiếu hàng hóa nguyên liệu, đang đương đầu với nhiều hạn chế trong hoạt động vận chuyển hàng. Các hãng bán lẻ thực phẩm trong khi đó đang phải chi tiêu nhiều để tìm kiếm đối tác, quản lý hệ thống vận tải đồng thời tìm nguồn tay thế cho các loại hàng hóa đã hết.

Nhiều hãng bán lẻ thực phẩm mua thêm hàng bất cứ khi nào họ có thể, họ đặt hàng sớm hơn thường lệ và cử đội xe tải riêng đến tận nhà máy sản xuất nhằm đẩy nhanh quá trình vận chuyển.

Không ít hãng bán lẻ đang rút bớt các chương trình giảm giá nhằm giảm nhu cầu. Nhiều hãng bán lẻ khác đang mở rộng nhà kho cũ hoặc mở thêm các nhà kho mới. Dù rằng một số nhà điều hành doanh nghiệp cho biết rằng tuy họ biết việc dự trữ hàng hóa sẽ chỉ khiến cho tình trạng khan hiểm trở nên tệ hại hơn, nhiều doanh nghiệp vẫn buộc phải làm vậy bởi lo sợ thiếu hàng. Nhiều nhà cung cấp đang chậm đơn hàng của các siêu thị, hoặc hàng bán ra thiếu chủng loại, thương hiệu, màu sắc.

Giám đốc điều hành tập đoàn Good Food Holdings LLC sở hữu nhiều chuỗi bán lẻ tại Mỹ, ông Neil Stern, nói: “Bạn sẽ không còn muốn khuyến mại khi mà bản thân chính bạn còn không có đủ hàng để bán”. Người tiêu dùng thường dễ dàng chuyển sang các sản phẩm thay thế khác ngay khi không có các chương trình khuyến mại, ông Stern nói.

Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lây lan tại Mỹ vào đầu năm 2020, các chuỗi kinh doanh thực phẩm ở Mỹ chật vật với tình trạng nhu cầu với hàng hóa nhu yếu phẩm từ sản phẩm nướng cho đến giấy vệ sinh tăng lên mức rất cao. Ngoài ra, khi mà các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ trong năm nay, kinh tế Mỹ hồi phục, các nhà sản xuất thực phẩm đã không thể tìm kiếm đủ người lao động phục vụ cho hoạt động của họ, ví như họ không có nhân viên vận chuyển, giao hàng hoặc kho bãi.

Hãng thực phẩm Kroger của Mỹ đang mở rộng kho bãi để chứa khoảng hơn 70 loại hàng hóa nhu yếu phẩm để bán hàng dần. Nhằm giảm tác động từ tình trạng trì hoãn trong hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế, Kroger hiện nhận đơn hàng trực tiếp thông qua các cảng, đồng thời thuê thêm các đối tác vận chuyển để đẩy nhanh hoạt động giao hàng.

Kroger đồng thời sử dụng hoạt động phân tích dữ liệu nhằm ngay lập tức đưa ra nhà cung cấp thay thế khi mà khả năng cung cấp của một nhà cung cấp này đã đạt giới hạn. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác cho hay người tiêu dùng cũng đang dần chấp nhận tình trạng thiếu hàng và mua thêm nhiều sản phẩm và thương hiệu khác.