Tham nhũng, chuyện không của riêng ai

Theo CafeF

Hai phần năm số doanh nhân trên thế giới từng đưa hối lộ. Một nửa trong số đó cho rằng tham nhũng đội chi phí dự án lên ít nhất 10%.

Cứ năm doanh nhân lại có một người mất thương vụ vì tiền hối lộ từ phía đối thủ cạnh tranh. Hơn một phần ba cảm thấy tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn.

Ước đoán quan chức và chính trị gia các nền kinh tế mới nổi nhận hối lộ từ 20 đến 40 tỷ đô la mỗi năm, tương đương với 20-40% viện trợ chính thức. Mặc dù một số người nghi ngờ nghiên cứu này nhưng những số liệu của nó không hề phóng đại.

Chúng xuất phát từ báo cáo tham nhũng toàn cầu mới đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), một tổ chức phi chính phủ được nhiều doanh nhân nổi tiếng ủng hộ và nhận tài trợ từ công ty kiểm toán Ernst & Young. Quan điểm của tổ chức này còn chịu nhiều điều tiếng, nhưng cũng không đến nỗi hoàn toàn bác bỏ.

Có lẽ đa phần người đọc đều muốn biết làm thế nào để tính toán mức độ tham nhũng hay chống tham nhũng ở nước mình.

TI đưa ra chỉ số nhận thức tham nhũng trong đó 180 quốc gia được xếp hạng theo “mức độ doanh nhân và các nhà phân tích nhận thức về sự tồn tại của tham nhũng trong số công chức và chính trị gia”.

Quốc gia có điểm số cao nhất tham nhũng ít nhất. Không mấy bất ngờ khi Đan Mạch, New Zealand và Thụy Điển dẫn đầu (9,3 điểm), theo sát nút là Singapore. Tiếp đó là Áo (8,1 điểm), Đức (7,9 điểm). Anh và Ireland xếp thứ 16 với 7,7 điểm. Mỹ xếp thứ 18 với 7,3 điểm, Pháp xếp thứ 23.

Cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy Somalia, Myanmar, Iraq, Afghanistan và Congo nằm trong tốp 10 nước đứng cuối. Thu nhập thấp và tham nhũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Tuy vậy cũng có vài ngoại lệ, Bhutan, Botswana và Jordan là các quốc gia có thu nhập thấp nhưng hầu như không có tham nhũng.

Thú vị hơn, Tổ chức Minh bạch Quốc tế còn đưa ra “Chỉ số hối lộ” xếp hạng 22 quốc gia giàu ảnh hưởng kinh tế nhất theo nhận thức về khả năng công ty nước họ đưa hối lộ ở nước ngoài.

Dẫn đầu chỉ số này, đáng buồn nhưng cũng có thể tiên liệu trước là những cái tên như Nga, Trung Quốc, Mexico và Ấn Độ. 11 nước công nghiệp lớn đều xấp xỉ nhau ở mức rất thấp và Bỉ có vẻ đưa hối lộ ít hơn so với các nước khác.

Một điều khó hiểu là Mỹ không được xếp hạng cao. Một chuyên gia trong lĩnh vực này xem luật chống tham nhũng của Mỹ là “tiêu chuẩn vàng” và nhìn chung phân tích của TI cũng ủng hộ nhận định này.

Đạo luật những hành vi tham nhũng tại ngoại quốc năm 1977 là “lệnh cấm toàn diện đầu tiên của một quốc gia chống lại việc đưa hối lộ chính phủ nước ngoài vì mục đích thương mại”. Việc thực thi đạo luật này những năm gần đây ngày càng nghiêm ngặt hơn.

Khoảng 46 quan chức cao cấp đã bị buộc tội trong thập kỷ vừa qua, phần lớn là trong ba năm trở lại đây. Các bị cáo hầu hết đều nhận các bản án khá nặng.

Trong một nền kinh tế vừa lớn vừa phức tạp như Mỹ, một số vụ hối lộ vẫn có thể lọt lưới. Phải sau một thời gian quốc tế mới công nhận những nỗ lực chống tham nhũng mới đây của chính quyền Mỹ.

Hơn nữa, chỉ số tham nhũng dựa trên nhận thức của công chúng; và một cái nhìn “gồ ghề” về giới doanh nghiệp Mỹ và thậm chí cả cảm giác bất mãn với chính quyền Bush đều có thể ảnh hưởng tới điểm số xếp hạng.

Đáng buồn là với trường hợp của nước Anh. Báo cáo của TI xác nhận ấn tượng rộng rãi về mức độ tham nhũng cao trong ngành xây dựng.

Kể từ Hiệp định chống hối lộ của OECD có hiệu lực năm 1999 cho đến cuối năm 2008, Mỹ đã đưa ra tòa 103 vụ, Đức hơn 40 vụ, Pháp 19 vụ còn Anh chỉ mới 1 vụ.

Điểm số của nước Anh bị ảnh hưởng nặng nề sau khi vụ điều tra nghi án hối lộ của BAE Systems để giành hợp đồng bán vũ khí cho Arập Saudi bị bãi bỏ do Thủ tướng Tony Blair đích thân can thiệp.