Lương thưởng nhân viên ngân hàng đầu tư: Luật số nhỏ

Theo cafef.vn

(Tài chính) Lương thưởng của các ngân hàng đầu tư đang dần giảm xuống, nhưng không phải vì những giới hạn mà các chính trị gia đặt ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
“Ngoan hay hư” không phải là đoạn đối thoại giữa các nhân viên ngân hàng đầu tư với ông già Noel trước mùa Giáng sinh. Đó là cuộc trò chuyện giữa các nhân viên ngân hàng và ông chủ của họ khi năm mới sang. Cuộc tranh cãi thường bắt đầu bằng việc sếp nói rằng năm qua là một năm khó khăn. Nhân viên – thường là những nhà giao dịch giàu kinh nghiệm – thì nói về những giá trị mà họ đã đem lại. 

Năm nay, không giống như thường lệ, công cuộc ngã giá không còn căng thẳng. Ngoài việc châu Âu vừa ban hành đạo luật áp trần cho các khoản tiền thưởng, vấn đề nằm ở hoạt động của các ngân hàng.
Sau khi lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2010, nhân sự trong ngành ngân hàng đầu tư đã giảm đi đáng kể. Deutsche Bank thừa nhận rằng số nhân viên được tuyển dụng vào 10 ngân hàng lớn nhất sẽ giảm khoảng 3.000 người trong năm 2014 – tức là thấp hơn 20% so với thời kỳ đỉnh điểm. Thêm vào đó, với việc các ngân hàng nhỏ hơn mạnh tay sa thải và đội ngũ hỗ trợ giảm mạnh, tổng số nhân viên trong ngành này có thể giảm 20.000 người trong năm 2014.

Lương thưởng nhân viên ngân hàng đầu tư: Luật số nhỏ (1)
Đi kèm với đó là lương thưởng sụt giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2013, mức lương trung bình tại Goldman Sachs và JPMorgan Chase giảm khoảng 5%. Nhìn vào biểu đồ bên cạnh, bạn có thể dễ dàng nhận thấy lương thưởng đã sụt giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh cao 2009, 2010. Trong khi đó, những người trong ngành cho rằng tốc độ cắt giảm lương sẽ tăng lên.

Lý do lớn nhất dẫn đến điều này là ngành ngân hàng đầu tư đang đối mặt với đợt suy giảm có tính chất cấu trúc sau nhiều thập kỷ ghi nhận doanh thu tăng trưởng. Các nhà quản lý ở Mỹ đã cấm ngân hàng đầu tư giao dịch tự doanh chứng khoán. Các tiêu chuẩn cao hơn về vốn cũng được áp dụng ở khắp nơi, buộc ngân hàng đầu tư phải thu hẹp bảng cân đối kế toán. Giao dịch chứng khoán phái sinh – vốn đem lại nhiều lợi nhuận nhờ thu phí – giờ đây phải được thực hiện trên sàn và qua các trung tâm thanh toán. 

Mặc dù vẫn chưa có con số cuối cùng, theo ước tính của hãng số liệu Coalition, doanh thu của các ngân hàng đầu tư lớn nhất sẽ giảm khoảng 5% trong năm 2013. Điều này có nghĩa là thấp hơn khoảng 25% so với mức đỉnh được lập năm 2009. 

Trên thực tế, doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng đã giảm mạnh hơn so với mức lương và số nhân viên. Hãng tư vấn McKinsey tính toán doanh thu của 13 ngân hàng đầu tư lớn nhất giảm 10% mỗi năm kể từ 2009 tới nay, trong khi chi phí chỉ được cắt giảm 1% mỗi năm. Lý do chính là những người trong ngành đã lạc quan thái quá. Hầu hết các ngân hàng lớn vẫn mạnh tay tuyển dụng sau khi khủng hoảng tài chính xảy ra với hi vọng sẽ có được thị phần lớn hơn trong khi các đối thủ cắt giảm. 

Một lý do khác là các ngân hàng khó có thể cắt giảm mà không dẫn đến đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh. Bộ phận giao dịch có chi phí cố định quá lớn (như hệ thống máy tính, các phòng ban) và do đó cũng khó cắt giảm. Chỉ đơn giản giảm số nhân viên thường dẫn đến kịch bản doanh thu giảm nhanh hơn chi phí. 

Không thể cắt giảm chi phí kịp thời đồng nghĩa với lợi nhuận sụt giảm. Trung bình, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng đầu tư lớn nhất đã giảm xuống mức khoảng 8% trong năm 2013. Nếu không cắt giảm mạnh chi phí, đến năm 2019, chỉ số này thậm chí còn giảm xuống 4%. 

Triển vọng u ám buộc ngân hàng phải sa thải nhiều nhân viên hơn, đặc biệt là các ngân hàng châu Âu như UBS, Credit Suisse và RBS. Ví dụ, UBS đã quyết định sẽ giảm khoảng 10.000 nhân viên và cắt bỏ hoàn toàn bộ phận giao dịch nợ.

Ngân hàng lách luật

Tuy nhiên, vẫn có cửa để lương tăng lên. Với đạo luật mới có hiệu lực từ 1/1 ở châu Âu, hàng nghìn lãnh đạo chủ chốt sẽ không còn được nhận mức thưởng cao chót vót (thậm chí cao hơn lương của cả năm). Dẫu vậy, các ngân hàng đã tìm ra những lỗ hổng để lách luật.

Cách đầu tiên là chia vào lương cơ bản, đồng thời giảm phần thưởng. Điều này trái ngược hoàn toàn với những nỗ lực của các nhà quản lý nhằm gắn lương với kết quả công việc. Ví dụ, ở Anh, người được trả lương cao nhất cũng nhận được khoản thưởng gấp 3,8 lần lương trong năm 2012. 

Các ngân hàng lớn nhất cũng đã ký vào công ước quốc tế mà theo đó 60% tổng thu nhập nên được hoãn lại (chứ không phải một phần của lương cơ bản). Tuy nhiên, quy ước này có thể bị đảo ngược ở châu Âu nếu lương cơ bản tăng và thưởng giảm xuống.

Cách thứ hai - và cũng đang được các ngân hàng quốc tế áp dụng – là có thể đưa ra mức thưởng cao gấp đôi bình thường nếu như được các cổ đông thông qua. Bởi vì nhiều ngân hàng có cấu trúc là chi nhánh (tức chỉ có cổ đông là ngân hàng mẹ), họ dễ dàng đạt được điều kiện này. 

Ngân hàng cũng có thể trả thêm “trợ cấp” tiền mặt hàng tháng hoặc cấp những khoản vay mà nhân viên chỉ phải hoàn trả nếu rời đi trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ có hiệu quả hạn chế.