Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu 2022

Theo Cẩm Anh/diendandoanhnghiep.vn

Bước sang năm 2022, thế giới có nhiều cơ hội để phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn khi các quốc gia đã có nhiều công cụ để đối phó với dịch bệnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đánh giá từ các chuyên gia của Tổ chức OECD, với việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine và dần dần hoạt động kinh tế đang được nối lại, dự báo mức tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ đạt 4,5% vào năm 2022.

Khi Omicron lây lan nhanh như sóng thần, nhiều nước quyết định nới quy định cách ly nhằm giảm áp lực với hệ thống y tế và nền kinh tế. Chính phủ các nước cũng giải thích rằng đây là phản ứng thiết thực trước loại virus luôn biến đổi, cảnh báo hệ thống bệnh viện, trường học và nhiều cơ sở kinh doanh có thể sụp đổ nếu không nới lỏng quy định cách ly.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm phòng Covid-19 cho khoảng 60% dân số và đang tiến tới mục tiêu 70% dân số toàn cầu được tiêm phòng vào tháng 6 tới. Giới chuyên gia hy vọng điều này góp phần giúp năm 2022 khởi đầu cho một giai đoạn mới ít người tử vong hơn và tạo điều kiện để các quốc gia có thể mở cửa dần trở lại khi hộ chiếu vaccine được áp dụng rộng rĩa.

Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho rằng: “Năm 2022, giai đoạn cấp bách của đại dịch với thảm kịch về số người nhập viện và tử vong có thể sẽ kết thúc. Virus SARS-CoV-2 rất khó biến mất hoàn toàn nhưng sẽ lắng xuống với sự lây lan ở mức độ thấp và chỉ thỉnh thoảng gây ra các đợt bùng phát ở những nhóm người chưa được tiêm chủng”.

Mặt khác, việc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, Nhật Bản và các quốc gia thành viên hy vọng có thể hồi sinh nền kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thông qua việc thúc đẩy thương mại tự do trong khối.

Khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Đặc biệt, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, RCEP sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.

Mặc dù vậy, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cảnh báo rằng để duy trì sự phục hồi đúng hướng, cần thúc đẩy những nỗ lực quốc tế mạnh mẽ hơn để cung cấp cho các nước thu nhập thấp các nguồn lực để thúc đẩy tiêm chủng cho dân số của họ, vì lợi ích của chính họ và toàn cầu.

Bên cạnh đó, chuyên gia này khuyến nghị, các chính sách kinh tế vĩ mô vẫn cần được hỗ trợ trong điều kiện triển vọng phục hồi còn chưa chắc chắn và việc làm vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần có hướng dẫn rõ ràng để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

“Thế giới đang dần bước vào sự phục hồi mạnh mẽ nhờ hành động quyết liệt của các chính phủ và các ngân hàng trung ương vào thời điểm cao điểm của cuộc khủng hoảng. Nhưng như chúng ta đã thấy, tiến độ phân phối vaccine đang diễn ra không đồng đều trên toàn cầu. Việc đảm bảo sự phục hồi được duy trì đòi hỏi phải có hành động trên nhiều mặt - từ các chương trình tiêm chủng hiệu quả ở tất cả các quốc gia đến các chiến lược đầu tư công có phối hợp để xây dựng cho tương lai”, Tổng thư ký OECD nhấn mạnh.

Trên thực tế, các chính sách đã hiệu quả trong việc ngăn chặn cú sốc và đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ; việc lập kế hoạch tài chính công hiệu quả hơn, chuyển sang đầu tư vào vốn vật chất và con người là cần thiết và sẽ giúp chính sách tiền tệ bình thường hóa một khi sự phục hồi được thiết lập vững chắc. Khi tất cả đều an toàn, chắc chắn năm 2022 sẽ là năm đánh dấu sự kết thúc của đại dịch COVID-19.