WB: Cần hỗ trợ chính sách tài khóa, thúc đẩy cầu để phục hồi kinh tế

Theo Thu Phương/congthuong.vn

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện và Chính phủ cần phải có các hỗ trợ về chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân và giúp nền kinh tế trong nước phục hồi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện

Theo báo cáo "Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2021" của WB, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 5,5% so với tháng trước.

WB nhận định, điều này chứng tỏ kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tốt. Kết quả này, một phần nhờ các hoạt động kinh tế được khôi phục ở các tỉnh thành phía Nam, bao gồm cả ở thành phố Hồ Chí Minh. Các ngành hàng năng động nhất là sản xuất, chế biến thực phẩm, thuốc lá, dệt may, sản phẩm cao su và plastic, và kim loại, với tốc độ tăng trưởng hai con số (so với cùng kỳ năm trước). Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cũng tăng trưởng tốt ở mức 8,5% (so cùng kỳ năm trước). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt mức 52,2, tương đương với tháng 10 và cao hơn ngưỡng trung tính 50,0, cho thấy tiếp tục có sự cải thiện về tình hình kinh tế.

Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, WB cũng ghi nhận đã có sự cải thiện, nhưng chưa phục hồi hoàn toàn về mức của tháng 11/2020. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% so với tháng trước, nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi. Mặc dù vậy, chỉ số này vẫn thấp hơn 12,2% so với mức ghi nhận vào tháng 11/2020.

Đối với xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao kỷ lục ở mức 31,9 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại. Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất siêu 1,46 tỷ USD. Xuất khẩu đạt kết quả vững chắc có thể do các hoạt động chế biến, chế tạo được khôi phục, nhất là ở các ngành hàng công nghệ cao. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử và máy móc chiếm đến trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng 19,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 11 (đạt 13,3 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cũng phục hồi mạnh mẽ (tăng 24,9% so cùng kỳ năm trước), trong khi kim ngạch xuất khẩu giày da và sản phẩm gỗ giảm tháng thứ 4 liên tiếp.

Cũng trong báo cáo, WB nhận định, số doanh nghiệp gia nhập ròng tăng mạnh khi các hoạt động kinh tế và dịch vụ hành chính được khôi phục sau giãn cách. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn được giữ vững, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo

Sống chung với Covid-19, Việt Nam cần thận trọng và hành động nhanh chóng

WB khuyến cáo, Việt Nam cần chú ý tới chính sách sống chung với COVID đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải tiếp tục thận trọng và hành động nhanh chóng. Mặc dù tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm đang theo xu hướng giảm, nhưng số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin, các biện pháp thận trọng về giãn cách xã hội, xét nghiệm và cách ly y tế vẫn có vai trò quan trọng để tránh dẫn đến một làn sóng lây nhiễm mới, ảnh hưởng đến sinh mạng và buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.

Về chính sách tài khóa, trong thời gian tới, WB cho rằng, Việt Nam cần hỗ trợ thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng. “Hướng đi cần thiết để phục vụ mục tiêu này là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng.Với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn được ghi nhận trong thực hiện chi ngân sách năm 2021, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân. Cần tiếp tục theo dõi sát khu vực tài chính”- báo cáo của WB chỉ rõ.