Trung Quốc bơm 460 tỷ NDT để trấn an thị trường trước lo ngại về “bom nợ” Evergrande

Theo Hải Yến/thitruongtaichinhtiente.vn

Hôm nay, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách tránh hiệu ứng lây lan trong thị trường nội địa bắt nguồn từ “bom nợ” Evergrande.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm ròng 460 tỷ Nhân dân tệ (71 tỷ USD) tiền mặt ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng trong 5 ngày vừa qua, bao gồm 70 tỷ Nhân dân tệ vào ngày hôm nay (thứ Sáu). Điều đó giúp đảm bảo thanh khoản trong cuộc khủng hoảng Evergrande, cũng như đáp ứng nhu cầu thêm tiền trước kỳ nghỉ kéo dài một tuần của Trung Quốc vào đầu tháng 10. Chi phí vay qua đêm giảm xuống 1,68%, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7, giảm so với mức 2,28% của tuần trước.

Các động thái này giúp xoa dịu thị trường tài chính của Trung Quốc sau khi những lo ngại lớn về Evergrande đã gây ra một đợt bán tháo toàn cầu vào đầu tuần này. Chỉ số chuẩn sàn chứng khoán Thượng Hải tăng 0,3% trong tuần này, sau mức giảm 2,4% trong tuần trước. Việc bơm tiền mặt này cũng trái ngược với cách tiếp cận bế tắc của chính quyền trung ương đối với số phận của nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn này.

Đánh giá về động thái này của PBOC, ông Winson Phoon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại Maybank Kim Eng Securities Pte Ltd. ở Singapore, cho rằng: “Sự ổn định của nguồn vốn liên ngân hàng là chìa khóa để đảm bảo hệ thống tài chính của thị trường vẫn còn nguyên vẹn. “Điều này đặc biệt quan trọng khi nhu cầu về tiền mặt ngày càng tăng do có sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa sự kiện cuối quý và Evergrande.”

Các nhà chức trách có xu hướng nới lỏng thanh khoản vào cuối quý do nhu cầu tiền mặt từ các ngân hàng tăng lên để kiểm tra theo quy định. Và các hoạt động của PBOC trong vài ngày qua cũng không đi chệch khỏi mô hình bơm thanh khoản trước đây khi nhu cầu vốn theo mùa cao.

Trong khi bằng chứng về sự lây lan có thể được giấu nhẹm trong nước, nhưng mức lo ngại vẫn ở mức cao. Ít nhất 7 ngân hàng Trung Quốc đã trấn an các nhà đầu tư về rủi ro từ cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc tại Evergrande, thông báo họ có đủ tài sản thế chấp cho các khoản vay và rủi ro có thể kiểm soát được. Trong khi đó, việc Evergrande không có bất kỳ thông báo nào liên quan đến khoản thanh toán lãi trị giá 83,5 triệu đô la cho các trái phiếu phát hành đến hạn vào thứ Năm làm tăng thêm sự không chắc chắn xung quanh cuộc khủng hoảng của nhà phát triển bất động sản này.

Theo ông Phoon, PBOC có thể làm nhiều hơn nếu cần. “Ngoài bơm thanh khoản, PBOC cũng có thể điều chỉnh thời hạn thanh khoản và loại công cụ bằng cách cung cấp thanh khoản dài hạn hơn, nếu cần,” Ông này cho rằng điều này giúp thị trường neo giữ niềm tin rằng thanh khoản không chỉ có sẵn nếu cần mà vẫn sẵn sàng miễn là có nhu cầu.

Các cơ quan quản lý tài chính ở Bắc Kinh đã khuyến khích Evergrande thực hiện tất cả các biện pháp có thể để tránh vỡ nợ trong thời gian gần đối với trái phiếu phát hành bằng đồng USD trong khi vẫn tập trung vào việc hoàn thành để bàn giao các bất động sản và trả nợ cho các nhà đầu tư cá nhân.

Evergrande là tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ hai về doanh thu của Trung Quốc. Thành lập năm 1996, công ty đã phát triển nhanh chóng và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) vào năm 2009. Tập đoàn được xếp thứ 122 trong danh sách 500 công ty, tập đoàn lớn nhất thế giới tính theo doanh thu  theo bảng xếp hạng Fortune Global 500. Bên cạnh bất động sản, Evergrande còn có các hoạt động đầu tư vào  nhiều lĩnh vực như chế tạo xe điện, du lịch, nước đóng chai, bảo hiểm, y tế, Internet… và thậm chí còn sở hữu cả 1 trong những CLB bóng đá lớn nhất Trung Quốc – CLB Bóng đá Quảng Châu. Hiện, Evergrande sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố trên toàn Trung Quốc. 

Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những công ty lớn nhất Trung Quốc, Evergrande đã vay hơn 300 tỷ USD. 

Năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa ra các quy định mới để kiểm soát số tiền nợ của các nhà phát triển bất động sản lớn.

Các biện pháp mới này đã khiến Evergrande phải cung cấp các bất động sản do mình xây dựng với mức chiết khấu lớn để đảm bảo dòng tiền nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

Giờ đây, nhà phát triển bất động sản này  phải vật lộn để trả lãi cho các khoản nợ của mình. Công ty hiện đã đạt được thỏa thuận thanh toán lãi 35,9 triệu USD cho một loại trái phiếu trong nước nhưng vẫn còn nợ một khoản thanh toán khác trị giá 83,5 triệu USD đối với một loại trái phiếu phát hành bằng đồng USD.

Sự sụp đổ tồi tệ tại Evergrande có thể phá nát một thị trường bất động sản chiếm 40% tài sản hộ gia đình Trung Quốc. Bên cạnh đó là sự lo ngại về rủi ro hệ thống cho hệ thống tài chính của Trung Quốc bởi Evergrande được cho là đang nợ khoảng 171 ngân hàng trong nước và 121 công ty tài chính.