Trung Quốc cảnh báo bất ổn từ đại dịch đeo bám phục hồi kinh tế

Theo Kim Ngân/nhdautu.vn

Kinh tế Trung Quốc quý 2 tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng những dấu hiệu kinh tế “lờ đờ” hiện nay dấy lên kỳ vọng sẽ có hỗ trợ chính sách lớn hơn.

 Bán hàng trên phố ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc, ngày 18/6/2020. Ảnh: Getty Images
Bán hàng trên phố ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc, ngày 18/6/2020. Ảnh: Getty Images

GDP quý 2 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 1,3% so với quý 1 và cao hơn mức tăng trưởng 0,4% của quý 1 so với quý trước, Cục Thống kê Quốc gia cho biết hôm thứ Năm.

Các nhà kinh tế trước đó dự báo tăng trưởng quý 2 từ 1% đến 1,2%, theo các cuộc thăm dò của Bloomberg và Reuters.

GDP quý 2 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Quý 1, GDP tăng 18,3% so với quý 1/2020. Tăng trưởng cao trong quý 1 phản ánh sự đình trệ trong hoạt động kinh tế đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở miền trung Trung Quốc và buộc chính phủ phong tỏa toàn quốc.

Các nhà hoạch định kinh tế của Trung Quốc đang ở thời điểm căng thẳng khi cố gắng cân bằng giữa ổn định tài chính và tăng trưởng, theo Financial Times.

Liu Aihua, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia, cho biết nền kinh tế tiếp tục “phục hồi ổn định” nhưng cảnh báo sự phục hồi “không cân bằng”. “Chúng ta cần biết rằng Corona có các biến thể mới và có rất nhiều bất ổn, bấp bênh bên ngoài.”

Các dấu hiệu cho thấy phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại làm dấy lên suy đoán rằng Bắc Kinh sẽ tung thêm hỗ trợ chính sách để củng cố niềm tin kinh doanh, việc làm và tăng chi tiêu.

Trái phiếu phát hành cho mục đích đặc biệt, được chính quyền địa phương sử dụng để tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm 50% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Wang Jun, nhà kinh tế tại Trung tâm Giao dịch Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết xu hướng này đáng lo ngại. “Chính sách tài khóa cần được nới lỏng. Việc phát hành nợ của chính quyền địa phương và đầu tư cơ sở hạ tầng có liên quan chặt chẽ với nhau.”

Từ thứ Năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho phép tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 0,5 điểm phần trăm đối với tất cả các ngân hàng, động thái được cho là báo hiệu kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý 2 và 3.

Các nhà kinh tế cho biết như vậy 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (154 tỷ USD) sẽ được bơm vào nền kinh tế, và mục đích chính là hỗ trợ thêm tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước đang chịu nhiều áp lực chi phí. Đây là lần cắt giảm đầu tiên trong vòng 15 tháng. 

Một số nhà kinh tế dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 5% đến 6% trong nửa cuối của năm nay, mặc dù so với nền thấp của năm ngoái khi đại dịch dẫn đến các đợt phong tỏa diện rộng, theo South China Morning Post.

Ren Zeping, nhà kinh tế trưởng của Soochow Securities, nói “cửa sổ” nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc đang mở ra trong bối cảnh động lực kinh tế yếu đi.