Tài chính vi mô trên thế giới và gợi ý phát triển tại Việt Nam
Tài chính vi mô đang ngày càng lớn mạnh và khẳng định được vai trò không thể thiếu trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sử dụng các phương pháp phân tích, so sánh và đánh giá thực trạng hoạt động tài chính vi mô thời gian qua, bài viết nghiên cứu về tổng quan hoạt động tài chính vi mô ở các quốc gia trên thế giới và khả năng phát triển ở Việt Nam. Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hoạt động tài chính vi mô và hoàn thiện hệ thống tài chính ở Việt Nam thời gian tới.
Hoạt động tài chính vi mô ở một số quốc gia trên thế giới hiện nay
Theo quan điểm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tài chính vi mô là việc cung cấp một phạm vi rộng các dịch vụ tài chính như tiền gửi, tài khoản tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm, chuyển tiền cho người nghèo hoặc các hộ gia đình có thu nhập thấp, cho những hoạt động kinh doanh cá thế hoặc doanh nghiệp rất nhỏ.
Theo Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Tín dụng vi mô tại Washington tháng 2/1997, “Tín dụng vi mô là việc cung cấp các khoản vay quy mô nhỏ đến đối tượng người nghèo, với mục đích giúp những người thụ hưởng thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh để tạo lợi nhuận, từ đó nâng cao chất lượng đời sống cho người vay vốn và gia đình của họ”.
Tài chính vi mô bao gồm các dịch vụ như: tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm. Những người nghèo có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm tài chính, nhưng không tiếp cận được các thể chế tài chính chính thức. Họ cần có nhiều loại công cụ tài chính để tích lũy tài sản, ổn định tiêu dùng cũng như tự bảo vệ, phòng ngừa trước rủi ro. Nói cách khác, tài chính vi mô là việc cấp cho các hộ gia đình rất nghèo các khoản vay nhỏ, gọi là tín dụng vi mô, nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô không chỉ cấp dịch vụ tài chính cho các đối tượng trên mà còn có thể mở rộng cho các đối tượng trên chuẩn nghèo, nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao hơn.
Trên thế giới hiện có nhiều tổ chức tài chính vi mô hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này.
Điển hình, có thể kể đến Tập đoàn Swayam Krishi Sangam (SKS) của Ấn Độ được thành lập năm 1998 nhằm cung cấp các sản phẩm tài chính vi mô thông qua một mô hình cho vay đối với nhóm phụ nữ nghèo vì mục đích lợi nhuận. SKS hoạt động theo mô hình tập đoàn trách nhiệm hữu phần (Joint Liability Group - JLG).
SKS hiện đang cung cấp các nhóm sản phẩm và dịch vụ tài chính cho các khách hàng như: Vay tạo thu nhập, các khoản cho vay trung hạn, hỗ trợ tặng, vay vàng, vay nhà ở, bảo hiểm nhân thọ. Hiện nay, SKS đã cung cấp 40 triệu USD tín dụng vi mô cho hơn 150.000 phụ nữ ở miền Nam Ấn Độ thông qua 45 chi nhánh và 500 nhân viên. Về nguồn vốn hoạt động, SKS huy động vốn từ các công ty khác nhau và các nhà tài trợ cá nhân để duy trì hoạt động. Vốn chủ sở hữu của SKS khoảng 75 triệu USD (tương đương 366 triệu rupee).
Tại Bangladesh, Ngân hàng Grameen được thành lập vào năm 1983 được coi là một ngân hàng riêng cho người nghèo, cung cấp các món vay không cần thế chấp. Nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Grameent từ các cổ đông là thành viên đóng góp. Khoảng 66% nguồn vốn là từ tiền gửi của các thành viên vay vốn. Khi vay, họ sẽ gửi tiết kiệm tự nguyện một số tiền nhỏ theo định kỳ trả nợ để bổ sung nguồn vốn cho ngân hàng.
Hiện Grameenbank đang cung cấp món vay cho 4,5 triệu người nghèo với số tiền rất nhỏ tương đương vài trăm USD, tuy nhiên tỷ lệ hoàn trả nợ vay lên đến 98%. Về cách thức cho vay, Ngân hàng Grameent cũng thành lập tổ vay vốn 5 người, là những bà con họ hàng thân thiết hoặc láng giềng. Hiện ở Bangladesh đã có hơn 6 ngàn chi nhánh trên 70 nghìn làng xã, lượng tiền lưu thông thường xuyên trong hệ thống đạt mức 500 triệu USD. Thống kê cho thấy, 96% khách hàng của ngân hàng này là phụ nữ. Mô hình này chứng minh rằng người nghèo có nhu cầu tài chính lớn và hoạt động bền vững dựa vào khách hàng nghèo có tính khả thi cao.
Ở Philippines, các loại hình cung cấp tài chính vi mô của nước này gồm ba tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô, bao gồm: (i) Ngân hàng Tiết kiệm và nông thôn,(ii) Các hợp tác xã cung cấp dịch vụ tiết kiệm và tín dụng và (iii) Các tổ chức phi chính phủ cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô. Trong đó, Ngân hàng Tiết kiệm và nông thôn đặt dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP).
Các hợp tác xã thuộc thẩm quyền quản lý của Cơ quan Hợp tác Phát triển (CDA). Các tổ chức tài chính vi mô phi chính phủ, với tư cách là tổ chức không nhận tiền gửi, không phải chịu bất kỳ quy định bảo đảm an toàn nào. Tuy nhiên, họ phải đăng ký và thông báo với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC) về việc tham gia vào tài chính vi mô cũng như cung cấp các dịch vụ liên quan. Hiện nay, 7 tổ chức tài chính vi mô lớn nhất Philippines đã thành lập Trung tâm thông tin tín dụng để các nhà cung cấp tài chính vi mô mở rộng các khoản vay cho doanh nhân vi mô thông qua hệ thống chia sẻ dữ liệu tài chính vi mô.
Campuchia cũng có những chính sách phát triển tài chính vi mô từ rất sớm. Từ đầu những năm 1990, thông qua các tổ chức phi chính phủ, các dự án tài chính vi mô hình thành nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân nông thôn với các hoạt động chính liên quan đến phục hồi chức năng xã hội, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nhân đạo khác và xóa đói giảm nghèo ở Campuchia.
Hiện nay, Campuchia có gần 40 tổ chức tài chính vi mô hoạt động dưới sự giám sát của Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC). NBC đã ban hành 2 bộ luật quan trọng để điều tiết và giám sát các tổ chức tài chính vi mô.
Một là, Luật Tổ chức và ứng xử của NBC (LNBC) ban hành năm 1996, cho phép Ngân hàng Nhà nước Campuchia cấp phép, thu hồi giấy phép, ban hành quy chế và giám sát các ngân hàng, các tổ chức tài chính và các cơ quan khác như kiểm toán và quyết toán bao gồm cả các tổ chức tài chính vi mô.
Hai là, Luật Ngân hàng và tổ chức tài chính (LBFI) ban hành năm 1999. Luật này nhằm xây dựng một hành lang pháp lý cho tổ chức tài chính vi mô cung cấp các dịch vụ tài chính và cho phép Ngân hàng Nhà nước Campuchia xây dựng và phát triển tài chính vi mô một cách hiệu quả.
Thực trạng các hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam
Trong những năm qua, tài chính vi mô được coi là một trong những biện pháp giảm nghèo quan trọng ở Việt Nam. Theo Nguyễn Kim Anh (2011), khoảng 72% dân số đang sống trong khu vực nông thôn, nơi có tới 94% người nghèo đang sinh sống, và nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt với sự tham gia của 54% lực lượng lao động trên cả nước.
Nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo rất lớn và việc cung ứng tài chính vi mô cho hộ nghèo đã mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Chỉ riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến hết năm 2015, có gần 11.000 điểm giao dịch xã, huy động hơn 140.000 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đạt khoảng 134.000 tỷ đồng, tăng gần 19 lần so với thời điểm thành lập năm 2003.
Nhờ đó, đã có trên 25,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay trên 285.000 tỷ đồng, góp phần giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động, trong đó có trên 104.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Một tổ chức tín dụng khác cũng cung ứng tài chính vi mô là Agribank với hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước. Agribank đã cho vay với tổng số trên 3 triệu khách hàng vay vốn nhỏ và 5 triệu khách hàng gửi tiết kiệm vi mô.
Bên cạnh đó, Quỹ Tín dụng nhân dân với mạng lưới gồm 1.042 cơ sở hoạt động trên 10% xã, phường và phục vụ khoảng 1,7 triệu thành viên, trong đó khoảng 50% là các hộ nghèo. Ngoài ra, còn có 3 tổ chức tài chính vi mô chính thức (M7, Thanh Hóa, Tình Thương) và khoảng 50 tổ chức tài chính vi mô bán chính thức được thành lập thông qua các chương trình tín dụng và tiết kiệm hoặc do các tổ chức đoàn thể xã hội và tổ chức phi Chính phủ.
Mặc dù các tổ chức đó đã tồn tại từ lâu nhưng chỉ có 3 tổ chức có trên 40.000 khách hàng, và 3 tổ chức khác có được từ 20.000 đến 40.000 khách hàng. 6 tổ chức này có hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 50% tổng số khách hàng của tất cả các tổ chức bán chính thức.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế nhất định trong hoạt động của các tổ chức cung ứng tài chính vi mô như tính đơn điệu về sản phẩm dịch vụ, hệ thống mạng lưới, mức độ tin cậy, trình độ nhân sự cũng như khả năng bao phủ về mặt địa lý.
Một số đề xuất phát triển hoạt động tài chính vi mô Việt Nam
Để phát triển hoạt động tài chính vi mô, theo tác giả, cần quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:
Một là, về quản lý nhà nước, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi các tổ chức tài chính vi mô bán chính thức sang chính thức và trực thuộc quản lý Ngân hàng Nhà nước thay vì phân tán ở các địa phương như hiện nay. Tương tự, các tổ chức tài chính vi mô phi chính thức cần có hướng dẫn và khuyến khích chuyển đổi sang chính thức để hạn chế “tín dụng đen” gây hậu quả đến đời sống xã hội, nhất là các hộ nghèo.
Hai là, về cổ đông chiến lược, khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia với vai trò cổ đông chiến lược nhằm hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc cung ứng dịch vụ tài chính. Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước cần ưu đãi cho tổ chức tín dụng như nguồn vốn tham gia vào tổ chức tài chính vi mô không bị giảm trừ khi tính tỷ lệ an toàn vốn hoạt động của tổ chức tín dụng.
Ba là, về nguồn vốn hoạt động, bên cạnh các nguồn vốn từ tiết kiệm bắt buộc, vốn tài trợ khác thì các tổ chức tài chính vi mô cần có cơ chế cộng biên độ lãi suất khi huy động tiết kiệm tự nguyện để tạo nguồn vốn ổn định lâu dài. Tương tự, khi cho vay cũng được cộng biên độ cao hơn các mức vay thông thường nhằm đảm bảo tính linh hoạt với từng đối tượng vay và đảm bảo thu nhập cho tổ chức tài chính vi mô để tồn tại. Riêng cách thức cho vay, khuyến khích cho vay theo tổ/nhóm như ở các nước để tăng tính hỗ trợ và thanh toán lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ.
Bốn là, về lãi suất và phí, các tổ chức tài chính vi mô cần hướng tới khung lãi suất thị trường để tránh tâm lý ỷ lại của người vay hoặc tiêu cực trong xét duyệt cho vay, bảo lãnh, thanh toán. Theo Ledgerwood (1999), hoạt động tổ chức tài chính vi mô cần hướng đến tính hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Năm là, về sản phẩm dịch vụ, các cổ đông chiến lược cần hỗ trợ tổ chức tài chính vi mô xây dựng sản phẩm dịch vụ đa dạng, phù hợp cho vay nhỏ lẻ như cho vay trả góp, tái tục, lưu vụ với mức lãi suất có tích lũy. Các nghiệp vụ chuyển tiền, bảo lãnh, đại lý bảo hiểm, thu chi hộ… cần phát triển theo nhu cầu và năng lực của tổ chức tài chính vi mô. Trong tương lai phát triển các sản phẩm tài chính phái sinh để phòng ngừa rủi ro và tăng hiệu quả hoạt động.
Sáu là, về rủi ro và an toàn hoạt động, các tổ chức tài chính vi mô cần có hệ thống báo cáo đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu kế toán, quản trị và phải tuân thủ triệt để các tiêu chí an toàn hoạt động, vẫn trích lập dự phòng rủi ro đối với nguồn vốn huy động tự nguyện cũng như trích đủ dự phòng rủi ro khi cho vay theo quy định Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 07/2009/TT-NHNN và Thông tư 15/2010/TT-NHNN.
Bảy là, về công nghệ thông tin, do tính giản đơn của nghiệp vụ nên việc đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại như các ngân hàng thương mại là chưa cần thiết. Hơn nữa, vốn chủ sở hữu của các tổ chức cũng bị hạn chế, do đó chỉ cần lựa chọn hệ thống công nghệ thông tin đủ quản lý tích hợp, bảo mật và an toàn, phù hợp từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, vấn đề cần thiết là quản trị được rủi ro, cho phép chia sẻ hoặc cập nhật tự động thông tin về CIC để các tổ chức tài chính vi mô khác có thể giám sát khách hàng và phòng ngừa rủi ro chung.
Chỉ riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến hết năm 2015, có gần 11.000 điểm giao dịch xã, huy động hơn 140.000 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đạt khoảng 134.000 tỷ đồng, tăng gần 19 lần so với thời điểm thành lập năm 2003.
Tóm lại, tổ chức tài chính vi mô là một loại hình tổ chức tín dụng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế như các loại hình tổ chức tín dụng khác. Vì vậy, hoàn thiện và phát triển loại hình tài chính vi mô là hết sức cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống tài chính nói riêng, thúc đẩy phát triển bền vững đời sống xã hội nói chung.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Kim Anh (2011), Tài chính vi mô với giảm nghèo tại Việt Nam – Kiểm định và so sánh, NXB Thống Kê, 2011;
2. Lê Thanh Tâm và các thành viên (2011), “Phát triển hoạt động tài chính vi mô Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ứng dụng”, Đề tài khoa học cấp cơ sở mã số CS.2010.07, Đại học Kinh tế Quốc dân, 2010-2011;
3. Nghị định 28/2005/NĐ-CP và Nghị định 165/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô nhỏ tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
4. Ledgerwood (1999), Rural Finance Handbook, An Institutional and Financial Perspective, The World Bank, Washington, D.C. 1999;
5. The World Bank Financial Sector Development (2001), Department The Experience in Ghana and the Philippines.