Giải pháp phát triển bền vững bảo hiểm vi mô ở Việt Nam
Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bài viết cung cấp bức tranh tổng thể về bảo hiểm vi mô ở Việt Nam thông qua phân tích các hoạt động phân phối dịch vụ bảo hiểm vi mô cụ thể của hai nhà cung cấp, đó là Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Quỹ An sinh thuộc Hội Khuyến học. Qua đó, nhận diện các nhân tố tác động đến sự phát triển của bảo hiểm vi mô, nguyên nhân bảo hiểm vi mô bị thu hẹp và đề xuất giải pháp phát triển bền vững bảo hiểm vi mô ở Việt Nam.
Tình hình phát triển bảo hiểm vi mô ở Việt Nam
Theo các số liệu thống kê về bảo hiểm vi mô, dưới 5% hộ nghèo và cận nghèo tại Việt Nam được bảo hiểm bởi các sản phẩm bảo hiểm vi mô. Số liệu nghiên cứu của Công ty Tái bảo hiểm MunichRe và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cũng cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại Việt Nam được bảo hiểm bởi các sản phẩm bảo hiểm vi mô năm 2012 duy trì ở mức trên 2% và khảo sát thực tiễn thấy hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô ở Việt Nam hiện được chia thành hai nhóm cụ thể sau:
Nhóm thứ nhất, là các quỹ tương hỗ gắn liền với các tổ chức tài chính vi mô, điểm hình như Tổ chức tài chính vi mô tình thương, Quỹ An sinh (MPA);
Nhóm thứ hai, là các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm. Các DN bảo hiểm (DNBH) tại Việt Nam cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô tới khách hàng có thu nhập thấp chủ yếu qua kênh trung gian là đại lý. Một số DNBH đã thành công trong việc phân phối bảo hiểm vi mô qua kênh trung gian là ngân hàng, các tổ chức hội phụ nữ. Điển hình cho sự thành công này là sự kết hợp giữa Công ty TNHH Manulife Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Bảo Việt và Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ Ninh Phước, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ABIC) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank). Một số DNBH khác cũng đã bắt đầu quan tâm đến thị trường bảo hiểm vi mô nhưng chỉ mới dừng lại ở mức thăm dò hoặc tham gia trong một lĩnh vực nhất định như: Bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng...
Các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở phân khúc bảo hiểm sức khỏe liên quan đến các rủi ro tử vong, mất khả năng lao động, tai nạn con người, chi phí y tế.
Một số mô hình dịch vụ bảo hiểm vi mô
Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam
ABIC là DNBH cổ phần hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Những lý do để có thể khẳng định ABIC là nhà cung cấp bảo hiểm vi mô thành công nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, đó là:
Thứ nhất, sản phẩm Bảo an tín dụng của ABIC là sản phẩm bảo hiểm được phát triển theo hướng sản phẩm bảo hiểm vi mô. Mặc dù là DNBH thương mại và có nhiều sản phẩm đa dạng, tuy nhiên ABIC đặt ra định hướng phát triển sản phẩm chủ đạo của mình là “Bảo an tín dụng” và phát triển sản phẩm này theo hướng sản phẩm bảo hiểm vi mô: Sản phẩm có phạm vi bảo hiểm đơn giản, chủ yếu bảo hiểm cho rủi ro tử vong, số tiền bảo hiểm là dư nợ tín dụng của các hộ vay tín dụng tại Agribank và nằm trong khoảng từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Tỷ lệ phí bảo hiểm được chia thành hai mức: Đối với trường hợp người được bảo hiểm từ 18-45: phí là 0,65% số tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm từ 46-65: phí là 0,90% số tiền bảo hiểm.
Thứ hai, ABIC là công ty bảo hiểm có cổ đông sáng lập và chi phối là Agribank. Lợi thế của ABIC chính là thị trường khách hàng rộng lớn mà Agribank đem lại, cụ thể như:
Mạng lưới của Agribank (hiện là đại lý phân phối cho ABIC) phủ rộng tất cả các tỉnh thành đến tận cấp xã trong cả nước, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi; Lượng khách hàng khổng lồ của Agribank trong đó chủ yếu là khách hàng trong lĩnh vưc nông nghiệp, các hộ gia đình tại khu vực nông thôn. Lợi thế này giúp ABIC có thể tiếp cận khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khách hàng có thu nhập thấp hơn bất cứ công ty bảo hiểm nào trên thị trường; So với các công ty bảo hiểm khác trên thị trường, ABIC được sự hỗ trợ cao của Agribank trong việc triển khai hoạt động bảo hiểm với sản phẩm chủ đạo là “Bảo an tín dụng” cho đối tượng là các hộ vay tín dụng. Nhiều năm qua, ABIC cũng đã tận dụng tốt lợi thế mà Agribank đem lại.
Kết quả triển khai sản phẩm “Bảo an tín dụng” của ABIC có tỷ lệ bồi thường thấp, khả năng sinh lời cao và ổn định. Theo số liệu thống kê của ABIC về sản phẩm “Bảo an tín dụng”, sản phẩm có tỷ lệ tổn thất thấp và duy trì tương đối ổn định. Đây là sản phẩm có giá trị bảo hiểm trên một đơn vị rủi ro nhỏ so với khả năng giữ lại của ABIC. Mặt khác, do phạm vi bảo hiểm hẹp (chỉ bảo hiểm rủi ro tử vong) kỹ thuật và chi phí quản lý rủi ro của sản phẩm không quá lớn, vì vậy, với tỷ lệ tổn thất thấp, tỷ lệ giữ lại 100%, chi phí quản lý rủi ro thấp là những động lực mà ABIC đẩy mạnh khai thác “Bảo an tín dụng”, cải thiện lợi nhuận cho ABIC từ khi hoạt động đến nay.
Hội Bảo vệ tương hỗ
Quỹ An Sinh - Hội Khuyến học (MPA) chính thức được thành lập từ năm 2009 với mục tiêu phát triển hệ thống dịch vụ bền vững phục vụ người nghèo thông qua việc thiết lập hệ thống phòng tránh các rủi ro trong cuộc sống cho thành viên M7. MPA hiện cung cấp hai sản phẩm bảo hiểm vi mô: Sản phẩm “Bảo vệ vốn vay” và sản phẩm “Bảo vệ nhân thọ cơ bản”:
(i) Sản phẩm “Bảo vệ vốn vay” là sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro tử vong của thành viên Quỹ Tài chính vi mô, bảo vệ cho phần dư nợ gốc của khoản vay trong thời hạn vay. Phí bảo hiểm được tính bằng 0,4% mức vốn cho loại vốn 12 tháng, người được bảo hiểm là những thành viên vay vốn từ 18-65 tuổi.
(ii) Sản phẩm “Bảo vệ nhân thọ cơ bản” có 3 quyền lợi: Hỗ trợ viện phí: Nếu thành viên ốm phải nằm viện thì từ ngày thứ 3 được hỗ trợ mỗi ngày 30.000 đồng và 1 năm không quá 7 ngày với 210.000 đồng; Hỗ trợ thương tật toàn bộ vình viễn; Hỗ trợ tử vong. Mức chi trả hỗ trợ tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn ban đầu: Thành viên: 1.000.000 đồng, chồng: 500.000 đồng, con/bố mẹ: 300.000 đồng; mức phí bảo hiểm là 3.000 đồng/tháng. Quyền lợi có thể được điều chỉnh lên 1.500.000 đồng cho thành viên, chồng: 750.000 đồng, con/bố mẹ là 500.000 đồng khi đóng phí ở mức 5.000 đồng/tháng.
Thời gian bảo hiểm được kéo dài từ khi tham gia đến khi thành viên chấm dứt tư cách thành viên hoặc 65 tuổi. Đây là các sản phẩm bảo hiểm vi mô đơn giản có số tiền bảo hiểm rất thấp, tuy nhiên lại là sản phẩm bảo hiểm vi mô cung cấp cho các thành viên của các Tổ chức tài chính vi mô trong mạng lưới M7 - là các hộ nghèo, đói tại các huyện miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tính đến hết tháng 2/2013 đã có 6/8 thành viên của mạng lưới tài chính vi mô M7 tự nguyện tham gia MPA… Tổng số thành viên của MPA đạt 23,057 thành viên trong tổng số 38.774 thành viên của mạng M7, chiếm tỷ lệ 59,46%. Số người được hưởng quyền lợi từ MPA lên tới trên 80.000 người. Từ khi thành lập đến hết tháng 2/2013, tổng tài sản của MPA đạt 2.004.890.269 đồng, số tiền chi trả quyền lợi cho các thành viên là 687.823.400 đồng.
Tính theo từng quyền lợi bảo hiểm, MPA đã trợ giúp 2.345 trường hợp ốm đau phải nằm viện với số tiền 389,420 triệu đồng; Trợ cấp tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn cho 267 người với số tiền là 126,270 triệu đồng; Trả tiền cho Quỹ Xã hội để xóa nợ cho 36 thành viên đang vay vốn bị tử vong là 172,133 triệu đồng (Báo cáo dự án MPA của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Nguồn lực tài chính cộng đồng, 2014). Hỗ trợ viện phí chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi trả của MPA, trong đó tỷ lệ hỗ trợ theo các bệnh tiêu hóa, hô hấp, xương khớp cơ, tuần hoàn và phụ khoa là cao nhất.
Trường hợp bảo hiểm vi mô của MPA cho thấy, rất nhiều nhân tố tác động đến sự suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do những yếu tố sau:
Thứ nhất, hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý bảo hiểm vi mô, MPA hoạt động dưới dạng Hội tương hỗ xã hội, cơ chế đánh giá kiểm soát rủi ro, cơ chế tài chính, vốn và quản lý dòng tiền hiện tại chưa đảm bảo theo quy định của hoạt động bảo hiểm.
Thứ hai, thị trường khách hàng tiềm năng là người nghèo (không phải người có thu nhập thấp) - thành viên của Mạng tài chính vi mô M7 chỉ giới hạn tại 7 huyện của một số tỉnh miền Bắc và miền Trung. Hơn nữa, vấn đề MPA đang phải đương đầu (từ năm 2015 đến nay) là sự sụt giảm về số hội viên tham gia Hội, do sự bất đồng về phương thức triển khai. Chính vì vậy, việc phát triển và mở rộng MPA trong tương lai là không hề đơn giản.
Những vấn đề đặt ra
Việt Nam là một trong các nước đang phát triển tại khu vực châu Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 2009 đến 2015, đạt bình quân trên 5% mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Theo nhìn nhận của các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô, đây lại là yếu tố chủ đạo để phát triển dịch vụ bảo hiểm vi mô và là cơ sở để họ đem các lợi ích cho xã hội mà không gây ra mâu thuẫn về kinh tế. Nhìn chung, dư địa để bảo hiểm vi mô ở Việt Nam phát triển bền vững vẫn còn rất lớn, nếu nó có được một mô hình phát triển phù hợp, sản phẩm được thiết kế hợp lý và đặc biệt là hệ thống phân phối được thiết lập bền chặt.
Từ thực tiễn phát triển của dịch vụ bảo hiểm vi mô ở Việt Nam có thể thấy rằng, để phát triển bền vững bảo hiểm vi mô tại Việt Nam cần sớm kiện toàn một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần có một hệ thống kênh phân phối hợp lý. Thực tế cho thấy, cả MPA và ABIC đều thuận lợi trong việc tiếp cận khách hàng. Lợi thế của ABIC là về mạng lưới, cơ sở hạ tầng và con người của Agribank; còn MPA thì khai thác triệt để mạng lưới M7 cả trên cơ sở thành viên của M7 lẫn việc tận dụng hệ thống M7 để phân phối sản phẩm.
Thứ hai, sản phẩm bảo hiểm vi mô cần đơn giản, thuận lợi cho việc quản lý rủi ro và định phí thấp; giúp các nhà cung cấp dịch vụ thuận lợi trong việc quản lý rủi ro và giảm chi phí.
Thứ ba, bất kể là công ty bảo hiểm hay quỹ tương hỗ hoặc các nhà cung cấp khác đều phải đảm bảo duy trì được mối quan hệ mật thiết giữa họ và các đối tác.
Thứ tư, để gia nhập thị trường bảo hiểm vi mô, các nhà cung cấp dịch vụ cần cân nhắc tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp (liên kết với các ngân hàng nông thôn, ngân hàng xã hội, các tổ chức xã hội) để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm.
Thứ năm, ban hành và hoàn thiện các quy định pháp lý đối với hoạt động bảo hiểm vi mô. Đây là điều kiện nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững cho bản thân các nhà cung cấp bảo hiểm vi mô lẫn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Thứ sáu, phát triển đa dạng sản phẩm như: Tai nạn hộ sử dụng điện, sản phẩm hỗ trợ chi phí y tế...
Tài liệu tham khảo:
1. Craig Churchill & Michal Matul (2012), Bảo vệ người nghèo: Tổng hợp bảo hiểm vi mô tập II (Protecting the poor: A Microinsurance Compendium Volume II), Công ty Tái Bảo hiểm Munich Re và ILO, ILO, Đức;
2. Craig Churchill (2007), Bảo vệ người nghèo: Tổng hợp bảo hiểm vi mô (Protecting the poor: A microinsurance compendium), Munich Re and ILO, ILO, Germany;
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2013), Quyết định số 749/QĐ-LĐTBXH ngày 13/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố về số hộ nghèo, hộ cận nghèo của Việt Nam năm 2012, bản phụ lục;
4. Jim Roth, Micheal J.McCord và Dominic Liber (2007), Toàn cảnh bảo hiểm vi mô tại 100 nước nghèo nhất thế giới (The Landscape of Microinsurance in the World’s 100 Poorest Countries), Trung tâm Bảo hiểm vi mô, LLC, trang 1.