Tái cơ cấu du lịch sau đại dịch
Giai đoạn đầu và giữa đại dịch, người ta bàn về khủng hoảng, nguy cơ, phục hồi. Nhưng tới lúc này, có thể khẳng định phía cuối con đường hoàn toàn không phải là sự “hồi phục”. Đại dịch đã và sẽ khiến ngành Du lịch thay đổi một cách toàn diện, bản chất, lâu dài. Vấn đề đặt ra với ngành du lịch Việt Nam lúc này là các thành tố trong tam giác chính quyền - doanh nghiệp - khách du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự dịch chuyển toàn diện đó hay chưa?
Tái cơ cấu từ dưới đáy
Giới chuyên môn và báo chí đã đưa ra nhiều phân tích về ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế toàn cầu. Nhưng không thể không nhấn mạnh lại một lần nữa bức tranh u ám này riêng trong lĩnh vực du lịch, bởi “ngành công nghiệp không khói” vừa là một trong những ngành nhạy cảm nhất với biến động do đại dịch, vừa đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP toàn cầu.
Theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trước năm 2020, trung bình khu vực này đóng góp trực tiếp 4,4% GDP, 6,9% việc làm và 21,5% xuất khẩu dịch vụ ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và 6,5% xuất khẩu toàn cầu. Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi biến động toàn ngành Du lịch trở thành một trong những đề tài nghị sự quan trọng nhất của các tổ chức lớn như LHQ, Ngân hàng Thế giới (WB), WTO...
Trong bài viết vào tháng 8/2021, bà Isabelle Durant - quyền Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đánh giá: “Năm 2020 là một thảm họa đối với ngành Du lịch, vốn là nguồn thu nhập của hàng triệu người. Sau sáu thập kỷ tăng trưởng phi thường, lĩnh vực này gần như hoàn toàn bế tắc bởi đại dịch COVID-19. Lượng khách du lịch quốc tế giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 1990. Chúng tôi ước tính rằng cuộc khủng hoảng đã khiến thế giới thiệt hại khoảng 4.000 tỷ USD và khiến hơn 100 triệu việc làm du lịch trực tiếp gặp rủi ro. Tình hình này đặc biệt nặng nề tại các nước đang phát triển, khu vực này có thể chiếm tới 60% thiệt hại GDP toàn cầu”.
Nói về cơ hội trở lại “đường đua”, các chuyên gia và cả Tổ chức Du lịch quốc tế thuộc LHQ (UNWTO) đều đưa ra những dự đoán khá rụt rè. Có nhiều rào cản như các chính sách hạn chế đi lại, niềm tin của khách du lịch giảm sút và môi trường kinh tế kém. Tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều giữa các quốc gia cũng là một vấn đề lớn.
Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch toàn cầu nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng phải chuẩn bị sẵn sàng đối diện sự thay đổi hoàn toàn về bản chất của du khách, thói quen đi lại và phương thức vận hành toàn cầu. Nói cách khác, chúng ta thay vì chiến lược chờ đợi tình trạng “phục hồi”, phải sẵn sàng chủ động tiếp cận “luật chơi mới”.
Đối tượng mới, thị trường mới
Niềm tin của khách du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu và tiêu dùng du lịch diễn ra tại chính các thị trường vốn rất sôi động trước đại dịch. Thực tế trên khiến các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú nhận thấy cần cấp thiết đưa ra kế hoạch quay về khai thác sâu thị trường nội địa, cả trong khai thác điểm đến lẫn tập quán của khách hàng.
Hiện tại, các “vùng xanh” khi cho phép mở lại du lịch nghỉ dưỡng nội tỉnh đã đón nhận kết quả vô cùng khả quan. Ngay trong tuần đầu mở cửa nội tỉnh (từ 21/9), Quảng Ninh đã đón tới hơn 1.150 du khách tham quan vịnh Hạ Long và đang tự tin với mục tiêu đạt từ 1,5 đến 2 triệu lượt khách các tháng cuối năm. Thách thức lớn nhất là khách du lịch nội địa thường nhạy cảm hơn về giá và có xu hướng chi tiêu thấp hơn. Những thói quen khác biệt của khách nội địa và tần suất du lịch trong nước tăng lên đòi hỏi rổ sản phẩm phải đa dạng hơn, mới mẻ hơn.
Tất nhiên, khách du lịch quốc tế vẫn phải là mục tiêu dài hạn. Vừa qua, hàng loạt điểm đến quan trọng trong nước tuyên bố sẵn sàng cho “hộ chiếu vaccine”. Đơn cử như tại Phú Quốc, Chính phủ đã quyết tâm mở đón du khách quốc tế, với mục tiêu rất tham vọng đạt từ 2 đến 3 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm. Đòi hỏi không thể chỉ đặt trọng tâm vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga hay Australia, mà cần mở rộng tới các thị trường mới và tiềm năng khác.
Ngoài đối tượng khách hàng thay đổi, hành vi của khách du lịch cũng bị ảnh hưởng bởi diễn biến của dịch bệnh, cũng như xu hướng tiêu dùng trong tầm nhìn dài hạn đang định hình lại cách mọi người đi du lịch.
Du lịch, nghỉ dưỡng là nhu cầu thiết yếu của con người, cuộc sống áp lực do kinh tế, dịch bệnh càng làm nhu cầu này tăng cao. Giống như chiếc lò xo bị dồn nén, nó chắc chắn sẽ bật mạnh khi được “gỡ chốt”. Nhưng thay vì đường hàng không, các lộ trình di chuyển dài, loại hình chuyến đi đường bộ sẽ trở lại mạnh mẽ hơn, khách hàng đi bằng xe tự lái nhiều hơn, các chuyến đi ngắn ngày hơn và quãng đường ngắn hơn. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú phải thay đổi phương thức vận hành để tiếp cận và đáp ứng đúng hành vi khách hàng bao gồm các gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp, tổ chức nơi đỗ xe, tạo ra cơ chế linh hoạt về thời gian, điều kiện đặt phòng...
Du lịch an toàn
Đối nghịch xu hướng di chuyển ngắn, nghỉ ngắn ngày là sự xuất hiện của các ngách và phân khúc thị trường mới đòi hỏi “tận hưởng sâu”, trong đó nổi bật nhất là Du lịch Sức khỏe (Wellness Tourism). Khái niệm Wellness bao gồm: Tự chăm sóc bản thân (Self Care); Sức khỏe (Health); Ẩm thực (Food); Làm đẹp (Beauty); Tập luyện (Fitness); Nhà ở (Home).
Giới chuyên gia du lịch nhận định rằng, bản đồ du lịch thế giới có thể sẽ được vẽ lại. Các điểm đến mới mẻ có cơ hội rút ngắn thời gian tạo nhận biết do “một mình một sân”, tạo vùng an toàn trong lúc các điểm đến quen thuộc gặp trở ngại trong đi lại và khả năng tiếp cận lượng khách lớn. Đây thật sự là cơ hội lớn cho các thị trường mới nổi, vấn đề là khả năng và tốc độ nhận thức cơ hội, cũng như sự sẵn sàng của cả hệ thống.
Bên cạnh sự thay đổi của thị trường và thói quen, khách du lịch cũng quan tâm nhiều hơn tới các giao thức an toàn, vệ sinh dịch tễ và trải nghiệm du lịch không tiếp xúc. Các nước có ngành Du lịch tăng trưởng nhanh chóng sau COVID-19 sẽ là những quốc gia có chính phủ đặt sức khỏe và phúc lợi của người dân lên hàng đầu, đồng thời có chính sách ngăn chặn hoặc “sống chung với dịch bệnh” thành công. An toàn và vệ sinh đã trở thành yếu tố then chốt để lựa chọn điểm đến và hoạt động du lịch. Hiện nay, hầu hết khách sạn, cơ sở lưu trú trong nước đã trang bị tấm chắn, cồn rửa tay khắp nơi, cũng như đưa ra nhiều phương án để giảm thiểu đám đông trong cùng một thời điểm.
Nhu cầu về du lịch an toàn cũng kích thích quá trình số hóa trong các dịch vụ du lịch tiếp tục tăng tốc, bao gồm việc sử dụng tự động hóa cao hơn, thanh toán và dịch vụ không tiếp xúc (touchless service), trải nghiệm ảo, cung cấp thông tin theo thời gian thực. Với mỗi doanh nghiệp, tổ chức, ứng dụng công nghệ lại được triển khai ở những mức độ khác nhau.
Rõ ràng, đại dịch COVID-19 đã và còn sẽ tiếp tục mang đến một sự thay đổi toàn diện về bản chất đối với ngành Du lịch. Cuộc tái cơ cấu toàn diện là cơ hội để khuyến khích đổi mới, thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, khám phá các thị trường hay phân khúc ngách mới, mở ra những điểm đến mới và chuyển sang các mô hình phát triển du lịch bền vững và linh hoạt hơn.
“Kể từ đợt bùng phát đầu tiên của dịch COVID-19 tại nước ta, chúng tôi đã có sự nghiên cứu, đánh giá và chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, chiến lược. Do vậy, Sun Group đã không bị động, nao núng khi dịch bệnh liên tục có những diễn biến phức tạp hơn trong liên tiếp các đợt tiếp theo. Những kế hoạch ứng phó trong dịch, chuẩn bị đón khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát đã luôn được tính toán với nhiều phương án, để bảo đảm an toàn không chỉ cho du khách mà cho cả cán bộ, nhân viên tại các điểm đến của chúng tôi”, ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group chia sẻ.