Tái cơ cấu kinh tế trong Cách mạng 4.0: Cần có những chiến lược và chính sách uyển chuyển hơn
Tại hội thảo “Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 22.11, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam cần có những chiến lược và chính sách uyển chuyển hơn để tận dụng cơ hội này.
Theo Giám đốc NCIF Trần Hồng Quang, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và là cơ hội quý cho sự phát triển của Việt Nam nói chung, tái cơ cấu kinh tế nói riêng trong những năm tới.
Ông Lê Huy Khôi, đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công thương cho biết, Cách mạng 4.0 cho phép mức độ tự do và linh hoạt cao hơn trong quá trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm đầu tư được tùy biến cá nhân và sản xuất tại chỗ. Cùng với đó, tác động làm giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp.
Không những thế, Cách mạng 4.0 sẽ buộc phải cơ cấu lại và thay đổi từ phương thức tổ chức sản xuất đến quy trình và các công đoạn trong toàn bộ quá trình sản xuất của ngành công nghiệp. Ngoài ra, thúc đẩy năng lực sáng tạo trong sản xuất công nghiệp nhờ việc thử nghiệm sản phẩm mới ít rủi ro, bớt tốn kém hơn nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ mới…
Hiện nay, nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 còn hạn chế. Chứng minh điều này, ông Lê Huy Khôi cho biết, kết quả khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho thấy, có đến 79% doanh nghiệp trả lời chưa chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; 55% doanh nghiệp cho biết đang tìm hiểu nghiên cứu; 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai các biện pháp ứng phó.
Để tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng 4.0, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống thể chế thuận lợi cho nền kinh tế số phát triển, tự do hóa đầu tư tham gia, ứng dụng Cách mạng 4.0.
Đồng thời, rà soát mục tiêu tái cơ cấu kinh tế để điều chỉnh kịp thời nhằm tận dụng cơ hội. Hoàn thiện hạ tầng pháp lý, tạo môi trường pháp triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại và hỗ trợ pháp lý phát triển các hình thức kinh doanh mới; tối ưu hóa mô hình sản xuất kinh doanh…
Chia sẻ về định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.