Tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu: Chuyển biến tích cực

Theo Thanh Phương/daibieunhandan.vn

Mặc dù thời gian triển khai chưa dài nhưng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 1058) đã đi vào cuộc sống, tạo được nhiều chuyển biến tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có thể khẳng định Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 thể hiện sự thống nhất về quan điểm, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm tháo gỡ khó khăn trong tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Quyết liệt triển khai

Để triển khai hai văn bản này, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt tới toàn hệ thống.

Ngay đầu năm 2018, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã quán triệt toàn hệ thống tập trung các giải pháp để đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu theo Quyết định 1058 và Nghị quyết 42.

Trong Chỉ thị 04 /CT-NHNN ngày 2/8/2018 về việc tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thống đốc một lần nữa chỉ đạo các TCTD tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, bảo đảm theo đúng lộ trình đề ra.

Gần đây nhất, giữa tháng 9 vừa qua, Thống đốc NHNN ban hành riêng Chỉ thị 05 tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều nội dung. Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Cụ thể, NHNN đã tham mưu Chính phủ trình và được QH thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2010.

Để triển khai Luật này, Thống đốc NHNN đã ban hành 8 thông tư; tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 quyết định và tham mưu Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC).

Thứ hai, NHNN đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 1058.

Công tác giám sát ngân hàng tiếp tục được đổi mới và tăng cường trên cơ sở hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống tiêu chí giám sát.

NHNN kịp thời có văn bản chỉ đạo các TCTD tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ.

Thứ ba, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, NHNN đã tăng cường thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật, diễn biến về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu để tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong toàn xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 phù hợp từng thời kỳ; thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ đặc biệt là quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định cấp tín dụng, triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Về phía VAMC đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết 42.

Để đẩy nhanh hiệu quả công tác tái cơ cấu TCTD gắn với xử lý nợ xấu, yếu tố vĩ mô như môi trường đầu tư, kinh tế vĩ mô ổn định có vai trò quan trọng.

Với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua cũng góp phần quan trọng tạo môi trường vĩ mô ổn định, nhờ đó đẩy nhanh công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Kết quả đáng ghi nhận

Qua 1 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã tạo ra triển vọng và niềm tin đối với hệ thống các TCTD và người dân. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần. Năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD từng bước được cải thiện. Chất lượng tín dụng được nâng cao cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống.

Ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017 và tăng 6,3% so với cuối năm 2016.

Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017 và tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

Riêng đối với kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, tính đến hết 30/6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm.

Mặc dù còn không ít khó khăn trong thực tiễn triển khai nhưng những kết quả nói trên đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định, an toàn hệ thống TCTD, nâng cao niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng, phát triển hệ thống ngân hàng bền vững, hội nhập quốc tế.