Tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Công cuộc đổi mới lần thứ hai
(Tài chính) 2015 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Để đạt được các mục tiêu của kế hoạch 5 năm này và tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn sau, cần xử lý tốt một số vấn đề cơ bản.
2015 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Để đạt được các mục tiêu của kế hoạch 5 năm này và tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn sau, cần xử lý tốt một số vấn đề cơ bản:
Một là, cần xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước hết, chúng ta cần thống nhất đổi mới mô hình tăng trưởng luôn gắn liền với tái cơ cấu nền kinh tế và là một quá trình đổi mới không ngừng của nền kinh tế. Ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã xác định: vấn đề lớn nhất hiện nay là sắp xếp, bố trí lại, cơ cấu và bước đi của nền kinh tế phù hợp với phương hướng mục tiêu của những năm trước mắt, phù hợp với khả năng thực tế của nước ta và sự phân công hợp tác quốc tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định, vững chắc với nhịp độ nhanh. 30 năm đã trôi qua, bài học từ ngày đầu đổi mới vẫn còn nguyên giá trị cả về xác định mục tiêu và cách thức tổ chức thực hiện trong từng lộ trình cụ thể.
Kế thừa và phát triển Nghị quyết Đại hội VI, Đại hội XI đã chỉ rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá để phát triển nền kinh tế. Nhiều nhà khoa học đã đưa ra luận giải và khái niệm về tái cơ cấu là sự cơ cấu lại nguồn lực theo hướng chảy về nơi sử dụng nguồn vốn tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian đổi mới theo chiều rộng và đạt được những thành công lớn, mỗi vùng miền đều đã có sự thay đổi và tạo ra lợi thế riêng của mình.
Vì vậy, tái cơ cấu chính là phát huy hết lợi thế so sánh của từng ngành, địa phương để tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tạo ra thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ở đây, lợi thế so sánh của quốc gia sẽ được nhân lên nhờ tận dụng lợi thế trong nội bộ ngành, lĩnh vực của đất nước. Làm rõ được điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 theo cách nhìn khác hơn. Trung ương sẽ không còn giao chỉ tiêu cho từng địa phương phải đạt tốc độ tăng trưởng cao nữa mà sẽ giao yêu cầu phát triển phù hợp với thực tế địa phương.
Ví dụ với tỉnh Hà Giang, do đặc điểm địa lý tự nhiên thì nhiệm vụ chủ yếu là giữ vững biên cương Tổ quốc, bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là văn hóa của đồng bào H’mông. Như vậy, định hướng phát triển sẽ là dịch vụ du lịch gắn với Cao nguyên đá, với tiếng khèn say lòng người. Sản xuất ở đây tập trung vào nông nghiệp - lâm nghiệp là chính theo mô hình liên kết giữa chế biến lâm sản gắn với phát triển rừng – bảo vệ biên giới. Mọi kinh phí bảo đảm nhu cầu an sinh xã hội và đầu tư kết cấu hạ tầng do Trung ương cấp kinh phí.
Như vậy, tỉnh không phải lo mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng và vượt cả nước trong khi hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và vấn đề bảo vệ môi trường vẫn để ngỏ. Và như thế, câu chuyện GDP cấp tỉnh với tốc độ tăng trưởng 9 - 10%/năm, cao hơn GDP cả nước sẽ không còn lặp lại.
Hai là, phân bổ nguồn lực quốc gia hay là triển khai Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư (sửa đổi). Cương lĩnh năm 2011 và Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định: trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta thì kinh tế nhà nước là nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, sử dụng có hiệu quả đầu tư công để lôi cuốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào phát triển kinh tế là rất quan trọng.
Với tư duy đột phá như ở phần 1 đã nêu, việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để có thêm một nguồn lực đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhiều rủi ro ban đầu là yêu cầu sống còn trong tạo nguồn lực bổ sung, trong điều kiện nguồn lực của cả nước còn hạn hẹp. Từ bài học của Samsung đốëi với việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu smartphone của các doanh nghiệp Việt Nam đặt ra một yêu cầu mới đối với Chính phủ.
Do Chính phủ được Hiến pháp quy định là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp có vốn nhà nước nên cần nghiên cứu việc thành lập mới một vài doanh nghiệp với công nghệ tiên tiến, hiện đại từ nguồn vốn mà Chính phủ thu được từ cổ phần hóa và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước. Sau khi doanh nghiệp hoạt động ổn định có hiệu quả thì tiến hành thoái vốn để các nhà đầu tư khác tham gia điều hành và làm chủ doanh nghiệp. Nhà nước sẽ có một nguồn vốn mới hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực mới hình thành còn nhiều rủi ro.
Lúc này, Chính phủ hoạt động như một quỹ đầu tư rủi ro ở các nước phát triển và doanh nghiệp nhà nước thể hiện vai trò đi trước mở đường. Hoặc mô hình đầu tư đường giao thông rồi bán quyền khai thác như Bộ Giao thông - Vận tải đang triển khai thí điểm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng là một minh chứng cho đề xuất nêu trên. Như vậy, cần thay đổi cơ bản tư duy phải có doanh nghiệp nhà nước để tham gia điều tiết thị trường thành tư duy thị trường vận hành theo quy luật phổ quát và Chính phủ - mà ở đây là doanh nghiệp nhà nước, tham gia vào những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước có trách nhiệm phải làm.
Ba là, phải xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 dựa trên tác động lan tỏa của các vùng động lực của nền kinh tế.
Giai đoạn vừa qua, việc tái cơ cấu nền kinh tế mà ở đây là tái cơ cấu 3 trọng tâm gồm: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chưa có sự liên kết giữa các ngành với nhau và với kinh tế vùng. Chúng ta chưa thấy mối liên quan chặt chẽ giữa việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gắn liền với sức khỏe không chỉ của doanh nghiệp nhà nước và cả hệ thống doanh nghiệp nước ta.
Đầu tư công tràn lan kém hiệu quả cũng là một nguyên nhân quan trọng trong nhiều nguyên nhân làm cho tình hình tài chính doanh nghiệp ngày càng xấu đi như, việc nợ đọng xây dựng cơ bản đã đẩy các doanh nghiệp xây dựng giao thông thành con nợ lớn của các ngân hàng thương mại. Với thực tế của nước ta hiện nay, chúng ta khó có thể mơ đến việc có những sản phẩm đột phá về công nghệ so với thế giới. Nhưng chúng ta lại đang ở thời kỳ dân số vàng. Vì vậy, không thể coi nhẹ ngành công nghiệp dệt may mà phải coi đây là ngành quan trọng trong vòng vài chục năm tới vì sử dụng được số lượng lớn lực lượng lao động với tay nghề cao hơn 2 - 3 lần so với lao động nông nghiệp.
Vấn đề là phải tập trung đầu tư xây dựng công nghiệp dệt may đáp ứng được yêu cầu cao của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) để từng bước tham gia được vào cả 4 công đoạn: thiết kế - sản xuất nguyên liệu - gia công - phân phối của ngành công nghiệp dệt may.
Việc phát triển công nghiệp dệt may trong vòng 20 - 30 năm tới giải quyết được việc làm cho một số lượng lớn lao động nông nghiệp chuyển đổi nghề. Phải gắn phát triển công nghiệp dệt may với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn Việt Nam. Như vậy, cùng với việc xử lý các vấn đề nêu ở phần 2, chúng ta sẽ phải thực hiện việc thay đổi cơ bản tư duy phát triển đầu tư dàn hàng ngang để tập trung tạo ra những đầu tàu kinh tế có đủ khả năng đưa con tàu kinh tế Việt Nam tiến nhanh tới đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Bốn là, bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình tam giác phát triển: kinh tế - môi trường sống - an sinh xã hội.
Trong quá trình phát triển kinh tế, tất yếu phải có tác động vào hệ cân bằng sinh thái - môi trường sống của con người, vấn đề là, sau đó chúng ta ứng xử thế nào. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, các nhà khoa học của Đức đã đưa ra một khái niệm về cân bằng sinh thái khi nghiên cứu vấn đề cung ứng gỗ chống lò cho mỏ than và xác định: cân bằng sinh thái được bảo tồn khi lượng gỗ khai thác bằng với tốc độ phát triển của rừâng trồng phục vụ lấy gỗ. Tức là trên một diện tích cố định thì việc khai thác rừng được giới hạn bằng lượng gỗ mà một khu rừng trồng mới có thể cho khai thác trong cùng một thời gian.
Xét trong bối cảnh hiện nay, có thể xác định được giới hạn của diện tích đất nông nghiệp, cần cân nhắc việc trồng lúa 3 vụ hay chỉ trồng lúa 2 vụ và 1 vụ để nước tràn tự nhiên thì có lợi hơn về phòng chống dịch bệnh cho lúa. Đã bao giờ chúng ta đặt bài toán so sánh việc dỡ bỏ đê bao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để đạt cân bằng tự nhiên tốt hơn hay đắp đê theo mô hình đê của đồng bằng sông Hồng tốt hơn?
Trong bối cảnh nước ta hiện nay cần cân nhắc giữa việc thực hiện nhiều chính sách dạng dân túy mà quên bài toán ngân sách, đẩy nợ công lên cao chính là đang phá hủy sự cân bằng an sinh xã hội của thế hệ sau. Vấn đề đặt ra là công khai khả năng tối đa chúng ta làm ra để có thể tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Phá vỡ mối quan hệ hữu cơ của mô hình tam giác phát triển chính là biểu hiện của sự phát triển thiếu bền vững.
Kinh nghiệm 85 năm qua của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng là động lực, niềm tin để thực hiện thắng lợi tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng - công cuộc đổi mới lần thứ hai - đi vào chiều sâu, bền vững.