Tái cơ cấu ngân hàng còn nhiều nỗi lo
Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) được củng cố, nợ xấu giảm đáng kể, gần như không còn tình trạng sở hữu chéo. Đó là những tín hiệu tích cực từ quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm, cần sự phối hợp của các bên liên quan và chỉ đạo sát sao của Chính phủ để quá trình này đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Chỉ còn 1 cặp sở hữu chéo
Thông tin về kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến nay, hầu hết các phương án cơ cấu lại của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt. Bên cạnh đó, kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.
Về quy mô hệ thống các TCTD, đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của hệ thống TCTD đạt 11,81 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018 và tăng 18,8% so với cuối năm 2017.
Các ngân hàng được NHNN mua lại bắt buộc và Ngân hàng Đông Á (ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt) đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại. Đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương. Đối với Ngân hàng Xây dựng, NHNN đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Về xử lý tình trạng sở hữu chéo, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đến thời điểm 30/6/2019 đã khắc phục hết từ con số 7 cặp của năm 2012. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến tháng 6/2019 còn lại 1 cặp, trong khi con số của năm 2012 là 56 cặp.
Lận đận tăng vốn, tiềm ẩn rủi ro từ nợ xấu
Dù đạt được những kết quả tích cực như trên song quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo NHNN, một trong những trở ngại đáng kể nhất hiện nay chính là nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực của Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.
Bên cạnh đó, việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành, các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.
Mặt khác, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính. Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả công tác xử lý nợ xấu, NHNN đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước (không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc).
Đồng thời, NHNN cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo sát sao hơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt đối với các đề xuất của NHNN về phương án xử lý các TCTD yếu kém. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp và tham gia hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của các TCTD.