Tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng
Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cũng ghi nhận đã có 17 ngân hàng thương mại có văn bản đăng ký áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (chuẩn mực an toàn vốn Basel II – phương pháp tiêu chuẩn) trước thời hạn có hiệu lực.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), công tác tái cơ cấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt được những kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, lộ trình, tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD.
Cụ thể, vốn điều lệ của toàn hệ thống đến cuối tháng 8/2019 đạt 591,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.
Đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 11,81 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018 và tăng 18,8% so với cuối năm 2017.
Ngoài ra, báo cáo ghi nhận có 17 ngân hàng thương mại (15 NHTM trong nước, 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) đã có văn bản đăng ký áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN trước thời hạn hiệu lực, trong đó 11 NHTM đã có quyết định chấp thuận của Thống đốc NHNN gồm: Vietcombank, VIB, OCB, MB, VPBank, TPBank, ACB, Techcombank, MSB, HDBank, ShinhanBank.
Quy mô hệ thống các TCTD cũng tiếp tục tăng, các NHTM do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (NHTMNN) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các TCTD. NHNN giám sát chặt chẽ việc triển khai giải pháp cơ cấu lại của các NHTMNN, kịp thời yêu cầu rà soát, điều chỉnh phương án phù hợp với thực tiễn hoạt động để khắc phục các tồn tại, yếu kém.
Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 NHTMNN (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống. Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng của các NHTMNN bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và Vietinbank.
Để tăng cường năng lực tài chính cho các NHTMNN, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn, đáp ứng đủ mức vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các NHTMNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank và đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank.
Với các NHTM cổ phần (NHTMCP), đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của các ngân hàng đạt 270 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 4.918 nghìn tỷ đồng, tăng 8,0% so với cuối năm 2018; cho vay thị trường 1 đạt 3.033 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2018.
Với các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á (DAB), NHNN trong trong thời gian qua đã chỉ đạo quyết liệt các tổ chức này xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại/phương án phục hồi. Các ngân hàng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại. Đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương. Đối với Ngân hàng Xây dựng, NHNN đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.